MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Lương trung bình ngành vượt Indonesia, dệt may Việt Nam sẽ khó thu hút đầu tư?

Dường như lợi thế cạnh tranh bằng nhân công giá rẻ đang biến mất. ĐIều này khiến cho ngành dệt may Việt Nam đứng trước nguy cơ mất đi "ưu ái" từ các nhà đầu tư nước ngoài.

Đây là cảnh báo của JobStreet.com đối với ngành dệt may Việt Nam. Theo nhận định của nhiều chuyên gia, một trong những nguyên nhân hàng đầu khiến các “ông lớn” ngành may mặc yêu thích Việt Nam là “nhân công giá bèo”. Nhờ vậy, đã có 27 tỷ USD được đổ vào ngành này (tính đến 2015). Tuy nhiên, trong thời gian gần đây, cùng với sự đi lên của giá nhân công cũng như sự cạnh tranh mạnh mẽ từ các quốc gia khác trong việc thu hút vốn đầu tư, cho lợi thế cạnh tranh này bị đe doạ.

Lương trung bình tăng 12%

Theo JobStreet.com mức lương của ngành dệt may đã được cải thiện, thậm chí đã vượt qua được ngưỡng trung bình.

Theo đó, mức lương trung bình ngành dệt may của Việt Nam đang cao hơn mặt bằng chung. Cụ thể, một lao động ngành dệt may trung bình kiếm được từ 402-604 USD/tháng (từ 8,4 triệu đồng đến 12,6 triệu đồng). Con số này chỉ bằng gần một nửa so với Malaysia (725-1019 USD/tháng) và bằng một phần tư so với mức lương trung bình tại Singapore.

Tuy nhiên, khi so sánh với Philippines sự chênh lệch là tương đối nhỏ khi mức lương trung bình ngành dệt may tại Philippines chỉ hơn 1,1 lần Việt Nam. Mức lương trung bình tại Việt Nam thậm chí còn cao hơn cả Indonesia gần 1,2 lần (343-510 USD/tháng). Cũng theo báo cáo lương của JobStreet.com Việt Nam, mức lương trung bình ngành dệt may năm 2016 đã tăng 12% so với năm 2015.

Một điểm đáng mừng khác về mức lương của ngành dệt may khi Việt Nam vừa được Tổ chức lao động quốc tế (ILO) công bố là quốc gia có tỷ lệ vi phạm quy định về lương tối thiểu thấp nhất trong 7 quốc gia xuất khẩu may mặc tại châu Á.

Trong đó, theo báo cáo mới nhất của ILO, cứ 100 lao động trong ngành dệt may thì tại Việt Nam chỉ có 6,6 người bị trả dưới mức lương tối thiểu. Thấp hơn nhiều so với trong khu vực Đông Nam Á.

Việc mức lương ngành dệt may ngày một tăng trong thời gian qua cho thấy các doanh nghiệp đang bắt đầu quan tâm hơn đến việc sử dụng thu nhập như một yếu tố thu hút và giữ chân người lao động.

Như vậy, có thể thấy, lao động giá rẻ đang và sẽ không còn là yếu tố cạnh tranh của Việt Nam trong “cuộc chiến” thu hút đầu tư. Thay vào đó, doanh nghiệp phải chú trọng đến đổi mới công nghệ, quản trị và tuyển chọn nhân tài. Thêm vào đó người lao động trong nước cũng cần nâng cao trình độ, khẳng định và chứng tỏ bản thân trong thời điểm trình độ cần được cải thiện mỗi ngày.

Đức Minh

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên