MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Luật sư nói về quy định nữ sinh trên 60kg không được dự thi trường Tòa án

15-03-2019 - 14:22 PM | Xã hội

Theo đại diện Học viện Tòa án, quy định về chiều cao, cân nặng đối với thí sinh có nguyện vọng xét tuyển vào trường đã được áp dụng từ nhiều năm qua.

Trong thông báo về việc sơ tuyển của Học viện Tòa án, ngoài các tiêu chuẩn về chính trí, phẩm chất đạo đức thì yêu cầu thí sinh nữ phải có cân nặng từ 45 đến 60 kg, thí sinh nam không quá 80kg.

Trao đổi với PV vào sáng 15/3, một đại diện Học viện Tòa án cho biết, từ ngày 8/3, trường đã có thông báo về kế hoạch sơ tuyển năm 2019.

Trong đó, đã nêu rõ, các quy định liên quan tiêu chuẩn chính trị, phẩm chất đạo đức, tiêu chuẩn về sức khỏe đối với nam và nữ.

Cụ thể, nam cao từ 1m60 trở lên, cân nặng từ 48 - 80kg, nữ cao từ 1m55 trở lên, cân nặng từ 45 - 60kg. Không bị dị hình, dị dạng, khuyết tật, không nói ngọng, nói lắp, không mắc bệnh kinh niên, mãn tính.

Theo vị này, quy định về chiều cao, cân nặng đối với thí sinh có nguyện vọng xét tuyển vào trường đã được áp dụng nhiều năm qua và việc sơ tuyển tương tự trong tuyển sinh các ngành đặc thù khác như kiểm sát, công an, quân đội.

 Luật sư nói về quy định nữ sinh trên 60kg không được dự thi trường Tòa án - Ảnh 1.

Ảnh các nữ sinh Học viện Tòa án.

Đại diện Học viện cho hay, trong ngày hôm nay, lãnh đạo Phòng Đào tạo và Khảo thí sẽ có thông tin cụ thể về vấn đề này để giải thích rõ cho dư luận.

Liên quan đến vấn đề này, trao đổi với PV, luật sư Đặng Văn Cường (Hà Nội) cho rằng, quy định sơ tuyển của Học viện Tòa án nhằm hướng tới một nguồn nhân lực vừa hồng, vừa chuyên, có sức khỏe, bản lĩnh đạo đức mà còn có hình thức đẹp, đồng đều khi ra trường.

Nữ sinh nặng trên 60kg không được dự thi Học viện Toà án

Tuy nhiên, có một số nội dung cần phải xem lại cho phù hợp với các quy định của Hiến pháp và pháp luật của Việt Nam hiện nay, sao cho đảm bảo quyền bình đẳng của công dân trong lĩnh vực học tập.

Cụ thể, Hiến pháp năm 2013, Luật giáo dục, Bộ luật lao động và các văn bản pháp luật có liên quan hiện nay đều quy định quyền bình đẳng của mọi công dân trong lĩnh vực học tập và làm việc, không phân biệt nam, nữ, dân tộc, tôn giáo...

Theo luật sư Cường, đối với một số ngành nghề, lĩnh vực đặc thù như công an, quân đội, phi công... và một số lĩnh vực đòi hỏi phải có sức khỏe tốt, đạo đức, bản lĩnh chính trị tốt mới có thể đưa ra quy định hạn chế để tuyển chọn người cho phù hợp với đặc điểm đặc thù công việc.

Đối với các lĩnh vực khác không nên đưa ra những quy định cấm cản để đảm bảo cơ hội lựa chọn nhân tài và quyền bình đẳng của mọi công dân, đặc biệt lưu tâm, giúp đỡ những người có nhược điểm về thể chất, khiếm khuyết để họ có cơ hội hòa nhập và cơ hội phát triển...

Vị luật sư nêu rõ, việc đào tạo, tuyển chọn thẩm phán, cán bộ tòa án hiện nay có những quy định riêng về thi tuyển công chức, thi tuyển thẩm phán.

"Bởi vậy nếu có những quy định yêu cầu về chiều cao, cân nặng, lí lịch... đối với các học sinh, sinh viên của trường này không thực sự cần thiết.

Những quy định về chiều cao, cân nặng, tiêu chuẩn đạo đức cụ thể nên quy định hoặc khuyến khích đối với đối tượng làm việc trong ngành tòa án như thẩm phán, cán bộ tòa án.

Khi tuyển dụng thẩm phán hoặc tuyển dụng cán bộ tòa án mới có thể đưa ra những tiêu chuẩn này hoặc quy định khác cho phù hợp với ngành nghề, lĩnh vực", luật sư Cường nêu.

Quy định về chiều cao, cân nặng có thể nảy sinh tiêu cực

Luật sư Đặng Văn Cường nói thêm, thực tế có rất nhiều em học trường học viện tòa án nhưng không được tuyển dụng làm công chức, cũng không được bổ nhiệm làm thẩm phán, thậm chí nhiều người trong ngành tòa án vẫn chuyển công tác sang lĩnh vực khác.

"Chiều cao, cân nặng của con người không phải bất biến mà có thể thay đổi theo thời gian. Có sinh viên thường thấp bé, gây nhưng khi trưởng thành, trở thành cán bộ lại to béo quá khổ, hoặc có những em sinh viên to béo nhưng khi ra trường đi làm lại giảm cân.

Việc đưa thêm các quy định về chiều cao, cân nặng có thể nảy sinh tiêu cực khi cân đo, gây tác động tâm lý không tốt cho những người có khiếm khuyết về cơ thể hoặc không đảm bảo chiều cao, cân nặng như trên", luật sư Cường nhấn mạnh.

Luật sư Nguyễn Công Thành (Hà Nội) cho rằng, Luật giáo dục, Luật Giáo dục Đại học, Bộ luật lao động và các văn bản pháp luật khác có liên quan hiện nay chưa có quy định nào về tiêu chuẩn câng nặng như Học viện Tòa án đưa ra.

Ông đề nghị, Học viện Tòa án nên xem xét lại quy định này và nếu không đúng, không cần thiết có thể loại bỏ.

Theo Hoàng Đan

Trí Thức trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên