MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Luckin Coffee: Chuỗi cà phê địa phương đang ép Starbucks vào đường cùng ở Trung Quốc, tốc độ mở kinh hoàng 4h/cửa hàng, trở thành kỳ lân chỉ sau 9 tháng ra mắt

09-05-2019 - 10:25 AM | Tài chính quốc tế

Được biết đến rộng rãi ở Trung Quốc với cái tên Little Blue Cup (Tạm dịch: Cốc cà phê nhỏ màu xanh) nhưng Luckin Coffee đang chứng minh rằng mình không phải là người chơi nhỏ bé tại thị trường đông dân nhất thế giới.

Tháng trước, chuỗi cà phê Trung Quốc Luckin Coffee vừa huy động được 150 triệu USD trong vòng gọi vốn mới nhất từ các nhà đầu tư trong đó có BlackRock, quỹ đầu tư lớn nhất thế giới. Chuỗi cà phê đến từ Trung Quốc này từng tuyên bố tham vọng đánh bại Starbucks tại thị trường đại lục, hiện được định giá 2,9 tỷ USD.

Ra đời tháng 10/2017, Luckin Coffee có trụ sở tại Bắc Kinh đã phát triển nhanh chóng từ 9 cửa hàng lên 2.073 cửa hàng vào cuối năm ngoái. Tức là trung bình cứ mỗi 4 tiếng, Luckin Coffee lại mở thêm 1 cửa hàng mới trong năm 2018.

Tháng 7/2018, Luckin đã trở thành một startup kỳ lân khi được định giá hơn 1 tỷ USD. Chuỗi cà phê này đã đáp ứng rất tốt nhu cầu của người tiêu dùng Trung Quốc và quan trọng là tốt hơn Starbucks, "kẻ thống trị" thị trường tỷ dân trong suốt hai thập kỷ qua.

Tháng 1/2019, Luckin Coffee tiết lộ kế hoạch đạt tới con số 4.500 cửa hàng tại Trung Quốc đến cuối năm nay với tốc độ đáng kinh ngạc: Sau 3,5 tiếng sẽ có 1 cửa hàng mới xuất hiện!

Luckin Coffee: Chuỗi cà phê địa phương đang ép Starbucks vào đường cùng ở Trung Quốc, tốc độ mở kinh hoàng 4h/cửa hàng, trở thành kỳ lân chỉ sau 9 tháng ra mắt - Ảnh 1.

Bên trong một cửa hàng của Luckin Coffee.

Điều này sẽ đặt Luckin Coffee ngang hàng với Starbucks. Trong báo cáo thu nhập mới nhất vào tháng 4/2019, hãng cà phê Mỹ tiết lộ kế hoạch mở thêm 600 cửa hàng vào cuối tháng 9 năm nay, nâng tổng số cửa hàng tại Trung Quốc lên 4.389.

Việc đẩy nhanh tốc độ mở chi nhánh nằm trong kế hoạch đánh bại Starbucks để trở thành mạng lưới cà phê thống trị ở quê nhà của Luckin Coffee. Tuy cùng phục vụ cà phê nhưng Luckin đã có được lợi thế nhất định so với đối thủ khi tận dụng công nghệ một cách tối đa.

Có thể nói, công nghệ đã trở thành nhân tố cốt lõi trong hoạt động kinh doanh của Luckin ngay từ khi mới thành lập. Mọi cửa hàng của hãng đều không nhận thanh toán bằng tiền mặt. Thay vào đó, khách hàng chỉ có thể trả tiền qua ứng dụng Luckin thường xuyên có nhiều chương trình khuyến mại hấp dẫn.

Trước khi Luckin Coffee ra đời, Starbucks từng kiểm soát 80% thị trường cà phê Trung Quốc. Doanh thu của Starbucks đã tăng 9% trong giai đoạn từ tháng 1 đến tháng 3 năm nay so với năm trước. Tuy nhiên, do vấp phải sự cạnh tranh khốc liệt, đặc biệt là từ phía Luckin Coffee, khối lượng giao dịch của từng cửa hàng so với cùng kỳ năm trước của chuỗi cà phê Mỹ có xu hướng giảm.

Tỷ lệ mở cửa hàng của họ cũng mờ nhạt hơn đáng kể so với Luckin Coffee. Năm ngoái, cứ mỗi 16 tiếng hãng mới mở thêm 1 cửa hàng mới và mục tiêu năm nay là 15 tiếng/cửa hàng – chậm hơn khoảng hơn 4 lần so với Luckin.

Luckin Coffee: Chuỗi cà phê địa phương đang ép Starbucks vào đường cùng ở Trung Quốc, tốc độ mở kinh hoàng 4h/cửa hàng, trở thành kỳ lân chỉ sau 9 tháng ra mắt - Ảnh 2.

Starbucks đang gặp khó tại thị trường đông dân nhất thế giới.

Tất nhiên, Luckin mới đang ở giai đoạn "trứng nước" trong khi Starbucks đã có mặt ở Trung Quốc từ năm 1999, vậy nên có thể không hoàn toàn công bằng khi so sánh về tốc độ tăng trưởng. Nhưng do Starbucks đang tập trung toàn lực vào Trung Quốc nên cả 2 hãng đều đang ở trong trận chiến tranh giành thị phần khốc liệt.

Trong khi cửa hàng của Luckin chủ yếu đặt ở gần các tòa nhà văn phòng lớn để tiện giao hàng thì Starbucks lại tỏ ra chậm chân trong lĩnh vực này. Người Trung Quốc, đặc biệt là giới trẻ đang ngày càng phụ thuộc vào các dịch vụ giao đồ ăn cho phép thanh toán trực tuyến.

Bất chấp sự thật đó, mãi đến tháng 8 năm ngoái Starbucks mới hợp tác với startup giao đồ ăn Ele.me của Alibaba để cho ra đời dịch vụ giao hàng. Chỉ 1 tháng sau, Luckin cũng kết hợp với công ty giao đồ ăn lớn nhất Trung Quốc là Meituan Dianping (được hậu thuẫn bởi ông lớn Tencent) để giao sản phẩm trên ứng dụng.

Trong xã hội công nghệ như ngày nay, không một nhà bán lẻ nào có thể phát triển bền vững mà không sở hữu hai yếu tố là am hiểu kỹ thuật số và giao hàng thân thiện.

Luckin Coffee: Chuỗi cà phê địa phương đang ép Starbucks vào đường cùng ở Trung Quốc, tốc độ mở kinh hoàng 4h/cửa hàng, trở thành kỳ lân chỉ sau 9 tháng ra mắt - Ảnh 3.

Một "shipper" của Luckin Coffee.

Kể từ khi mở cửa hàng đầu tiên tại Trung tâm Thương mại Thế giới ở Bắc Kinh tháng 1/1999, Starbucks đã trở thành thương hiệu hàng đầu thế nhưng sự thống trị thị trường cà phê ở Trung Quốc của hãng dường như đã đi đến hồi kết.

Trung Quốc là thị trường lớn thứ hai của Starbucks, sau Mỹ, với chuỗi 3.600 cửa hàng tại 150 thành phố. Tuy nhiên, phải mất gần 13 năm hãng mới đạt được quy mô hiện tại của Luckin.

Luckin đang cố gắng phát triển một thương hiệu cà phê đại trà có thể mang lại trải nghiệm cho tầng lớp lao động với mức giá rất cạnh tranh. Theo nhận định của chuyên gia, Luckin có ba điểm khác biệt trong mô hình kinh doanh giúp hãng đạt được thành công khó tin ban đầu: Ứng dụng Luckin, chính sách giao hàng và giá cả cạnh tranh.

Ứng dụng Luckin

Có lẽ một điều khó hiểu đối với du khách đến Trung Quốc hoặc khách hàng lần đầu của Luckin là họ buộc phải sử dụng ứng dụng để mua cà phê tại cửa hàng hoặc được giao hàng đến tận nơi bởi hãng hoàn toàn không chấp nhận thanh toán bằng tiền mặt. Đổi lại, khách hàng sẽ được tặng một đồ uống miễn phí sau khi tải ứng dụng.

Dù khá bất tiện với người ở nơi khác đến nhưng đây lại là một tính năng thu hút rõ rệt với lượng lớn người tiêu dùng Trung Quốc, những người có xu hướng thích thanh toán online hơn là tiền mặt.

Giao hàng nhanh

Phần lớn cửa hàng của Luckin đều không có nhiều chỗ ngồi mà chỉ có chỗ cho khách hàng đợi và mang đồ uống đi. Ngoài ra, gần một nửa trong số đó chỉ tập trung vào việc chuẩn bị đồ uống để các tài xế của Luckin giao hàng đến tận nơi. Nhờ hệ thống phân phối hiệu quả này, khách hàng có thể nhận đồ uống nhanh chóng với thời gian trung bình theo tuyên bố của hãng là 18 phút và không quá 30 phút.

Giá cả cạnh tranh

Trong khi Starbucks thường tính giá ít nhất là 5,1 USD cho hầu hết các loại đồ uống cà phê thì giá tại Luckin chỉ khoảng 2,95 USD đến 3,6 USD cộng thêm 0,8 USD phí giao hàng. Chuỗi cà phê Trung Quốc thường xuyên có chương trình giảm giá sản phẩm xuống chỉ còn 1,5 USD – mức giá không đối thủ cạnh tranh nào có thể theo kịp. Bên cạnh đó là chế độ thưởng hấp dẫn cho người dùng giới thiệu bạn bè sử dụng ứng dụng Luckin.

Đến tháng 1/2019, Luckin Coffee đã phục vụ tổng cộng 90 triệu cốc cà phê trên khắp Trung Quốc. Ngày 22/4, hãng đã nộp đơn IPO tại Mỹ với mục tiêu huy động 800 triệu USD.

Về phía Starbucks, dường như họ đang gặp phải bất lợi cạnh tranh với Luckin. Tuy hãng cũng có một ứng dụng được phát triển cho thị trường Trung Quốc nhưng lại không bắt mắt và phát triển tốt như Luckin.

Cho dù có thể dùng nguồn lực để phát triển ứng dụng và hệ thống phân phối hiệu quả hơn nhưng có lẽ Starbucks đã chậm chân hơn hẳn Luckin khi không nhạy bén với công nghệ và xu hướng mới của người tiêu dùng Trung Quốc trong những năm gần đây.

Luckin Coffee: Chuỗi cà phê địa phương đang ép Starbucks vào đường cùng ở Trung Quốc, tốc độ mở kinh hoàng 4h/cửa hàng, trở thành kỳ lân chỉ sau 9 tháng ra mắt - Ảnh 4.

Luckin Coffee và Starbucks đang cạnh tranh khốc liệt tại Trung Quốc.

Từ trường hợp của Luckin Coffee, có thể thấy công nghệ đang hiện diện và đóng vai trò ngày càng quan trọng trong kinh doanh. Dù quy mô doanh nghiệp lớn hay nhỏ thì công nghệ vẫn đem lại những lợi ích to lớn giúp đáp ứng tốt hơn nhu cầu của khách hàng và tạo ra lợi nhuận bền vững. Việc chuyển các giao dịch truyền thống sang giao dịch điện tử sẽ tạo ra lợi thế cạnh tranh đáng kể cho doanh nghiệp trong thời đại 4.0.

Việt Nam có 30 năm đổi mới đã đạt được những thành tựu quan trọng toàn diện trên mọi lĩnh vực nhưng vẫn chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế và còn nhiều khó khăn, hạn chế. Động lực tăng trưởng dựa vào tài nguyên thiên nhiên, lao động giá rẻ, tăng vốn đầu tư, … không còn nhiều dư địa trong nền kinh tế số. Nguy cơ rơi vào bẫy thu nhập trung bình còn hiện hữu. Vì vậy, để thực hiện mục tiêu năm 2030 Việt Nam cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại, có thu nhập trung bình cao, Việt Nam có nền kinh tế hiện đại, năng động, phát triển nhanh, bền vững, độc lập tự chủ, gắn với chủ động, tích cực hội nhập quốc tế cần có động lực tăng trưởng mới có tính đột phá.

Để góp phần phát triển các giải pháp đột phá phát triển kinh tế - xã hội. Bộ Thông tin và Truyền thông tổ chức "Diễn đàn quốc gia Phát triển doanh nghiệp công nghệ Việt Nam 2019", sẽ diễn ra vào hôm nay Thứ 5, ngày 9/5/2019, tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia, Hà Nội, với chủ đề: "Khát vọng, tầm nhìn và định hướng phát triển vì một Việt Nam hùng cường".

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc sẽ tham dự và chủ trì hội nghị. Bộ trưởng Bộ Thông tin Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng sẽ điều hành thảo luận tại diễn đàn

Sự kiện này sẽ có sự góp mặt của nhiều chính khách, doanh nhân nổi tiếng, đầu tư lớn, có nhiều kinh nghiệm trong ngành công nghệ: ông Nguyễn Đức Chung – Chủ tịch UBND TP Hà Nội; ông Nguyễn Trung Chính - Chủ tịch Tập đoàn CMC; bà Lê Thị Thu Thủy - Phó Chủ tịch Tập đoàn Vingroup, Chủ tịch Công ty VinFast; ông Hùng Trần – Giám đốc Công ty Got It, ông Nguyễn Thế Tân, TGĐ VCCORP; ông Lê Hồng Minh, Chủ tịch – TGĐ Công ty VNG; ông Lữ Thành Long – Chủ tịch Công ty Misa; GS. Kim Hyun Chul, nguyên cố vấn kinh tế của Tổng thống Hàn Quốc; ông Eric Sidgwick, Giám đốc quốc gia ADB tại Việt Nam; ông Nguyễn Xuân Thành, Trường Chính sách công và quản lý Fulbright…


Theo Gia Vũ

Trí thức trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên