MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Luẩn quẩn hồ tiêu

06-07-2017 - 14:20 PM | Thị trường

Nửa đầu năm nay, XK hồ tiêu ghi nhận sự tăng trưởng rõ rệt về mặt số lượng, song lại sụt giảm mạnh về giá trị.

Báo cáo của Bộ NN&PTNT cho thấy, tính tới hết tháng 6, XK hồ tiêu ước đạt 126 nghìn tấn và 714 triệu USD, tăng 18,3% về khối lượng nhưng giảm 16,8% về giá trị so với cùng kỳ năm trước. Đáng chú ý, giá tiêu XK bình quân 5 tháng đầu năm chỉ đạt 5.876 USD/tấn, giảm 26,8% so với cùng kỳ năm 2016.

Tương đồng với XK, ngay tại thị trường trong nước, 6 tháng đầu năm, giá hồ tiêu cũng sụt giảm rất mạnh. So với cuối năm 2016, giá tiêu hiện giảm tới 57.000 – 61.000 đ/kg. Nếu so với cùng kỳ năm 2016, giá tiêu hiện đã sụt giảm tới 50%. Đây được xem là mức giảm kỷ lục của ngành hồ tiêu trong vòng 5 - 6 năm trở lại đây. Nguyên nhân dẫn tới sự “lao dốc” về giá được Bộ NN&PTNT nhận định là bởi tình hình XK sang các thị trường châu Âu, Mỹ, Nhật Bản bị chững lại. Trong khi đó, diện tích hồ tiêu trên cả nước vượt quy hoạch dẫn đến cung vượt cầu.

Điểm lại “toàn cảnh” ngành hồ tiêu những năm gần đây, dễ thấy, tiêu luôn là sản phẩm đem lại giá trị kinh tế cao cho người nông dân, “đánh bật” nhiều loại cây trồng như cà phê, cao su… Vì thế, tình trạng người dân bất chấp mọi cảnh báo, đổ xô phá bỏ các loại cây trồng khác, ưu tiên đất cho cây tiêu phát triển không có gì lạ.

Ở một góc độ khác, phải thừa nhận rằng, ngoài vấn đề cung vượt cầu, chất lượng chưa thực sự đảm bảo cũng là một trong những yếu tố khiến tiêu XK của Việt Nam gặp khó. Mới đây, Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Đài Loan (FDA), Trung Quốc đã đã từ chối NK một lô tiêu đen 25 tấn từ Việt Nam do phát hiện tồn dư thuốc trừ sâu lớn. Trước đó, suốt thời gian dài, tiêu Việt XK vào thị trường này và một số thị trường lớn khác cũng nhiều lần bị cảnh báo, thậm chí phải “dừng bước” bởi các vấn đề liên quan tới chất lượng.

Câu chuyện của ngành hồ tiêu không mới, vẫn luẩn quẩn “vắt” từ năm này qua năm khác.

Hồ tiêu đã và đang là một trong những mặt hàng XK chủ lực của ngành nông nghiệp. Để phát triển tốt ngành hàng, ngày càng nâng cao giá trị XK, thay vì chỉ đánh giá thực trạng, chỉ ra nguyên nhân vỡ quy hoạch, cung vượt cầu, có lẽ cơ quan quản lý Nhà nước cần nhanh tay, quyết liệt hơn “xốc” lại nhiều vấn đề. Đơn cử như xây dựng lại một quy hoạch chặt chẽ căn cứ trên nhu cầu tiêu thụ thực tế kết hợp với định hướng, khuyến cáo rõ ràng hơn cho người nông dân. Ngoài ra, tích cực phối hợp với các hiệp hội, DN “đầu tàu” trong ngành hồ tiêu, siết chặt việc sử dụng thuốc trừ sâu, thuốc bảo vệ thực vật trong trồng tiêu nhằm tạo ra các sản phẩm chất lượng cũng là điều mà cơ quan quản lý cần thúc đẩy.

Theo T.Nguyễn

Hải quan

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên