MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Luật sư nêu cách bà Hứa Thị Phấn dẫn dụ người nhà giúp sức rút ruột Trustbank​

21-11-2019 - 14:42 PM | Tài chính - ngân hàng

Luật sư nêu: với các bị cáo vốn là con cháu trong nhà, bà Phấn nói gì phải nghe đó, nói chuyện với bà Phấn phải khoanh tay, bà Phấn nói gì không được cãi lại.

Sau một ngày nghỉ, sáng nay (21/11), TAND TP.HCM mở lại phiên xử sơ thẩm đối với bà Hứa Thị Phấn , nguyên cố vấn cấp cao Ngân hàng TMCP Đại Tín (Trustbank), nguyên chủ tịch HĐQT CTCP Phát triển đầu tư Phú Mỹ và đồng phạm về tội danh lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản, gây thiệt hại cho Trustbank hơn 1.300 tỷ đồng.

Sau phần nêu quan điểm của đại diện Viện kiểm sát (VKS) ở phiên chiều 19/11, các luật sư bắt đầu tiến hành bào chữa cho các bị cáo.

Luật sư Nguyễn Thị Bích tham gia bào chữa cho ba bị cáo, gồm bị cáo Lâm Kim Dũng, cựu Giám đốc Công ty TNHH Địa ốc Lam Giang - là cháu rể bà Phấn; bị cáo Lâm Hứa Quỳnh Trinh, cựu thủ quỹ kiêm thủ kho Ngân hàng Thương mại TNHH một thành viên Xây dựng Việt Nam (CB) Chi nhánh Lam Giang, cựu phó phụ trách phòng ngân quỹ Trustbank - là con gái bị cáo Dũng; Phạm Hồng Hảo, cựu nhân viên Trustbank, con dâu bị cáo Dũng.

Luật sư Bích đồng ý các tình tiết giảm nhẹ được VKS nêu đối với các bị cáo. Luật sư nêu: với các bị cáo vốn là con cháu trong nhà, bà Phấn nói gì phải nghe đó, nói chuyện với bà Phấn phải khoanh tay, bà Phấn nói gì không được cãi lại.

“Bà Phấn là bà trong gia đình, là người giàu có nhất và vị trí quan trọng trong dòng họ và ảnh hưởng ngoài xã hội, công ăn việc làm của con cháu phụ thuộc vào bà Phấn. Các bị cáo thực hiện hành vi phạm tội như bị đe dọa”, luật sư nêu tại tòa.

Cũng theo luật sư, với các bị cáo ở đây vừa là sự tin tưởng vừa bị khống chế, còn hơn cả mức đe dọa. Bà Phấn cũng rất khôn khéo trong việc điều khiển. Theo đó, bà Phấn chia thành 2 nhóm gồm nhóm người thân trong gia đình và nhóm thuộc cấp là người ngoài.

Theo đó, những người thân ruột thịt hoàn toàn không biết gì và cứ thế theo lệnh của bà Phấn ký giấy tờ. Bà Phấn tạo khoảng cách bí mật, những người ngoài không nói cho người trong dòng họ bà Phấn, bởi nói cho một người thân thì những người thân khác sẽ biết việc bị lợi dụng.

Luật sư dẫn chứng, dù là người được xác định là đồng phạm giúp sức cho bà Phấn trong vụ án nhưng đến lúc khởi tố bị cáo Lâm Hồng Trinh cũng chỉ có số tiền tiết kiệm với số dư 50 triệu đồng và đã bị phong tỏa.

Tự bào chữa cho mình, bị cáo Lâm Kim Dũng xúc động, mong HĐXX xem xét cho hoàn cảnh của gia đình bị cáo khi có tới 3 cha con cùng hầu tòa, bản thân bị cáo đang thi hành án ở giai đoạn 1 với cùng một tội danh.

Bị cáo Phạm Hồng Hảo trình bày, bị cáo là cháu dâu trong gia đình. Bị cáo cho biết, sống trong gia đình về nhiều mặt bị cáo không có lý do để từ chối việc đứng tên giúp bà Phấn.

Bị cáo Hảo nói, lúc bị cáo đứng tên nhà giúp bà Phấn và sau đó sang tên bất động sản thì bị cáo có con nhỏ được 1 tuổi, bị cáo hay đau ốm, tinh thần không minh mẫn. Bị cáo không biết hành vi phạm tội của bà Phấn, không nghi ngờ việc mình làm là sai nên mới đứng tên giúp. Theo suy nghĩ của bị cáo Hảo, bà Phấn là người làm từ thiện nhiều, giúp cho nhiều bệnh nhân nghèo nên tin tưởng bà.

“Bị cáo mong HĐXX cho bị cáo được có điều kiện được trở về chăm sóc cho con nhỏ, cho gia đình”, cháu dâu của bà Phấn nói.

Với bị cáo Lâm Hồng Trinh, bị cáo thường không kiềm chế được cảm xúc mỗi lần được HĐXX cho trình bày. Bị cáo khóc và nói trong vụ án này gia đình có 3 người bị khởi tố, ba bị cáo đã lớn tuổi, mẹ đã già và bị bệnh nặng, cùng con nhỏ không có ai chăm sóc.

“Bị cáo ân hận và lo sợ. Giai đoạn 1 bị cáo được cho hưởng án treo, bị cáo trở về nhà chưa được bao lâu thì đối diện với lệnh khởi tố tiếp theo. Bị cáo mong HĐXX cho bị cáo được cải tạo không giam giữ để có thể trở về chăm sóc cho gia đình”, bị cáo Trinh trình bày tại tòa.

Theo Huyền Trâm

BizLive

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên