MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

[Live] Thảo luận về KTXH sáng 9/6: Hơn 90 đại biểu đăng ký phát biểu

Phiên thảo luận tại hội trường về tình hình kinh tế xã hội và ngân sách hôm nay 9/6 sẽ kéo dài đến 18h30. Cập nhật tại thời điểm 11h sáng đã có hơn 90 đại biểu đăng ký phát biểu.

Ngày 9/6, Quốc hội thảo luận ở hội trường về đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và ngân sách nhà nước năm 2016; tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2017.

Điều khiển phiên họp sáng nay, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển cho biết, để có thêm thời gian để các ĐBQH phát biểu ý kiến và các thành viên Chính phủ giải trình, UBTVQH đã xin ý kiến các ĐBQH cho phép kéo dài phiên họp đến 18h30'. Ngay đầu giờ sáng đã có 80 đại biểu đăng ký phát biểu.


Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển

Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển

Cần xem kiều hối là nguồn tài chính hùng hậu của nền kinh tế

Đại biểu Lê Công Đỉnh đoàn Long An đánh giá cao việc Thủ tướng Chính phủ đã có tầm nhìn huy động nguồn lực trong dân vào sản xuất kinh doanh thay vì đem tiền, vàng gửi vào ngân hàng. Theo ông để việc huy động nguồn lực trong dân chúng ta cần tiếp tục ổn định kinh tế vĩ mô đặc biệt cần kiểm soát lạm phát, tạo niềm tin mạnh mẽ cho người dân, nhà đầu tư. Việc cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư, cải cách hành chính tạo điều kiện tốt nhất cho người dân khởi nghiệp.

Cùng với việc này ông kiến nghị Chính phủ sớm mở rộng việc hình thành các trung tâm hành chính công cấp tỉnh, cấp huyện, cải cách hoàn thiện bộ máy, xây dựng cán bộ tác phong chuyên nghiệp, hiện đại, tinh thần cống hiến, phục vụ.

Về thu hút kiều hối, theo thống kê của Ngân hàng thế giới cập nhật vào tháng 6/2017, lượng kiều hối của Việt Nam năm 2015 là 13,2 tỷ USD chưa kể kiều hồi phi chính thức khoảng ¼ lượng kiều hồi chính thức và kiều hối đứng thứ 2 sau thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài FDI nguồn ngoại tệ vào Việt Nam. Vấn đề đặt ra là kiều hối được sử dụng như thế nào?

Theo nghiên cứu của Viện nghiên cứu kinh tế trung ương, trên phạm vi cả nước trong những năm gần đây 35,4% kiều hối sử dụng tiêu dùng hàng ngày, 15,9% cho đầu tư kinh doanh, 10,1% cho chữa bệnh, 7,5% được giữ trong dân. Tại Tp.HCM, số liệu năm 2014 cho thấy 72% lượng kiều hồi được dùng cho sản xuất kinh doanh.

“Từ chỗ trước đây kiều hối gửi về để giúp đỡ thân nhân thì nay kiều hối được chuyển sang góp vốn kinh doanh, tạo công ăn việc làm cho đất nước. Vì vậy phải xem kiều hối là nguồn tài chính hùng hậu có thể giúp đất nước phát triển, đầu tư hạ tầng giao thông, có vai trò rất lớn trong sức mua người dân. Một nguồn thu nhập của người này tạo ra thu nhập cho người khác nếu họ chi tiêu. Điều này rất quan trọng và có ý nghĩa chúng ta không nên bỏ qua. Do đó chúng ta phải có giải pháp mạnh mẽ cho người dân tin tưởng, tôi đề nghị phải có chính sách ưu đãi kiều hối không kém đầu tư trực tiếp nước ngoài FDI”, đại biểu Lê Công Đỉnh nhấn mạnh.


Đại biểu Lê Công Đỉnh

Đại biểu Lê Công Đỉnh

Đại biểu lo ngại siêu thị Việt rơi vào tay chủ ngoại, các startup có thể chết từ trứng nước

Đại biểu Phạm Trọng Nhân (Bình Dương) có những phát biểu liên quan đến lĩnh vực bán lẻ với sự góp mặt của các doanh nghiệp nước ngoài. Theo đại biểu, hiện tượng này gây ra nhiều nguy cơ cho khu vực doanh nghiệp trong nước, đặc biệt là nhỏ và vừa. Các sản phẩm của các doanh nghiệp vơi dần khi siêu thị Việt rơi vào tay chủ ngoại. Các start up có thể chết từ trong trứng nước.


Đại biểu Phạm Trọng Nhân

Đại biểu Phạm Trọng Nhân

Theo đại biểu, thị trường bán lẻ hấp dẫn của Việt Nam ngày càng thu hút các ông trùm trong lĩnh vực bán lẻ. Tháng 4/2014 khi Việt Nam chưa mở cửa hòan toàn bán lẻ đã có 3 tập đoàn nước ngoài rót hàng tỷ USD đầu tư. Tập đoàn AEON của Nhật Bản cho cho biết kế hoạch đến năm 2020 xây dựng 20 trung tâm thương mại lớn khắp cả nước với vốn 1,5 tỷ USD. Lotte của Hàn Quốc cũng phấn đấu đến năm 2020 xây dựng 60 trung tâm thương mại trị giá 3,2 tỷ USD. BJC của Thái Lan đã thâu tóm Metro. Giai đoạn 2015-2016 cũng chứng kiến nhiều vụ thâu tóm doanh nghiệp từ vốn FDI. Central Group mua lại 49% cổ phần Nguyễn Kim và năm 2016 tiếp tục gây sốc khi thôn tính chuỗi BigC với giá khoảng 1 tỷ Euro...Đó là những điều rất đáng suy nghĩ.

Đề nghị rà soát lại quy trình chuyên môn kỹ thuật tại bệnh viện, đặc biệt là chạy thận

Đại biểu Lê Thị Yến (Phú Thọ) đề nghị Bộ Y tế rà soát lại quy trình chuyên môn kỹ thuật tại bệnh viện, đặc biệt là quy trình chạy thận. Sau sự cố tại Hòa Bình vừa qua, Bộ Y tế cũng phải tiến hành kiểm tra, giám sát chuyên môn tại các cơ sở y tế trên phạm vi cả nước. Đại biểu cũng đề nghị sớm xây dựng luật về quản lý trang thiết bị y tế để đáp ứng tình hình hiện nay.

Bên cạnh đó, theo đại biểu Yến, tỷ lệ người cao tuổi trong tỷ lệ dân số của Việt Nam hiện nay khoảng 10%, Việt Nam là 1 trong 10 nước có tốc độ già hoá dân số cao nhất thế giới. Tuy tuổi thọ trung bình của người Việt là 74 tuổi nhưng tuổi khoẻ mạnh thấp hơn nhiều, chỉ 66 tuổi. Theo tính toán, trung bình mỗi người Việt mắc 15,35 loại bệnh, trong đó có 3 bệnh mãn tính.

Bà Yến đề nghị Chính phủ cần có định hướng rõ nhằm thích ứng với tình trạng già hoá dân số. Chính phủ phải mở rộng các dịch vụ chăm sóc sức khoẻ người cao tuổi, các công trình công cộng phải thân thiện hơn.

Đến năm 2050 người Việt mới cao bằng người Nhật hiện nay

Đại biểu Mùa A Vảng (Điện Biên) cho hay về thể chất, trong 30 năm qua, chiều cao của người Việt Nam chỉ tăng thêm 4 cm, thấp hơn 13 cm so với chuẩn của thế giới.

Trong khi đó, Nhật Bản những năm 1950 có chiều cao hạn chế, nhưng đã tăng 10 cm trong 40 năm. Chiều cao người Nhật Bản đã tăng lên 1,72 m ở nam giới và 1,57 m ở nữ giới. Chiều cao này chỉ thấp hơn so với thế giới 5 cm do sự quan tâm và quyết tâm đầu tư của Chính phủ Nhật Bản. Nếu chúng ta không có sự quyết tâm, phấn đầu thì đến năm 2050 Việt Nam mới cao bằng người Nhật Bản.

Đại biểu kiến nghị Chính phủ đầu tư nhiều hơn nữa để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cả nước. Ngoài ra, Chính phủ ưu tiên kinh phí hỗ trợ cho các tỉnh miền núi phát triển nhân lực giai đoạn 2011-2020 với mục tiêu từng bước nâng cao sức khỏe, tầm vóc thanh niên.

Không nên tập trung khai thác dầu và tài nguyên để tăng GDP mà hãy coi đó là của để dành cho con cháu mai sau.

Đại biểu Nguyễn Tuấn Anh đoàn Bình Phước đồng tình với báo cáo kinh tế xã hội, đặc biệt là mục tiêu Chính phủ kiến tạo cũng như 8 giải pháp nhằm phát triển kinh tế- xã hội giai đoạn tiếp theo. Đại biểu cũng đề xuất thêm giải pháp nhằm đạt được mục tiêu kinh tế đề ra là mở rộng, tăng vốn đầu tư thành lập doanh nghiệp, tăng lượng doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp công nghệ cao.

Ông Tuấn Anh dẫn chứng, sau khi Nghị quyết 35 của Quốc hội ra đời, môi trường đầu tư kinh doanh được cải thiện đáng kể tuy nhiên vẫn có những điểm cần tháo gỡ như tình trạng thanh tra kiểm tra, nhũng nhiễu doanh nghiệp.

Đại biểu cho biết, qua quá trình tiếp xúc với các cử tri cho thấy, nhiều doanh nghiệp làm ăn chân chính, tuân thủ các quy định về vệ sinh môi trường nhưng vẫn thường xuyên phải tiếp các đoàn thanh tra, kiểm tra về lĩnh vực này. Ông ví dụ về một doanh nghiệp chế biến mủ cao su đã nhận án phạt, đóng cửa nhà máy sản xuất chỉ sau 3 tháng hoạt động vì lý do tự ý thay đổi công nghệ không đúng quy trình dù công nghệ của nhà máy này hiện đại, cao hơn tiêu chuẩn quy định.

Hay một giám đốc doanh nghiệp cũng từng là đại biểu Quốc hội khóa trước than phiền rằng cũng mất khá nhiều thời gian, chi phí để tiếp các đoàn thanh tra, kiểm tra doanh nghiệp mình.


Đại biểu Nguyễn Tuấn Anh

Đại biểu Nguyễn Tuấn Anh

Đại biểu dẫn Báo cáo môi trường kinh doanh năm 2016 do Ngân hàng Thế giới thực hiện cho thấy, xếp hạng môi trường kinh doanh của Việt Nam 2016 tăng tới 9 bậc, xếp thứ 82/189 quốc gia được xếp hạng. Số liệu của Bộ kế hoạch và đầu tư cho biết trong 4 tháng đầu năm 2017 cả nước có thêm 39.580 doanh nghiệp thành lập mới. Tháng 4 là tháng có lượng doanh nghiệp thành lập mới cao nhất nhưng số lượng doanh nghiệp giải thể và ngừng hoạt động cũng không ít.

"Cứ 10 doanh nghiệp ra đời thì có 9 doanh nghiệp rời thị trường", ông Tuấn Anh thận trọng nhắc nhở về việc không nên quá lạc quan về môi trường kinh doanh đầu tư.

Đại biểu cũng nhấn mạnh, doanh nghiệp không thể hoạt động tốt sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến nền kinh tế, dẫn đến việc phải tăng khai thác vài triệu tấn dầu để tăng GDP. Đại biểu Tuấn Anh cũng đề nghị không nên tập trung khai thác dầu và tài nguyên để tăng GDP hay tăng nguồn thu từ tiền sử dụng đất, mà hãy coi đó là của để dành cho con cháu mai sau.

Trẻ em hỏng là do người lớn hư

Đại biểu Thượng tọa Thích Thanh Quyết mong muốn Chính phủ chấp nhận phá sản, giải thể doanh nghiệp, ngân hàng yếu kém để phát triển trong tương lai. Tăng cường hiệu quả giải quyết nợ công, xử lý nợ xấu, giảm bội chi ngân sách, giảm chi thường xuyên. Đẩy mạnh cổ phần hoá doanh nghiệp nhà nước, thoái vốn nhà nước tại các doanh nghiệp.

Liên quan đến nội dung trẻ em phạm tội được quy định trong Bộ luật Hình sự sửa đổi, đại biểu Thích Thanh quyết cho hay cử tri muốn tăng cường giáo dục là chính trừ những tội đặc biệt nghiêm trọng. Mục đích của chúng ta là cứu rỗi, cứu vớt tâm hồn của trẻ em chứ không nên đẩy trẻ em vào đường cùng. Trẻ em chịu tác động đa chiều. Trẻ em hỏng là do người lớn hư.


Đại biểu Thích Thanh Quyết

Đại biểu Thích Thanh Quyết

Tác động từ doanh nghiệp FDI với công nghiệp hỗ trợ chưa rõ nét

Đại biểu Phùng Đức Tiến (Hà Nam) góp ý giải pháp phát triển cơ khí chế tạo và công nghiệp hỗ trợ. Theo đại biểu, hiện nay nhu cầu máy móc thiết bị khá lớn vưới con số dự báo xấp xỉ khoảng 250 tỷ USD giai đoạn 2011-2025. Các DN chế tạo thiếu vốn, công nghệ lạc hậu, hoạt động phân tán, thiếu các cơ sở có máy móc thiết bị chế tạo quy mô lớn, thiếu nhân lực.


Đại biểu Phùng Đức Tiến

Đại biểu Phùng Đức Tiến

Về công nghiệp hỗ trợ, đại biểu Tiến cho rằng tác động từ doanh nghiệp FDI đối với công nghiệp hỗ trợ chưa rõ nét. Cả nước chỉ có gần 1.200 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ so với gần 500.000 doanh nghiệp. Nguyên liệu, máy móc đều phải nhập khẩu., giá trị gia tăng thấp. Vì vậy cần đánh giá nghiêm túc sự suy giảm của ngành cơ khí chế tạo để có giải pháp hiệu quả, tăng cường đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, xây dựng thí điểm các DN tiên phong, thực hiện các dự án nghiên cứu phát triển khoa học công nghệ, sản phẩm trọng điểm.

Cần nâng cao hiệu quả công tác giảm nghèo, tránh tái nghèo

Trước đó, mở đầu phiên thảo luận đại biểu Bùi Thị Quỳnh Thơ (Hà Tĩnh) phát biểu về các giải pháp chống thất thu ngân sách nhà nước (NSNN), khắc phục hạn chế của cơ chế tự khai, tự nộp thuế (khai vống đầu vào; lập "công ty ma" để mua bán hóa đơn giá trị gia tăng,...); về chi NSNN...Đại biểu đề xuất các giải pháp nhằm thắt chặt chi tiêu hành chính, tăng chi cho đầu tư phát triển; đảm bảo cân đối, hài hòa giữa chi thường xuyên và chi phát triển, chi trả nợ vay; quản lý hiệu quả bội chi ngân sách... để nền tài chính quốc gia an toàn, bền vững.

Đại biểu Đoàn Văn Việt (Lâm Đồng) bày tỏ nhất trí cao với báo cáo của Chính phủ với nhiều điểm sáng, chỉ số phát triển khả quan. Đại biểu nêu một số giải pháp nhằm đảm bảo phát triển kinh tế bền vững như: Đổi mới mô hình tăng trưởng nông nghiệp, quy hoạch, phát triển nông sản thế mạnh, tránh tình trạng được mùa mất giá, được giá mất mùa, cả nước giải cứu nông sản;... Nhấn mạnh giải pháp xây dựng chuỗi sản phẩm có giá trị, doanh nghiệp hóa nông nghiệp, hỗ trợ phát triển các mô hình nông nghiệp quy mô lớn, công nghệ cao, phát triển công nghệ chế biến các loại nông sản; tập trung tích tụ đất đai, liên kết nông dân, đẩy mạnh xúc tiến quảng bá thương hiệu sản phẩm nông nghiệp...Đại biểu cũng đề xuất các giải pháp căn cơ nhằm nâng cao hiệu quả công tác giảm nghèo, tránh tái nghèo, đặc biệt là công tác giảm nghèo trong đồng bào dân tộc thiểu số, di cư tự do,...

Đại biểu Nguyễn Thị Phúc (Bình Thuận) cho rằng trong bối cảnh còn nhiều khó khăn, nhưng với sự vào cuộc đồng bộ của cả hệ thống chính trị, sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, chúng ta đã đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận về kinh tế, xã hội. Về chỉ tiêu phát triển GDP, đại biểu đề nghị Chính phủ làm rõ hơn về giải pháp đảm bảo thực hiện đạt chỉ tiêu kế hoạch GDP đã đề ra như: Đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư; tập trung bố trí vốn để hoàn thành các dự án đang dở dang;...

Đại biểu Phạm Thị Thu Trang (Quảng Ngãi) tham luận một số nội dung về quản lý ngân sách nhà nước; phát triển các vùng kinh tế động lực, trọng điểm quốc gia; giải pháp hiệu quả để ứng phó với biến đổi khí hậu, hạn hán, xâm nhập mặn, thiên tai...



Nhóm PV

Trí Thức Trẻ

Trở lên trên