MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Lo giá xăng "đẩy" giá tiêu dùng

25-05-2018 - 07:46 AM | Thị trường

Chỉ trong vòng chưa đầy 1 tháng, giá xăng dầu đã tăng 2 lần liên tiếp với mức tăng tối đa đến hơn 1.000 đồng/lít khiến doanh nghiệp và người dân "trở tay không kịp"

Tính từ đầu năm đến nay, giá xăng dầu trong nước đã được điều chỉnh tăng giá nhiều lần theo giá thế giới, với mức tăng tổng cộng 1.700 - 2.500 đồng/lít. Điều này tác động đáng kể đến hoạt động sản xuất kinh doanh, giá cả hàng hóa và đời sống người dân.

Vận tải chịu áp lực lớn

Ông Nguyễn Văn Chánh, Phó Chủ tịch Hiệp hội Vận tải hàng hóa TP HCM, cho biết giá xăng dầu tăng liên tục trong thời gian gần đây khiến các doanh nghiệp (DN) vận tải gặp rất nhiều khó khăn. Theo tính toán, với các loại xe container, xe tải nặng, chi phí nhiên liệu chiếm khoảng 35%, trong khi các loại xe khác cũng chiếm trung bình khoảng 25% của tổng doanh thu. Mặt khác, để hoạt động, DN vận tải còn phải đóng thêm nhiều loại chi phí khác như phí bảo trì đường bộ, BOT, phí bến bãi…, vì vậy giá xăng dầu tăng và không ổn định càng khiến DN khó khăn hơn.

Lo giá xăng đẩy giá tiêu dùng - Ảnh 1.

Doanh nghiệp vận tải đang chịu áp lực rất lớn từ việc giá xăng dầu tăng mạnh Ảnh: TẤN THẠNH

Cũng theo ông Chánh, nhiều DN vận tải thuộc hiệp hội thời gian gần đây kinh doanh thua lỗ, đã phải bán tháo phương tiện hoặc vay nợ để duy trì hoạt động. Trong khi đó, do giá xăng dầu bất ổn cùng nhiều loại phí không được điều chỉnh giảm, dẫn tới nhiều hợp đồng lớn, các DN không dám nhận, đa số chỉ nhận theo đơn hàng của từng chuyến nhỏ lẻ. 

Mặt khác, chính việc giá xăng dầu không ổn định đã phát sinh nhiều hệ lụy, như khó điều chỉnh giá thành, trong khi chi phí đầu vào phải tăng theo giá xăng. Hơn nữa, DN muốn tăng giá thành cũng phải cân nhắc mức tăng sao cho hợp lý bởi sẽ tác động đến người tiêu dùng và sự cạnh tranh giữa các DN với nhau.

Ông Võ Văn Khải, Giám đốc Công ty CP Thương mại và Sản xuất Viễn Phú, cho biết từ đầu năm đến nay, chi phí vận chuyển rau củ quả, trái cây của công ty từ Cà Mau về TP HCM liên tục bị đội lên do nhà xe tăng giá. Bên cạnh đó, chi phí vận hành máy bơm nước, cắt cỏ… cũng tăng. "Mỗi thứ tăng một ít nhưng cộng lại thành nhiều. Công ty chưa thể tăng giá bán nên phải chấp nhận giảm lãi để bù vào các khoản chi phí tăng" - ông Khải cho biết.

Trong khi đó, ban giám đốc các công ty quản lý và kinh doanh chợ đầu mối trên địa bàn TP HCM lại cho biết việc giá xăng dầu tăng chưa tác động đến chi phí vận chuyển hàng hóa từ các tỉnh về chợ đầu mối. Hiện lượng hàng, giá cả hàng hóa về chợ đầu mối vẫn duy trì ở mức ổn định. 

Đại diện chợ đầu mối Bình Điền (quận 8, TP HCM) cho biết do đặc điểm của chợ đầu mối là cung cấp lượng hàng lớn nên ít bị tác động bởi giá xăng dầu. Ngoài ra, giá cước vận chuyển hàng hóa thường có độ trễ từ 10-15 ngày so với giá xăng dầu nên giá hàng hóa có thay đổi bởi xăng dầu cũng cần có thời gian chứ không diễn ra ngay lập tức.

Còn theo ông Thân Văn Do, Giám đốc Công ty TNHH Gas Hồng Mộc, giá vận chuyển chiếm khoảng 10% giá thành nên việc tăng giá xăng dầu chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến chi phí của DN. Tuy nhiên, ngành gas đang cạnh tranh rất gay gắt, không độc quyền như xăng dầu nên không thể tăng giá khi giá thành tăng. Do đó, dù giá xăng dầu tăng nhưng giá bán lẻ gas đến người tiêu dùng chưa ảnh hưởng.

Cần có giải pháp ứng phó

TS Lê Đăng Doanh, nguyên Viện trưởng Viện Quản lý Kinh tế trung ương, cho biết những lo ngại về bất ổn kinh tế thế giới đã đẩy giá dầu thô tăng vọt từ 50 USD/thùng lên 70 USD/thùng rồi 80 USD/thùng và dự đoán sẽ lên trên 100 USD/thùng trong năm nay. Giá xăng dầu Việt Nam chịu ảnh hưởng trực tiếp bởi giá dầu thế giới nên việc tăng giá là không tránh khỏi. Tuy nhiên, giá xăng dầu tăng liên tục và nhiều khả năng không thể giữ ổn định trong thời gian tới sẽ gây khó khăn lớn cho nền kinh tế và mục tiêu kiềm chế lạm phát. 

Trước mắt, giá xăng tăng sẽ "đánh" trực tiếp vào túi tiền dân nghèo vì giá mớ rau, con cá sẽ tăng theo, người tiêu dùng càng phải thắt lưng buộc bụng. Đặc biệt trong bối cảnh này, Bộ Tài chính muốn tăng thuế môi trường đối với mặt hàng xăng dầu chẳng khác gì đổ dầu vào lửa, đẩy giá tiêu dùng tăng. "Quốc hội cần xem xét thận trọng đề xuất này của Bộ Tài chính vì nếu tăng thuế môi trường sẽ tạo ra rất nhiều thách thức cho nền kinh tế" - TS Doanh nói.

Chuyên gia kinh tế Vũ Vinh Phú cho rằng năm nay, Quốc hội giao chỉ tiêu phấn đấu kiềm chế lạm phát ở mức 4% nên phải hết sức chú ý, nhất là giá dầu được dự đoán là có thể tiến tới 100 USD, gấp đôi so với năm ngoái. Chúng ta đang phụ thuộc vào nguồn cung của nước ngoài về sản lượng tiêu thụ, về giá tất nhiên có độ trễ nhưng cũng cần phải có các giải pháp ứng phó. 

"Ví dụ đẩy nhanh công nghiệp hóa dầu trong nước, quản lý tốt quỹ bình ổn xăng dầu, kiểm soát tăng giá đã hợp lý hay chưa. Bao nhiêu năm nay, Nghị định kinh doanh xăng dầu đã được điều chỉnh nhưng về cơ bản vẫn chưa giải quyết được vấn đề quan trọng nhất là tính minh bạch của hoạt động kinh doanh xăng dầu. Bây giờ mặt hàng xăng lại giảm xuống còn 3 loại thôi, vấn đề chất lượng xăng dầu, cân đong đo đếm thế nào, hao hụt thế nào phải được làm rõ. 

Quỹ bình ổn xăng dầu do người dân trả, mỗi lít xăng cõng gần 9.000 đồng thuế, phí mà còn có nguy cơ tăng thuế bảo vệ môi trường thêm 1.000 đồng/lít là rất khó khăn. Hiện nay, giá thịt heo ngoài chợ đã tăng gấp rưỡi rồi, bà con nội trợ phải móc thêm tiền chi tiêu hằng ngày mà thu nhập từ lương chỉ có 4,5 - 5 triệu đồng/tháng. Tăng giá xăng phải đặt trong bối cảnh như vậy để cân nhắc" - chuyên gia Vũ Vinh Phú phân tích.

Hàng Việt sẽ khó khăn hơn

Theo ông Phạm Ngọc Hưng, Phó Chủ tịch Hiệp hội DN TP HCM, diễn biến tăng giảm giá xăng dầu phụ thuộc vào nguyên liệu thế giới và tính toán của Bộ Tài chính nên DN buộc phải chấp nhận và có kế hoạch sắp xếp lại chi phí, giá thành. Mặc dù xăng dầu chiếm tỉ trọng nhỏ trong cơ cấu giá sản xuất của DN nhưng việc giá xăng liên tục "nhảy múa" sẽ đẩy chi phí vận chuyển tăng, sản phẩm khó cạnh tranh. Cuối cùng sẽ tác động lên sức mua chung của nền kinh tế.

Ông Vũ Vinh Phú cũng lo ngại giá xăng tăng cao sẽ ảnh hưởng đến sức cạnh tranh của hàng Việt. "Nhiều mặt hàng đã thua ngay trên sân nhà rồi. Giá thịt heo Ba Lan nhập vào rẻ bằng nửa giá thịt trong nước, thịt bò cũng rẻ hơn và còn nhiều mặt hàng khác nữa. Tất nhiên giá xăng thế giới tăng thì các nước khác cũng ảnh hưởng nhưng sức chịu đựng của họ tốt hơn. Phải giảm bớt độc quyền, minh bạch hóa hoạt động kinh doanh xăng dầu thì mới giải được bài toán này" - chuyên gia này đề nghị.


Theo Thanh Nhân - Ngọc Ánh - Gia Minh - Tô Hà

Người lao động

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên