MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Lời kêu cứu của cổ đông: Gần một năm sau ngày cổ phiếu MAX hủy niêm yết, chúng tôi vẫn bất lực trông mong

Theo các cổ đông của MAX, có thể lãnh đạo Công ty không muôn chia phần lợi nhuận chưa phân phối đến cuối năm 2012 cho cổ đông chẳng hạn nên đã cố tình chây ỳ, không công bố thông tin dẫn đến hủy niêm yết bắt buộc và cố tình không nộp đơn đăng ký lên sàn UPCOM.

Ngày 29/06/2015, cổ phiếu MAX của CTCP Khai khoáng và Cơ khí hữu nghị Vĩnh Sinh bị Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX) hủy niêm yết bắt buộc do vi phạm nghiêm trọng nghĩa vụ công bố thông tin. Công ty đã không công bố báo cáo tài chính bán niên soát xét năm 2014, báo cáo tài chính quý 4/2014 và báo cáo tài chính kiểm toán năm 2014.

Trước đó, cũng do vi phạm quy định về công bố thông tin, MAX đã bị ngừng giao dịch cổ phiếu từ ngày 11/5/2015.

Đối với những trường hợp cổ phiếu bị hủy niêm yết bắt buộc như MAX, đối tượng bị thiệt hại đầu tiên không ai khác chính là cổ đông. Là một cổ phiếu khai khoáng và có số lượng lưu hành tự do thấp, MAX mang đặc điểm yêu thích của các đội lái. Còn giao dịch trên sàn thì cổ phiếu cũng đã rơi về mức giá “đau lòng”. Sau khi bị buộc rời sàn thì tương lai lại càng bất định. Trong khi đó, không có một cơ chế nào để bảo vệ cổ đông của những doanh nghiệp này.

Cho đến nay, gần 1 năm sau ngày MAX bị hủy niêm yết, các cổ đông của công ty vẫn đang đau đáu tìm cách giải quyết.

Theo chia sẻ của một cổ đông có tên N.A.N.N, vào tháng 11/2012, ông đã rút tiền tiết kiệm để đầu tư 20.000 cổ phiếu MAX với giá 4.600 đồng/cổ phiếu. Sau khi đầu tư, MAX tăng liên tục, có lúc lên 5.200 - 5.300đ/cp nên một số người bạn cùng hội chơi cờ tướng với ông N. cũng quyết định đầu tư.

Vốn làm nghề kế toán, ông N. đã xem xét báo cáo tài chính của công ty và cho rằng công ty chỉ gặp khó khăn, khi khủng hoảng kinh tế trôi qua, MAX sẽ làm ăn phát đạt trở lại vì BCTC của Công ty năm 2012 vẫn lãi 632 triệu đồng sau thuế và lợi nhuận chưa phân phối là 43,7 tỷ đồng.

Ấy vậy mà đến năm 2013, Công ty lỗ 9,6 tỷ đồng. Cuối cùng, vì không công bố thông tin mà bị hủy niêm yết cổ phiếu.

Ông N. cho biết, từ đó đến nay đã gần một năm, các cổ đông hoàn toàn mất thông tin về Công ty và cũng không nhận được bất cứ thông tin gì từ Sở giao dịch HNX.

“Chúng tôi thiết nghĩ mình là những người đầu tư, nhưng Lãnh đạo Công ty có thể vì một động cơ nào đấy (có thể là không chịu chia phần lợi nhuận chưa phân phối đến cuối năm 2012 là 43,7 tỷ đồng cho cổ đông chẳng hạn) đã cố tình chây ỳ, không công bố thông tin dẫn đến hủy niêm yết bắt buộc và cố tình không nộp đơn đăng ký lên sàn UPCOM để cố tình che giấu thông tin về hoạt động của Công ty nhằm hưởng lợi.” – ông N. nêu quan điểm.

Cũng theo nhà đầu tư này, khi đầu tư, họ chỉ dựa trên những thông tin trên sàn chứng khoán. Trong khi Sở chứng khoán hủy niêm yết rất đột ngột và nhà đầu tư không có bất kỳ cơ chế nào bảo vệ quyền lợi cả.

Công ty chứng khoán nơi ông N. mở tài khoản giao dịch trả lời rằng phải đợi khi nào lên được sàn UPCOM mới giao dịch được. Các cổ đông này cũng đã liên hệ với Chủ tịch HĐQT Công ty nhưng chỉ nhận được 1 câu duy nhất là “Công ty hiện nay rất khó khăn và đang cố gắng lên sàn UPCOM” từ rất nhiều tháng nay.

“Chúng tôi đã hết cách, chúng tôi bất lực nhìn những khoản tiền dành dụm cả đời ra đi, đáng buồn hơn là trong trường hợp Công ty cố tình không công bố thông tin để hủy niêm yết và không làm đơn để chuyển sàn giao dịch UPCOM.” – ông N. tâm sự.

Mỗi năm, trên 2 sàn chứng khoán niêm yết có không ít cổ phiếu bị hủy niêm yết bắt buộc. Trước đó, các cổ phiếu đã bị cơ quan quản lý cảnh báo, xếp vào diện tạm ngừng giao dịch rồi cuối cùng là bị hủy niêm yết. Nhưng hậu hủy niêm yết là gì? Không bao giờ có tiếng nói của một đối tượng nào khác ngoài cổ đông kêu cứu cả.

Trong mọi trường hợp, để bảo vệ quyền lợi của mình, cổ đông chỉ có một cách là tránh xa những cổ phiếu có dấu hiệu bất minh trong việc công bố thông tin như vậy thôi.

Hà Phương

Trí Thức Trẻ

Trở lên trên