MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Đào được 60.000 tấn vàng?

18-10-2011 - 14:16 PM |

96 cựu binh sĩ Tiểu đoàn 16 bộ binh Philippines đã đứng đơn kiện cựu tổng thống Ferdinand Marcos ở California và Zurich đòi trả công đào được 60.000 tấn vàng bạc châu báu từ năm 1973 đến quý II/1985.


60.000 tấn vàng và ngọc ngà châu báu được cho là của kho vàng Yamashita huyền thoại chôn giấu trên đất Philippines năm 1943-1944 trước khi Nhật đầu hàng đồng minh. Đây là con số mà nhóm nguyên đơn khai có tuyên thệ nhưng rất khó chứng minh là có thật.

Lời hứa gió bay

Nhật báo The Philippines Inquirer tháng 1-1999 có đăng một loạt bài dẫn lời ông Roberto B. Caoile, người phát ngôn của nhóm, cho biết Tiểu đoàn 16 được tái lập tháng 9-1972 với nhiệm vụ bí mật khai quật các kho vàng Yamashita theo lệnh tổng thống Marcos. Quân số tiểu đoàn lúc đó hơn 115 người phối hợp với Lữ đoàn 51 công binh và Cục Quân nhu AFP.

Nằm dưới quyền chỉ huy trực tiếp của tổng tham mưu trưởng Fabian Ver, nhiệm vụ công khai của tiểu đoàn là chiến đấu nhưng thật ra là chuyên đào vàng cho tổng thống vào ban đêm. Mọi hoạt động của họ đều bị tiểu đoàn vệ binh phủ tổng thống giám sát hết sức chặt chẽ. Ông Caoile cho biết thêm trong hơn 12 năm tìm kiếm, Tiểu đoàn 16 đã khai quật khoảng 30 trong số 175 kho vàng Yamashita.

Tháng 3-1973, cuộc đào hố khai quật kho vàng đầu tiên được tiến hành gần hồ Caliyara ở Lumban, tỉnh Laguna. Địa điểm khai quật được vây kín bằng hàng rào thép. Trước khi đào, binh lính tổ chức giết heo, gà cúng thần giữ vàng “Enkantos”. Họ tin rằng nếu không cúng sẽ gặp rắc rối hoặc xui xẻo. Ngay cả binh lính cũng được căn dặn trung thực, không được “tà tâm”, nếu không sẽ bị trừng phạt.

Trong suốt quá trình đào bới, tổng thống Marcos dùng trực thăng đến thăm nhiều lần không báo trước. Nhiều người thấy cùng đi với ông có 4 người Nhật.

23 giờ ngày 27-4-1973, có tin đã đào trúng kho nằm dưới lòng đất chừng 14-15 m chứa nhiều thùng tròn bằng thép cao gần 1 m, đường kính khoảng 0,45 m và nhiều hộp bằng đồng hình chữ nhật. Hai xe ủi đất, hai xe gàu xúc và một xe cần cẩu loại lớn được điều đến mang kho báu lên mặt đất.

Trong một lần thao tác, gàu máy xúc vô tình làm tung nắp một thùng tròn. Dưới ánh đèn pha, thấy lóe lên những thỏi vàng sáng chói. 30 phút sau, có 3 chiếc trực thăng loại Huey bay đến. Tổng thống Marcos, tướng Ver và nhiều chức sắc cao cấp khác đến xem kho vàng. Ông ta rất phấn khởi và nói với 60 binh sĩ có mặt trong giờ phút lịch sử bằng tiếng địa phương Tagalog: “Tất cả anh em sẽ được chia phần nhưng vui lòng đợi thời điểm thích hợp”. Một lời hứa như gió thoảng mây trôi!

Theo ông Caoile, một số thỏi vàng được phủ nhựa đường để mờ mắt những người đào vàng. Vào tay ông Marcos, các thỏi vàng bị xóa tiếp các dấu hiệu để che giấu nguồn gốc bởi 30 năm sau thế chiến thứ 2, chính phủ các nước vẫn có quyền đòi lại số vàng của mình bị Nhật cướp. Thời đó, vàng Campuchia nặng 6,3 kg in 5 ngôi sao, vàng Sumatra nặng 6,2 kg có 4 sao, vàng Miến Điện nặng 6 kg có 3 sao…

Cũng theo lệnh tổng thống, các thỏi vàng đào được đều đem nấu lại tại Ngân hàng Trung ương Philippines, trọng lượng và kích thước đều thay đổi để không biết đó là vàng Yamashita.

Trong đơn kiện, các cựu binh Tiểu đoàn 16 cho biết họ đã đào được tổng cộng 60.000 tấn bao gồm vàng thỏi, vàng nén, kim loại quý như bạch kim, chrome, nickel, thiếc và thỏi hợp kim babbitt. Ngoài ra còn có đá quý như kim cương thô và thành phẩm.

Các đơn kiện gửi Tòa án Zurich (Thụy Sĩ) hay California (Mỹ) đều không có hồi kết bởi chi phí quá cao trong khi các cựu binh tiểu đoàn 16 quá nghèo. Ví dụ, một luật sư Thụy Sĩ yêu cầu trả phí tư vấn 500-600 quan Thụy Sĩ/giờ. Ở California cũng vậy.

Huyền thoại 4.000 tấn vàng

Ai cũng biết khi tổng thống Marcos bị phế truất năm 1986, chạy sang Hawaii sống lưu vong, gia đình ông sở hữu một tài sản khổng lồ. Nguồn gốc sự giàu có này được ông Marcos chính thức giải thích ngày 1-1-1970 (lúc đó là đương kim tổng thống Philippines) rằng nhờ đào được kho vàng Yamashita. Năm 1992, bà góa phụ Imelda Marcos tái xác nhận chồng bà đã tìm được 4.000 tấn vàng từ kho vàng Yamashita.


Bà Imelda Marcos. Ảnh: AP

Trong cả hai trường hợp, không ai tin vào lời nói của vợ chồng ông Marcos. Theo ông Gabriel Singson, nguyên thống đốc Ngân hàng Trung ương Philippines, đó là một “câu chuyện hoang đường”. Andy Smith, một chuyên gia về vàng ở London, cũng khẳng định rằng câu chuyện của bà Imelda “hoàn toàn do tưởng tượng mà ra”. Bởi số vàng đó nhiều hơn phân nửa số vàng cất giữ ở Fort Knox - kho dự trữ vàng lớn nhất thế giới của Mỹ. Nó cũng nhiều hơn kho dự trữ của Ngân hàng Trung ương Đức (3.700 tấn). Ngân hàng Trung ương Thụy Sĩ cũng chỉ có 2.600 tấn.

4.000 tấn vàng cũng bằng toàn bộ số vàng mà Nam Phi, một trong những nước sản xuất vàng lớn nhất thế giới, sản xuất trong 10 năm. Vào thời điểm bà Imelda khoe khoang, số vàng đó trị giá 38 tỉ USD.

Ngay cả những người trong gia đình của bà Imelda cũng nghi ngờ. Nữ nghị sĩ Imee Marcos, con gái lớn của bà Imelda, phát biểu trên đài truyền hình Philippines: “Chúng tôi, con cái của bà, rất yêu bà nhưng nhiều khi bà nói năng không được bình tĩnh cho lắm”.

Nhiều người là tù chính trị bị ông Marcos tra tấn vì dám chống lại ông cũng cho rằng lời lẽ của bà Imelda chỉ nhằm hợp thức hóa việc “ăn cướp” tài sản quốc gia trong 21 năm làm tổng thống.

Kỳ tới: Mỹ và kho vàng Yamashita

Theo Văn Anh
NLĐ

kyanh

Trở lên trên