MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Lớp phổ cập bơi miễn phí ở quận Cầu Giấy và bài toán tỷ lệ tử vong do đuối nước cực cao ở Việt Nam

Nhiều học sinh ở quận Cầu Giấy vẫn đến trường ngay trong những ngày đầu hè, nhưng không phải đi học thêm, mà tới để tham gia lớp học bơi miễn phí. Dưới sự chỉ đạo của UBND quận Cầu Giấy, Phòng Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) kết hợp với Trung tâm thể dục thể thao đã tổ chức các lớp phổ cập bơi, phòng chống tai nạn sông nước miễn phí cho trẻ em.

9h sáng, Đỗ Xuân Trường đang vùng vẫy với bạn cùng lớp dưới nước. Vui vẻ, đùa giỡn, cậu bé thách đố các bạn mình nín thở và bơi xa hơn. Trước đó, Trường và các bạn đã được thầy giáo hướng dẫn khởi động, đi vòng quanh bể, tắm tráng. Các động tác kết hợp tay, chân, nhịp thở cũng được tập từ nhiều buổi trước.

Trước đó, dù hoàn thành chương trình tiểu học, Trường vẫn chưa biết bơi. Bé thuộc nhóm trẻ cần học lớp phổ cập bơi cho học sinh tiểu học. Anh Đỗ Xuân Nam, bố của Trường cho rằng bơi là một kỹ năng cơ bản và phải biết. Sau nhiều lần cố gắng dạy bơi cho con, anh đã quyết định đưa bé đến lớp phổ cập để nhờ các thầy giáo giúp đỡ.

Theo kế hoạch, với 12 buổi học Trường sẽ biết cách bơi ếch và sẽ di chuyển tốt dưới nước. Chưa bơi thạo nhưng Trường đã có thể “khua chân, múa tay” mà không bị chìm chỉ sau 5 buổi. “Các thầy dạy rất bài bản, từ cách đạp chân ra sao, cách đưa tay thế nào... ở trên bờ. Khi xuống nước thì rất nhanh. Chứ mình dạy rất khó, mới chỉ đưa xuống nước là cháu đã sợ” – anh Đỗ Xuân Nam cho biết.

Mô hình lớp học phổ cập bơi miễn phí

Tại quận Cầu Giấy, hơn 2.200 học sinh tiểu học (TH) và trung học cơ sở (THCS) sẽ được đào tạo bơi ở Trung tâm thể dục thể thao, trường THCS Cầu Giấy, THCS Dịch Vọng B, THCS Nghĩa Tân. Các bé theo học các trường TH và THCS trong quận đều có thể đăng ký tham gia lớp học bơi miễn phí. Mỗi khóa học bao gồm 12 buổi, mỗi buổi kéo dài 1 tiếng đồng hồ.

Bơi ếch được lựa chọn để phổ cập đến các học sinh tham gia chương trình. Kết thúc khóa học, đại diện Phòng GD&ĐT, Trung tâm thể dục thể thao sẽ kiểm tra các học sinh. Những bé nào bơi hết chiều dài bể 25m không nghỉ sẽ được cấp giấy chứng nhận. Nếu không vượt qua bài kiểm tra, các bé sẽ buộc phải học lại vào mùa hè năm sau.

Thầy Trần Thanh Đô, giáo viên thể dục trường THCS Cầu Giấy cho biết rằng áp lực khi dạy lớp phổ cập bơi rất lớn. Bởi lẽ, luôn có hàng dài phụ huynh chờ đợi và ngắm con em mình học bơi từ bên ngoài. “Không chỉ có bố mẹ mà còn ông bà và cô, gì, chú, bác. Cứ như có người dự giờ. Mình thấy áp lực phải dạy chuẩn chỉnh hơn” – thầy Trần Thanh Đô chia sẻ.

Cùng với thầy Đô, 5 thầy giáo nữa cũng đang kèm cặp 30 học sinh mỗi ca tại bể bơi trường THCS Cầu Giấy. Nếu tính thêm các bộ phận kỹ thuật, phục vụ, quản lý số người góp sức vào thành công của lớp phổ cập bơi còn đông hơn.

80% học sinh Cầu Giấy qua phổ cập đã biết bơi

Nhìn cháu ngoại đang học bơi, bác Tuyên cho biết chất lượng đào tạo ở lớp phổ cập bơi rất tốt, mới chỉ 2-3 buổi bé đã bơi được. Anh Nam, có con tham gia học bơi, cũng đánh giá tích cực về khóa học. “Trước, cháu xuống nước còn sợ, nay đã biết bơi ếch. Bơi đúng kỹ thuật nên rất đẹp. Phổ cập như thế này tốt và hiệu quả” – anh Nam đánh giá.

Dạy 3 ca mỗi ngày, thầy giáo Trần Thanh Đô đánh giá rằng các học sinh tiếp thu khá tốt. “Có lớp 80% học sinh đã biết bơi” – thầy nói. Theo thầy, đến buổi thứ 7 khoảng 50% các bé có thể biết bơi. Từ buổi thứ 9-10 trở đi, những bạn biết bơi rồi sẽ bơi dài hết bể. Thầy sẽ bổ trợ thêm cho những bé còn kém. 65% học sinh đã biết bơi sau khóa phổ cập đầu tiên được tổ chức ở quận Cầu Giấy, cách đây 2 năm. “Đó là kết quả tương đối cao” – thầy Đô đánh giá.

Dù là lớp học miễn phí nhưng các thầy giáo đều cố gắng hết sức giúp đỡ phụ huynh, làm sao để các bé biết bơi, góp phần chống được nạn đuối nước. Tuy nhiên, mô hình này mới chỉ được thí điểm ở quận Cầu Giấy. Có con nhỏ đang trong độ tuổi đến trường, thầy Đô cho biết huyện Hoài Đức chỉ cách Cầu Giấy 7km nhưng không có chương trình phổ cập bơi. Các quận lân cận yêu cầu phụ huynh học sinh phải đóng góp 50% kinh phí.

Ở ngoài cửa bể bơi có ghi rõ bảng giá vé vào cửa. Mỗi học sinh sẽ cần 1,3 triệu đồng cho khóa học kéo dài 10 ngày. Chi phí cho mỗi lần vào bể là 40.000 đồng. Nếu học ở những địa điểm khác, tổng chi phí có thể hơn 2,5 triệu đồng/khóa học. “Nhiều nhà vẫn cho con đi học nhưng cần có điều kiện” – một phụ huynh nói.

Chuông reo lớn. Ca học của Trường hôm nay đã kết thúc. Đón Trường ở ngoài cửa còn có đứa em trai mới lên lớp 3. Đưa nhanh cho Trường chiếc khăn và bộ quần áo, anh Nam dặn con thay nhanh kẻo ốm. Anh cũng dỗ dành đứa nhỏ đã nhìn anh bơi được 1 giờ đồng hồ. “Hay hè sang năm cho con đi học bơi nhỉ. Nhà trường chưa có chương trình thì cho con đi bơi” – anh Nam nói.

Lời giải cho bài toán “sợ nước” ở Việt Nam

Thực tế, đuối nước đã trở thành nỗi sợ của cả xã hội. Chỉ riêng trong nửa đầu tháng 6/2017 đã có nhiều vụ đuối nước xảy ra dẫn đến cái chết thương tâm của hàng chục người. Đặc biệt, ngày 2/6 đã có 2 vụ đuối nước xảy ra ở Gia Lai và Bình Định làm 8 người thiệt mạng.

Báo cáo của Bộ Lao Động, Thương Binh và Xã hội đánh giá tử vong do đuối nước ở Việt Nam cao gấp 8 lần các nước phát triển và đứng đầu khu vực. Trong số 6.400 người bị đuối nước mỗi năm, có tới 2.800 trẻ em. Nhóm tuổi chiếm tỷ lệ tử vong cao từ 5-14 tuổi. Tỷ lệ tử vong do đuối nước ở trẻ em chiếm hơn 50% các trường hợp tử vong do tai nạn thương tích.

Liên Minh vì Sự An Toàn của Trẻ Em (TASC) đã phối hợp với Văn Phòng Nghiên Cứu của UNICEF cùng thực hiện “Nghiên cứu Đuối nước ở Trẻ em”. Theo đó, cứ bốn trẻ em tử vong (1 đến 4 tuổi) thì có một trẻ bị tử vong do nguyên nhân đuối nước. Con số này cao hơn số trẻ em tử vong do sởi, bại liệt, ho gà, uốn ván, bạch hầu và lao kết hợp lại. Tại Việt Nam, tỉ lệ tử vong do đuối nước ở trẻ em dưới 5 tuổi ngang bằng với tỉ lệ tử vong do các nguyên nhân khác gây ra cho trẻ cùng độ tuổi, tuy nhiên sau đó, tỉ lệ này bắt đầu tăng lên.

“Trong ba thập kỷ qua, các quốc gia đã có những tiến bộ mạnh mẽ không ngừng trong việc giảm thiểu các bệnh truyền nhiễm. Tuy nhiên, không có tiến bộ nào đạt được trong việc giảm tỉ lệ tử vong do đuối nước... Lâu nay, đuối nước vẫn là một nguyên nhân gây tử vong dấu mặt” - ông Gordon Alexander, Giám Đốc Văn Phòng Nghiên Cứu của UNICEF cho biết.

Những con số trên cho thấy sự cần thiết đối với những lớp phổ cập bơi miễn phí ở quận Cầu Giấy. Thế nhưng, tại nhiều quận ở Hà Nội cũng như nhiều tỉnh thành khác trên cả nước, những chương trình phổ cập hữu ích và quan trọng như thế này vẫn còn rất ít.

Đang lau tóc sau khi học bơi tại trường, cô giáo Lê Kim Anh, Hiệu trưởng trường THCS Cầu Giấy cho biết nhà trường đã hỗ trợ toàn bộ công tác cứu hộ, y tế, phục vụ ngay khi UBND quận có chủ trương tổ chức lớp phổ cập bơi. “Khi quận có chủ trương, nhà trường đã tham gia ngay từ đầu. Toàn bộ công tác cứu hộ, y tế, phục vụ nhà trường hỗ trợ hết. Tôi cũng vào học bơi và thấy cần thiết phải biết bơi” – cô giáo Lê Kim Anh nói.

Nghiên cứu Đuối nước ở Trẻ em chỉ ra rằng chi phí phòng chống đuối nước ở trẻ em “không hề đắt” so với can thiệp phòng chống các bệnh sởi, bại liệt, ho gà, uốn ván, bạch hầu, lao. Nhiều hoạt động phòng chống đuối nước ở trẻ em đã được UNICEF Việt Nam hỗ trợ. Cụ thể: xây dựng và thực hiện các chính sách an toàn giao thông đường thủy, nâng cao nhận thức về nguy cơ đuối nước và các biện pháp phòng chống hiệu quả; sửa sang nâng cấp nhà cửa và môi trường nhằm giảm thiểu nguy cơ đuối nước, dạy bơi cho trẻ em.

Chương trình phòng chống tai nạn thương tích trẻ em, giai đoạn 2016 - 2020 cũng đã được Thủ tướng phê duyệt. Theo đó, mục tiêu được đặt ra là giảm tỷ lệ tử vong trẻ em do đuối nước xuống dưới 6% so với năm 2015 (khoảng 170 người). 40% trẻ em trong độ tuổi tiểu học và trung học cơ sở biết kỹ năng an toàn trong môi trường nước; 90% trẻ em sử dụng phao bơi khi tham gia giao thông đường thủy; 100% các tỉnh, thành phố trực thuộc T.Ư triển khai thí điểm chương trình bơi an toàn.

Vương Diệu Quân

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên