MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Lợi nhuận doanh nghiệp niêm yết trên sàn HOSE tăng trưởng hơn 14% trong 6 tháng đầu năm

Qua thống kê của 612 doanh nghiệp đã công bố kết quả quý 2 tại ngày 1/8, nhóm phân tích CTCK Rồng Việt (RongViet Research) đã cho thấy bức tranh toàn cảnh về hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp niêm yết trên 2 sàn HSX và HNX trong 6 tháng đầu năm.

Không ngoài dự báo của giới phân tích, điều kiện thời tiết thuận lợi, lượng mưa trung bình tăng mạnh so với năm trước giúp nhóm DN thủy điện đã có ½ năm tăng trưởng mạnh mẽ cả về doanh thu và lợi nhuận. Hầu hết các DN lớn niêm yết trên sàn HOSE đều có mức tăng trưởng mạnh như Thủy điện Miền Trung (CHP), Thủy điện Thác Mơ (TMP), Thủy điện Miền Nam (SHP), Thủy ĐIện Sông Ba (SBA)…

Bên cạnh nhóm thủy điện, với diễn biến thị trường chứng khoán sôi động trong 6 tháng đầu năm, giá trị giao dịch bình quân mỗi phiên gần 5000 tỷ đồng, nhóm Công ty chứng khoán niêm yết trên sàn cũng đã báo cáo kết quả kinh doanh tăng trưởng ấn tượng trong 6 tháng đầu năm. Hầu hết 3 mảng kinh doanh chính của các CTCK là hoạt động đầu tư, hoạt động cho vay và hoạt động môi giới đều ghi nhận mức tăng trưởng tốt. Bên cạnh đó, quy định mới áp dụng từ quý I/2017 cho phép các CTCK việc đánh giá lại tài sản tài chính cũng giúp nhiều CTCK báo lãi lớn.

Ở nhóm CTCK lớn nhất thị trường, SSI có mức tăng trưởng doanh thu và lợi nhuận sau thuế lần lượt 14% và 25% sới cùng kỳ năm trước. HSC có doanh thu tăng trưởng 47% và lợi nhuận sau thuế tăng trưởng 57,6% so với cùng kỳ năm trước. Ngoài ra, các CTCK xếp dưới như VND, CTS, VDS, SHS, TVS, VCI cũng đồng loạt báo lãi tăng mạnh so với cùng kỳ năm 2016.

Nguồn: RongViet Research

Nguồn: RongViet Research

Trong khi đó, mặc dù được nhận định là còn nhiều khó khăn trong giai đoạn tái cơ cấu và xử lý nợ xấu nhưng nhiều Ngân hàng cũng đồng loạt báo lãi lớn trong 6 tháng đầu năm. Ở nhóm ngân hàng lớn, với việc tập trung xử lý tồn đọng trong năm 2016 và trở thành NH đầu tiên hoàn thành trích lập dự phòng đối với trái phiếu VAMC, Vietcombank Vietcombank đã vươn lên vị trí số 1 hệ thống ngân hàng về lợi nhuận, 6 tháng đầu năm Vietcombank đạt lợi nhuận sau thuế 4.222 tỷ đồng, tăng 23,4%

Trong khi đó, Sacombank dù đang ôm lượng lớn nợ xấu nhưng vẫn báo lãi sau thuế 6 tháng đầu năm tăng mạnh lên 294 tỷ đồng, tăng 8 lần cùng kỳ. Eximbank cũng là cái tên đáng chú ý khi ghi nhận mức lãi ròng hơn 330 tỷ đồng, gấp 6 lần cùng kỳ năm trước.Ngoài ra, các NH như ACB, MBB cũng đồng loạt báo lãi tăng trưởng mạnh.

Song song với đà phục hồi của thị trường bất động sản từ năm 2016 kéo dài sang nửa đầu năm nay, nhóm DN bất động sản cũng ồ ạt báo lãi lớn. Theo RongViet Research, nhóm này có mức tăng trưởng doanh thu và lợi nhuận trong 6 tháng đầu năm đạt mức 33,4% và 22,9% trong 6 tháng đầu năm.

Ngoài ra, nhóm bảo hiểm, nhóm du lịch và giải trí, công nghệ thông tin, hay y tế cũng đều có sự tăng trưởng khá cao.

Bên cạnh nhóm DN tăng trưởng mạnh, báo cáo của RongViet Research cũng cho thấy nhiều nhóm ngành khác có hiệu quả hoạt động sụt giảm so với cùng kỳ. Trong đó, nhóm dầu khí tiếp tục gây thất vọng với mức sụt giảm lợi nhuận gần 6 lần so với cùng kỳ năm trước. Dù vậy, diễn biến này không quá bất ngờ khi diễn biến giá dầu thế giới vẫn ở mức thấp và các DN đều đặt kế hoạch kinh doanh ở mức thấp.

Đáng chú ý là lợi nhuận của nhóm ngành Ô tô & phụ tùng bất ngờ sụt giảm mạnh trong quý II khiến kết quả kinh doanh 6 tháng giảm 35,5% so với cùng kỳ năm trước. Theo RongViet Research, nguyên nhân khiến kết quả kinh doanh của các công ty thuộc nhóm ngành ô tô kém đi là do nhu cầu giảm xuống dưới tác động của thông tin thuế suất nhập khẩu ô tô từ ASEAN giảm về 0% vào đầu năm 2018, cũng như phản ứng ngược của người tiêu dùng trước cuộc đua giảm giá của các hãng xe.

Ngoài ra, ở nhóm DN sản xuất cũng gặp nhiều khó khăn dẫn đến lợi nhuận suy giảm. Trong đó, nhiều thương hiệu Việt tên tuổi như Cao su Miền Nam, Cao su Đà Nẵng, Bột giặt LIX, NET, Bóng đèn Điện Quang… đều cho thấy sự sụt giảm lợi nhuận so với cùng kỳ năm trước.

Nhóm ngành dẫn đầu về tăng trưởng trong năm ngoái là ngành thép cũng đã bắt đầu có tín hiệu hụt hơi trong quý II năm nay. Dù doanh thu vẫn tăng trưởng nhưng lợi nhuận của nhóm này sụt giảm mạnh trong quý II dẫn đến lợi nhuận sau thuế 6 tháng chỉ còn tăng 8,5% so với cùng kỳ năm trước. Theo lý giải của RongViet Research, giá nguyên liệu tăng cao là nguyên nhân dẫn đến biên lợi nhuận gộp của các doanh nghiệp thép, và làm lợi nhuận của các công ty này giảm sút so với quý cùng kỳ.

“Tổng kết chung cho nửa đầu năm 2017, các doanh nghiệp trên VN Index đạt mức tăng trưởng lợi nhuận sau thuế là 14,4%. Trong khi đó, mức tăng trưởng 21,6% lợi nhuận sau thế của HNX-Index chủ yếu đến từ sự đóng góp của một vài cổ phiếu như ACB, VCS, SHB, CHP, VGC, PVI hay SHS.

Như vậy, nếu nhìn vào mức tăng 17,9% của VN Index và 26,3% của HNX Index (tính từ đầu năm đến hết tháng 7), thì thị trường đang tăng hơi nhanh hơn so với tăng trưởng lợi nhuận.” RongViet Research đánh giá.

Hoàng Trung

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên