MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Luật sư: Nhân viên Vietcombank từ chối người khuyết tật mở thẻ là không đúng

15-09-2016 - 09:46 AM | Tài chính - ngân hàng

Theo luật sư, chỉ khi nào Tòa án tuyên bố mới kết luận ai mất năng lực hành vi dân sự, kể cả những trường hợp nghi ngờ các tổ chức cũng không được lắc đầu từ chối họ.

Mới đây, thông tin Ngân hàng TMCP Ngoại thương (Vietcombank - VCB) từ chối mở thẻ ATM cho 4 trường hợp câm điếc bẩm sinh đều trên 18 tuổi tại Hà Nội vì cho rằng họ không đủ năng lực hành vi dân sự đã khiến nhiều người băn khoăn liệu rằng người khuyết tật có được mở tài khoản ngân hàng hay không?

Trao đổi với chúng tôi, Luật sư Trương Thanh Đức, Chủ tịch HĐTV Công ty luật Basico cho biết nhân viên ngân hàng Vietcombank kết luận như vậy là không đúng.

Theo quy định của Luật dân sự 2005, những người khuyết tật này không nằm trong diện mất hoặc không có năng lực hành vi dân sự.

Cụ thể, luật quy định người dưới 18 tuổi, bị bệnh tâm thần hoặc bệnh khác mà không thể ý thức, làm chủ được hành vi (đã được toà án tuyên bố mất năng lực hành vi dân sự), người nghiện ma tuý, nghiện chất kích thích mới là những người không có hoặc bị hạn chế năng lực hành vi dân sự.

Trong khi đó, quy định của Ngân hàng Nhà nước cũng không liệt người khuyết tật câm điếc bẩm sinh vào diện những đối tượng không được mở tài khoản thanh toán tại ngân hàng và chi nhánh ngân hàng nước ngoài.

"Chỉ khi nào Tòa án tuyên bố mới kết luận ai mất năng lực hành vi dân sự kể cả những trường hợp nghi ngờ các tổ chức cũng không được lắc đầu từ chối họ", luật sư Trương Thanh Đức nhấn mạnh.

Tuy nhiên, cũng theo luật sư, việc nhân viên Vietcombank từ chối mở thẻ có thể hiểu bởi một bộ phận nhân viên ngân hàng chưa nắm được hết pháp lý hoặc chưa thành thạo quy trình mở thẻ cho người khuyết tật. Bởi đối với những người bị khuyết tật ngân hàng phải có quy trình riêng. Khi làm thủ tục mở thẻ, cần phải có người làm chứng thể hiện được khách hàng giao dịch thật, vì họ bị hạn chế về một số thao tác.

Vào những tình huống như thế này, cần suy xét đánh giá ý chí giao dịch của người mở thẻ, phải đảm bảo chữ ký, trong hồ sơ ghi rõ tình trạng như thế nào, cam kết như thế nào thỏa thuận rõ trên giấy tờ chẳng hạn khi giao dịch với nhóm khách hàng này chỉ cần các bước này.

Luật sư cũng cho biết thêm bình thường khi mở thẻ, khách hàng phải đọc, trao đổi, ký kết, ví dụ như với người khiếm thị hoặc khuyết tay sẽ khó khăn và phức tạp hơn nhưng với trường hợp trên, 4 khách hàng bị câm điếc bẩm sinh, vẫn có thể nhìn, đọc hiểu văn bản được, ký kết được,...Đây là tình huống dễ xử lý nhất trong các trường hợp khách hàng là người khuyết tật.

Trước đó, ngày 14/9, anh Phạm Việt Hoài - Chủ tịch HĐQT Công ty CP Kym Việt (đơn vị hoạt động theo mô hình doanh nghiệp xã hội nơi có nhiều người khuyết tật sản xuất thú nhồi cát và quế) – cho biết, sáng ngày 14/9, anh có đi cùng 4 nhân viên đến chi nhánh ngân hàng Vietcombank Thành Công để thực hiện thủ tục mở thẻ ATM.

4 nhân viên của anh Hoài đều đã quá 18 tuổi, sinh năm 1987-1994. Vị Chủ tịch công ty này khi đi làm ATM cho nhân viên cũng mang đầy đủ hồ sơ và có trình bày với ngân hàng về việc đây là những người khuyết tật, bị câm điếc bẩm sinh.

Tuy nhiên, sau khi làm việc với nhân viên ngân hàng, cả 4 khách hàng trên đều bị từ chối cấp mở thẻ ATM với lý do không đủ năng lực hành vi dân sự theo luật định. Đại diện của Vietcombank chi nhánh Thành Công cho biết đây là quy định của Ngân hàng Nhà nước, vì vậy, anh Hoài và 4 nhân viên trên đành ra về.

Sau đó, nhờ sự quen biết của một thành viên trong công ty Kym Việt, nhóm anh Hoài đã đến một chi nhánh khác và được thực hiện mở thẻ bình thường.

Kim Tiền

Trí Thức Trẻ

Trở lên trên