MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Lô hàng lúa mì giá tới 500 tỉ đồng có nguy cơ bị tái xuất vì văn bản trái thẩm quyền

17-10-2018 - 15:52 PM | Thị trường

Việc Chi cục Kiểm dịch thực vật Vùng I ban hành văn bản trái thẩm quyền đã khiến các lô hàng lúa mì nhập khẩu trị giá tới 20 triệu USD (500 tỉ đồng) có nguy cơ bị buộc phải tái xuất, thiệt hại vô cùng lớn.

Ngày 17-10, tại buổi làm việc giữa Tổ công tác của Thủ tướng với các bộ, ngành về cắt giảm điều kiện kinh doanh, thủ tục kiểm tra chuyên ngành, bà Lý Kim Chi, Chủ tịch Hội Lương thực thực phẩm TP HCM (FFA), cho biết doanh nghiệp nhập khẩu lúa mì đang rất hoang mang trước một công văn yêu cầu tạm ngưng nhập khẩu lúa mì nhiễm cỏ kế đồng vào Việt Nam của Chi cục Kiểm dịch thực vật Vùng I ký ngày 5-9-2018.

Theo bà Chi, công văn nêu rõ: "Thực hiện chỉ đạo của Cục Bảo vệ thực vật, bắt đầu từ ngày 1-11-2018, các lô vật thể thuộc diện kiểm dịch thực vật bị nhiễm cỏ Cirsium arvense (cỏ kế đồng-PV) sẽ bị áp dụng biện pháp xử lý là tái xuất. Đồng thời Cục Bảo vệ thực vật báo cáo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xem xét, ra quyết định tạm dừng nhập khẩu các loại vật thể thuộc diện kiểm dịch thực vật bị nhiễm cỏ dại Cirsium arvense".

Lô hàng lúa mì giá tới 500 tỉ đồng có nguy cơ bị tái xuất vì văn bản trái thẩm quyền - Ảnh 1.

Văn bản do Chi cục Kiểm dịch thực vật Vùng I ban hành khiến nhiều doanh nghiệp nhập khẩu lúa mì hoang mang - Ảnh: Minh Chiến

Theo bà Chi, hiện nay mỗi chuyến tàu nhập khẩu lúa mì có trọng tải từ 30.000-50.000 tấn với giá trị khoảng 20 triệu USD (tương đương 500 tỉ đồng), nếu buộc phải tái xuất thì thiệt hại vô cùng lớn.

Mặt khác, các doanh nghiệp cho biết nếu đàm phán với các nước mà doanh nghiệp đang nhập khẩu nguồn nguyên liệu chính là lúa mì với số lượng lớn như Nga, Mỹ, Canada, Úc... thì họ không chấp nhận các đơn hàng nhập khẩu có yêu cầu loại bỏ các loại cỏ dại trong lúa mì vì không phù hợp với quy trình sản xuất của họ.

Trước thông tin bà Lý Kim Chi cung cấp, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng khẳng định phải xem xét thẩm quyền ban hành văn bản có phù hợp hay không khi văn bản này có tác động lớn đến hoạt động của doanh nghiệp.

Sau khi xem xét công văn do Chi cục Kiểm dịch thực vật Vùng I ban hành, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cho biết bước đầu nhận thấy văn bản này đã ban hành trái thẩm quyền.

"Tại sao chi cục trưởng của một chi cục lại ban hành một văn bản áp dụng trên cả nước về lĩnh vực quản lý nhà nước như vậy, việc này là sai thẩm quyền, tùy tiện áp dụng pháp luật"- Bộ trưởng Mai Tiến Dũng nhấn mạnh.

Tại cuộc họp, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng đã yêu cầu vụ trưởng Vụ Pháp chế - Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn khẩn trương làm rõ vấn đề này, trong đó làm rõ trách nhiệm việc ban hành văn bản trái thẩm quyền.

Ông Mai Tiến Dũng cho biết sẽ báo cáo Thủ tướng về việc này để xem xét, xử lý, chỉ đạo thu hồi công văn ban hành trái thẩm quyền. "Cá nhân, đơn vị ban hành văn bản trái thẩm quyền sẽ phải chịu trách nhiệm trước Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ"- ông Dũng khẳng định.

Theo Minh Chiến

Người lao động

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên