MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Lì xì đầu năm hay cuộc đua của người lớn: Sao mừng tuổi giờ giống “nghĩa vụ” đám cưới thế?

06-02-2019 - 20:29 PM | Sống

“Anh này mừng con mình mỗi đứa 200 nghìn này chồng, nhà anh ấy chỉ có một đứa thôi nên vợ chồng mình mừng 500 nghìn nhé, 400 nghìn thì giống hòa vốn quá”.

Cô bé hàng xóm chạy về nhà khoe mẹ sau khi tôi mừng tuổi nó, gương mặt rạng rỡ hồ hởi cầm trong tay phong bao lì xì. Ngó qua ngôi nhà sát hàng rào, tôi thấy mẹ con bé giật ngay phong bao lì xì từ tay nó, cầm tờ tiền lên đếm rồi lẩm bẩm, nghe loáng thoáng “Chú mừng còn 50 nghìn à, để mẹ mừng lại”.

Lì xì đầu năm hay cuộc đua của người lớn: Sao mừng tuổi giờ giống “nghĩa vụ” đám cưới thế? - Ảnh 1.

Lát sau, bố mẹ cô bé hàng xóm qua nhà tôi chúc Tết; bà mẹ cười tươi, cầm phong bao lì xì cũng na ná phong bao tôi vừa mừng tuổi con chị, dúi vào tay con trai tôi còn đang ẵm ngửa: “Hay ăn chóng lớn nha con”. Ngồi một lúc thì vợ chồng chị ra về, tôi thử mở phong bao lì xì ra thì thấy tờ tiền y hệt, hình như còn đúng cả số seri tờ tiền tôi vừa mừng.

Câu chuyện của Tết năm ngoái vẫn khiến tôi trăn trở. Không biết từ bao giờ lì xì đã bị khoác lên mình những chiếc vỏ trách nhiệm nặng nề như vậy. Tuy nhiên, đó không phải câu chuyện của ai đó xa lạ; tôi cũng thấy mình trong đó, một cách thành thật, từ lúc nào không biết…

“Nghĩa vụ” lì xì

Hãy thử hỏi bản thân một câu như này: Nếu có ai mừng tuổi con bạn ngần này đồng, bạn có nghĩ về việc sẽ mừng tuổi con họ tờ tiền có giá trị tương tự hoặc hơn không?

Có?

Cái suy nghĩ như vậy đã nhen nhóm trong đầu bạn từ khi nào? Từ khi thấy bố mẹ làm vậy? từ khi bạn có con?

“Không biết nữa”.

Tôi đoán từ khi lì xì đã vượt ngoài câu chuyện của một lời chúc đầu năm và đồng tiền mừng tuổi không còn đơn thuần chỉ để mừng tuổi.

Câu chuyện như vậy không phải hiếm gặp, của tôi, của chị hàng xóm mà trở thành vấn đề mỗi dịp Tết đến – điều tưởng chừng như đơn giản vô cùng trong văn hóa Việt Nam nhưng lại trở nên phức tạp. Sếp tôi kể rằng có người bạn sang nhà chúc Tết, mừng mỗi con sếp 200 nghìn đồng, vợ sếp thấy vậy lại phải chuẩn bị một tờ 500 nghìn đồng để mừng tuổi lại, nói là 400 nghìn thì hơi lẻ, mừng như thế khác nào nói là mình… lại quả!

Nhưng đúng là như thế thật. Mừng tuổi như một cuộc đua ngầm mà người sau mừng tuổi kém người trước thì trở thành điều “không hay”, còn nếu mình mừng tuổi nhiều hơn nhà người khác thì lại “thiệt”.

Đã qua rồi cái thời những phong bao lì xì được xếp gọn gàng, tinh tươm, từng tờ tiền được gia chủ nhét vào bao lì xì ngay ngắn, không quên chuẩn bị những lời chúc mừng năm mới tốt đẹp đến cho người nhận. Cuộc sống ngày càng đổi thay, những bao lì xì ngày càng muôn màu muôn vẻ nhưng những tờ tiền sao vội vàng, vồn vã: cứ nhận đã rồi xem bao nhiêu mà liệu đáp lại. Người ta đổ lỗi cho một xã hội vật chất, nơi giá trị của tờ tiền quan trọng hơn ý nghĩa của hành động lì xì. Tiền mừng tuổi trao đi cho những đứa trẻ, người già đầu năm nhưng cái “tâm” đôi khi lại đặt vào người lớn.

Lì xì đầu năm hay cuộc đua của người lớn: Sao mừng tuổi giờ giống “nghĩa vụ” đám cưới thế? - Ảnh 2.

Không ai so đo thiệt hơn với lời chúc mừng đầu năm nhưng khi mất dần đi cái ý nghĩa tốt lành ban đầu, lì xì trở thành một “áp lực”. Một vòng xoay luẩn quẩn cứ dồn dập trong suy nghĩ của những người trưởng thành; người đi mừng tuổi sẽ nghĩ “như này có ít quá không? người ta có nghĩ mừng như này thì đủ chưa nhỉ?” còn người được nhận thì tự hỏi “họ mừng tuổi con mình như này thì mình nên mừng tuổi lại bao nhiêu? nhà đấy có bao nhiêu con?”. Một xã hội xoay vần với suy nghĩ ấy gieo từ đầu người này sang đầu người kia, từ người lớn cho tới lũ trẻ, đến khi Tết hết, ai đó khẽ thở phào.

Áp lực vô hình cứ thế xuất hiện, dù không ai nói với ai.

Mừng tuổi đầu năm hay đi đám cưới?

Đã có không ít câu chuyện dở khóc dở cười liên quan tới những hoạt cảnh đi đám cưới tréo ngoe: Bạn nhắn tin “đòi” đi đám cưới, được người ta mừng đám cưới bao nhiêu thì dù xa xôi cách trở cũng phải gửi mừng bằng được đúng số tiền ấy… Tất nhiên đó không phải là đa số nhưng nó vẫn tồn tại, và nhiều người thực sự cảm thấy áp lực với việc đi đám cưới vì cái suy nghĩ “có ăn có trả” vậy. Câu chuyện của mừng tuổi, không ai gọi tên nó ra một cách thô như thế vì vẫn phần nào sợ bị đánh giá, nhưng nó tồn tại khắp nơi. Tôi vẫn nhớ câu cửa miệng của mẹ tôi hồi nhỏ:

“Người ta mừng tuổi con thì cũng là tiền bố mẹ bỏ ra nhiều chứ ở đâu ra?”

Lì xì đầu năm hay cuộc đua của người lớn: Sao mừng tuổi giờ giống “nghĩa vụ” đám cưới thế? - Ảnh 3.

Câu chuyện đám cưới và mừng tuổi đầu năm đều khởi nguồn từ những mong muốn tốt đẹp về cuộc sống hạnh phúc, năm mới bình an nhưng giờ đây, nhiều người “sợ” đi đám cưới - và có lẽ cũng đã có những người sợ mừng tuổi - không phải vì tiếc tiền mà từ áp lực vô hình gieo vào trong đầu họ. Nếu như đám cưới đời người chỉ có một lần - không nhắc những câu chuyện họa hoằn, thì Tết năm nào cũng tới. Kể cả những người có bình tâm nhất trước Tết, khi nghe những tâm tư của mọi người về mừng tuổi cũng không khỏi toát mồ hôi: “Mừng tuổi bao nhiêu thì được nhỉ?”, “Nhà anh A, chị B năm nào cũng mừng tuổi nhiều, năm nay mình mừng bao nhiêu?”, “Con sếp thì mừng khác đi nhé”, “nhà đó năm nào cũng có tận 3 đứa con sang chúc Tết nhà mình lận…”

Trả lì xì về đúng câu chuyện tốt đẹp

Có nhiều người, dù không muốn phải đắn đo vì những chuyện như vậy trong Tết mà cũng bị cuốn đi theo. Lì xì như đã thành một cuộc đua và chạy kịp theo… lạm phát! Người ta nói giờ 20 nghìn không được một bát phở, thì cũng phải mừng trẻ con gấp mấy lần đi như thế cho ra tấm ra món. Tiền có thể lạm phát nhưng tình cảm đâu có tuân theo quy luật thị trường? Vậy là từ việc lấy bình an hạnh phúc đầu năm làm tâm trong văn hóa lì xì, nhiều người nâng nó lên thành một cuộc ngã giá ngầm.

Năm mới lại nói những chuyện cũ; chúng ta dù không rõ nguồn gốc sâu xa của tập tục lì xì nhưng ai cũng nằm lòng ý nghĩa của hành động tốt đẹp đầu năm nay: Cầu mong may mắn sẽ đến với người nhận những phong bao. Hãy đừng để câu chuyện lì xì thành một nét xấu xí trong mắt lũ trẻ hay động lực vật chất cho các con mỗi dịp xuân về; thay vào đó hãy dạy đám trẻ ý nghĩa của những lời chúc đầu năm và những bao lì xì rực rỡ.

Chúng ta đâu chỉ nhét một tờ tiền vào trong bao lì xì mà còn gửi gắm trong đó những lời cầu chúc trong năm mới cho người nhận. Lì xì là niềm vui của con trẻ, đâu ai muốn biến nó thành cuộc đua của phụ huynh. Tôi luôn tin rằng nếu có một mắt xích trong vòng tròn trao-nhận đó bị phá vỡ - một phong bao lì xì được trao đi nhưng không đặt nặng vào giá trị đồng tiền - thì những người khác cũng cảm thấy thoải mái hơn khi mừng tuổi đầu năm.

Trao lì xì đầu năm, đừng trao áp lực.

Theo SKYE | DESIGN: ĐỨC MINH

Helino

Trở lên trên