MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Liên tục thua lỗ, liệu K+ có phải là một 'Coca-cola Việt Nam thứ hai'?

04-05-2016 - 14:56 PM | Doanh nghiệp

K+ đã lỗ đến 2.000 tỷ đồng chỉ trong vòng 6 năm qua, nhưng có vẻ như lãnh đạo công ty không cảm thấy lo lắng về điều này và cho biết K+ vẫn sẽ mở rộng hoạt động trong tương lai.

"Lỗ" dường như đã thành chiến lược của các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài.

Cứ 3 năm một lần, câu chuyện về bản quyền giải bóng đá Ngoại Hạng Anh lại nóng lên khi các hãng truyền hình trả tiền chật vật mong muốn sở hữu quyền phát sóng các trận đấu. Và năm nay, cục diện vẫn chưa thể thay đổi khi K+ vẫn một mình sở hữu bản quyền từ MP&Silva.

Tổng giám đốc K+, ông Lê Chí Công cho biết, trong lĩnh vực truyền hình số, nội dung là yếu tố quan trọng nhất. Những phân tích chỉ ra rằng, nếu không có bản quyền giải Ngoại Hạng Anh, thì nội dung của K+ chưa đủ mạnh để cạnh tranh với các đối thủ và sẽ lỗ nặng. Lỗ lũy kế của K+ đến nay đã lên tới 2.000 tỷ đồng.

Thực tế, những lập luận đó là hoàn toàn có cơ sở, vì bản quyền giải Ngoại Hạng Anh đúng là một miếng bánh béo bở, nhưng nếu không có bản quyền, các doanh nghiệp truyền hình cáp vẫn hoàn toàn có thể sống khỏe bằng các nội dung khác.

Minh chứng cho điều này là một công ty vốn điều lệ 42 tỷ đồng như Công ty cổ phần công nghệ Việt Thành mới đây đã công bố lợi nhuận sau thuế 93,2 tỷ đồng năm 2015, tương ứng EPS gần 22.000 đồng/cổ phiếu. Mức EPS này còn cao hơn các doanh nghiệp nổi tiếng có EPS khủng trên sàn chứng khoán như Bến xe miền Tây, ô tô Trường Long, hay chăn nuôi Phú Sơn...

Việt Thành có địa bàn hoạt động tại khu vực TPHCM và Đồng Nai, hiện có khoảng 250.000 thuê bao. Tính trung bình, mỗi thuê bao hàng tháng chỉ đóng khoảng hơn 50.000 đồng cho công ty, nhưng tích tiểu thành đại, doanh thu từ truyền hình cáp năm qua khoảng 158 tỷ đồng.

Mặc dù lợi nhuận năm 2015 tăng so với năm 2014, nhưng doanh thu từ truyền hình cáp lại giảm 21%, từ 200 tỷ đồng xuống 158 tỷ đồng, cho thấy có vẻ như mảng truyền hình cáp cũng đang gặp phải sự cạnh tranh khốc liệt.

Quay lại với K+, rất khó để khẳng định sự sụt giảm doanh thu của Việt Thành có phải do cạnh tranh từ K+ hay không. Tuy nhiên, số thuê bao của K+ vẫn đang tăng đều qua từng năm. Lãnh đạo K+ cho biết, đến năm 2015, K+ đã có 800.000 thuê bao, và nếu không tính lãi vay thì K+ đã đạt điểm hòa vốn. Tuy nhiên, về tổng thể K+ vẫn sẽ lỗ tiếp khoảng 260 tỷ đồng năm 2016 và 120 tỷ đồng năm 2017 do khoản vay lớn bằng USD.

Điệp khúc báo lỗ của K+ khiến người ta liên tưởng tới một hệ thống các doanh nghiệp tại Việt Nam: Đó là doanh nghiệp FDI. Dường như việc K+ báo lỗ có một chút tương đồng so với các doanh nghiệp ngoại vào Việt Nam như Cocacola, đó là động cơ hay được gọi với cái tên: "chấp nhận lỗ để chiếm lĩnh thị trường".

K+ mới chỉ lỗ 6 năm trong khi Cocacola ở Việt Nam báo lỗ suốt 20 năm. Coca-cola lỗ nhiều tới mức, liên doanh giữa Coca-cola và doanh nghiệp Việt Nam đã phải phá bỏ vì doanh nghiệp nội không thể chịu được các khoản lỗ lũy kế cứ tăng dần đều qua các năm.

Đây cũng là nét chung của các doanh nghiệp FDI khi đầu tư vào Việt Nam. Theo báo cáo năm 2015 của Phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI), các doanh nghiệp FDI luôn có tỷ lệ thua lỗ cao nhất, nhưng lại vẫn tiếp tục mở rộng sản xuất kinh doanh. VCCI bình luận: “Việc kinh doanh gặp phải thua lỗ là chuyện bình thường, nhưng tỷ lệ các doanh nghiệp FDI thua lỗ cao khiến nhiều người đặt câu hỏi về sự thật của việc thua lỗ, khi mà các doanh nghiệp FDI vẫn tiếp tục đầu tư và mở rộng sản xuất kinh doanh tại Việt Nam”.

Cũng theo mô hình "lỗ nhưng mở rộng kinh doanh", K+ cho biết cũng sẽ tiếp tục phát triển thêm nhiều hướng kinh doanh trong thời gian tới. Năm 2017, chiến lược của K+ là đầu tư vào các giải bóng đá trong nước. Trước đó, bên cạnh thể thao, K+ cũng rất tích cực mua nội dung các chương trình hấp dẫn như UK X-Factor, America's Got Talent..., hay chiếu các bộ phim đình đám như "Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh", "Em là bà nội của anh" không lâu sau khi các bộ phim này ra rạp.

Và tất nhiên, rất khó để K+ dự báo có lãi trong thời gian tới. Đơn vị này, cũng giống Coca-cola Việt Nam trước kia, đang chờ đợi đối tác nội là VTV thoái vốn càng sớm càng tốt để hoạt động thuận tiện hơn trong thời gian tới. Khác với lĩnh vực nước giải khát, với lĩnh vực nhạy cảm như truyền hình, sẽ mất nhiều thời gian và thủ tục hơn để thoái vốn. Thế nhưng, mặc kệ những điều này, đại diện K+ cho biết, VTV thoái vốn, K+ chỉ có tốt lên.

Theo Minh Quân

Trí thức trẻ/CafeBiz

Trở lên trên