MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Luật sư đề nghị khởi tố ông Trương Quý Dương

26-05-2018 - 09:18 AM | Xã hội

Theo các luật sư, vụ án có dấu hiệu trục lợi, coi rẻ tính mạng con người và có nhiều vi phạm trong quá trình điều tra. Luật sư đặt câu hỏi tất cả đều đúng quy trình, phải chăng chỉ người chết là không đúng quy trình?

Dấu hiệu vi phạm tố tụng?

Ngày 25/5, TAND TP Hòa Bình tiếp tục xét xử vụ án vô ý làm chết người khi chạy thận nhân tạo tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hòa Bình (BV Hòa Bình).  Bào chữa cho bị cáo Hoàng Công Lương - bác sĩ Đơn nguyên thận nhân tạo được nêu quan điểm của mình, luật sư Nguyễn Chiến khẳng định có việc một số người liên quan ghi thêm vào tài liệu chứng cứ; điều tra viên đưa cho bị cáo tài liệu để khai theo… “Việc này vi phạm quy định pháp luật tố tụng trong việc thu thập chứng cứ, lấy lời khai” - ông Chiến nói.

Về lời khai “sinh đôi” trong vụ án được kiểm sát viên cho rằng không giống nhau, luật sư Chiến đề nghị HĐXX nghiên cứu kỹ: “Có 8 dòng, 80 chữ hoàn toàn giống nhau về câu từ, nội dung. Hai người khai ở 2 thời điểm khác nhau lại giống như vậy… Kiểm sát viên cũng thừa nhận có giống nhau, chỉ không giống đến từng dấu chấm, phẩy mà thôi”.

Luật sư đề nghị khởi tố ông Trương Quý Dương - Ảnh 1.
Bị cáo Hoàng Công Lương.

Cũng theo luật sư, vấn đề dụ cung, mớm cung được nêu trong phần xét hỏi tại tòa đã thể hiện vi phạm pháp luật tố tụng. Ông Chiến nói: “Việc đưa lời khai của người khác cho bị cáo khai theo là không được”. Ngoài ra, lời khai của Hoàng Công Lương đã được điều tra viên viết thêm 10 chữ nhằm “quàng” thêm trách nhiệm cho Lương. Vì vậy, Hoàng Công Lương đã đề nghị xóa 10 chữ này, điều tra viên phải làm theo nên bên cạnh có xác nhận của bị cáo Lương: “xóa 10 chữ”.

Luật sư cho rằng cần khởi tố giám đốc bệnh viện

Tiếp đến, luật sư Lê Văn Thiệp cho rằng hành vi ra lệnh chạy thận của Hoàng Công Lương thuộc tình thế bắt buộc theo quy định của pháp luật và không thể chờ đợi các biên bản bàn giao như câu nói “đau đẻ chờ sáng trăng”. Ông Thiệp khẳng định, trong vụ án, phòng vật tư, giám đốc BV Hòa Bình và Cty dược Thiên Sơn đã không làm hết trách nhiệm, thông thầu, chọn nhà thầu kém chất lượng… để bị cáo Bùi Mạnh Quốc mang hóa chất không đủ chất lượng vào bệnh viện.

Vụ án cũng có dấu hiệu trục lợi, coi rẻ tính mạng con người như bị cáo Quốc khai nếu thay cả 4 màng lọc như Quốc khảo sát, sẽ chỉ dùng javen để tẩy rửa, không phải dùng axit và không có người chết. “Theo bị cáo Quốc, họ chỉ cho thay 2 màng, như vậy hôm nào lại thay 2 màng còn lại, mất 200 triệu đồng và 50 triệu đồng lợi nhuận mỗi lần” - ông Thiệp nói.

Về việc Hoàng Công Lương ra lệnh chạy thận khi chưa xét nghiệm chất lượng nước theo tiêu chuẩn AAIM, luật sư Thiệp cho biết xét nghiệm này mất từ 10 - 14 ngày. Bên cạnh đó, hệ thống lọc nước phải hoạt động liên tục, nếu dừng 10 ngày sẽ bị vi khuẩn xâm nhập và như vậy lại tiếp tục sục rửa, xét nghiệm… “Đây là quy trình vô tận, ai có tư duy logic đều biết”, luật sư Lê Văn Thiệp nói.

Từ những phân tích của mình, ông Thiệp đề nghị tòa tuyên bị cáo Hoàng Công Lương vô tội. Ngoài ra, vị luật sư đề nghị tòa khởi tố vụ án hình sự về tội thiếu trách nhiệm, cố ý làm trái, làm giả giấy tờ tài liệu với ông Trương Quý Dương - nguyên GĐ BV Hòa Bình, Trần Văn Thắng - Trưởng phòng vật tư và những người liên quan.

Luật sư đề nghị khởi tố ông Trương Quý Dương - Ảnh 2.
ông Trương Quý Dương 

“Chết không đúng quy trình?”

 Luật sư Trần Hồng Phúc cũng tham gia bào chữa cho bị cáo Hoàng Công Lương cũng khẳng định vụ án có vi phạm tố tụng, bức cung, dụ cung… Bà Phúc kiến nghị tòa xử lý trách nhiệm của những người tiến hành tố tụng  mà có dấu hiệu làm trái pháp luật.

Bà Phúc dẫn các tài liệu thể hiện, hệ thống RO số 2 gây chết người trong vụ án được Cty Thiên Sơn mua từ Cty Anh Quân và lắp đặt. Tuy nhiên, Cty Anh Quân đã giải thể từ năm 2016, giám đốc Cty này tên Quân khai chỉ là lao động tự do và được “thuê” đứng tên. Cũng theo ông Quân, hệ thống lọc RO được ghép từ nhiều hãng khác nhau, không đồng bộ. Chính ông Quân là người làm hợp đồng mua bán thiết bị với ông Đỗ Anh Tuấn -  GĐ Cty Thiên Sơn.

Luật sư Phúc đặt câu hỏi, vì sao trong hồ sơ vụ án không có hợp đồng giữa công ty Anh Quân và công ty Thiên Sơn? “Nhà sản xuất không đổ lỗi mà cứ đổ lỗi cho các bị cáo. Phải chăng chỉ có người dân chết là không đúng quy trình, còn tất cả chúng ta đều đúng quy trình?” - lời luật sư Trần Hồng Phúc.

Luật sư Phúc cũng đặt câu hỏi về trách nhiệm của Bộ Y tế khi cơ quan này đã buông lỏng quản lý trang thiết bị y tế; hệ thống RO tại BV Hòa Bình đang hoạt động “chui”, bất hợp pháp từ nhiều năm nay nhưng thanh tra y tế không phát hiện. “Bộ Y tế trả lời sao đây với sinh mạng của 9 con người?” - bà Phúc nói.

Theo truy tố, ông Trương Quý Dương ký hợp đồng với Cty Thiên Sơn để sửa chữa hệ thống lọc nước RO dùng trong chạy thận nhưng Cty Thiên Sơn "bán lại" hợp đồng cho bị cáo Bùi Mạnh Quốc. Ngày 28/5/2017, khi sửa chữa, Quốc vô ý để tồn dư axit trong hệ thống. Bị cáo Trần Văn Sơn - cán bộ phòng vật tư không giám sát, kiểm tra sửa chữa theo nhiệm vụ nhưng thông báo hệ thống có thể sử dụng. Hôm sau, bị cáo Hoàng Công Lương không kiểm tra, báo cáo nhưng ra lệnh chạy thận khiến 9 người tử vong.

Theo Xuân Ân

Tiền Phong

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên