MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Mai Thanh kinh doanh theo “giá trị kép”

16-10-2017 - 08:00 AM | Doanh nghiệp

Không mang tên là doanh nghiệp xã hội nhưng công ty TNHH Mai Thanh đang kiên trì thực hiện mục tiêu nhân văn của mô hình này. CEO Nguyễn Thị Thanh khẳng định: “Mai Thanh xác định hoạt động không vì mục tiêu tối đa hoá lợi nhuận”.

Giá trị kép

Nhiều khách hàng đã so sánh Công ty TNHH Mai Thanh như một doanh nghiệp xã hội (DNXH). Nếu DNXH được định nghĩa là doanh nghiệp hoạt động theo cơ chế thị trường, nhưng mục đích chủ yếu giải quyết các vấn đề xã hội, thay vì lợi nhuận thuần tuý, thì Mai Thanh cũng kinh doanh không vì mục tiêu tối đa hoá lợi nhuận.

CEO Nguyễn Thị Thanh của Mai Thanh từng chia sẻ: “Tôi không nghĩ đến hai chữ kiếm tiền đầu tiên, mà luôn tìm kiếm giá trị kép trên con đường đầu tư của mình, nghĩ đến những giá trị mang lại cho cộng đồng. Điều quan tâm hàng đầu của tôi là phải làm sao sản phẩm không thôi nhiễm, không gây độc hại cho người dùng”.

Nhớ lại giai đoạn đầu tiên khi bà Thanh bắt đầu tham gia thị trường cung ứng vật tư ngành nước cho nông thôn những năm 2005, 2006. Thời điểm đó các sản phẩm ống nước hàng nhái, hàng kém chất lượng tràn lan, người nông dân lại thiếu kiến thức nên ham rẻ, dễ mua phải sản phẩm không an toàn.

Vì vậy, bà đã phải mất một thời gian khá dài để lần tìm đúng nơi sản xuất, lựa chọn sản phẩm chất lượng và an toàn nhất để phân phối. Sau đó lại phải đến từng hộ dân để thuyết phục bà con sử dụng sản phẩm.

“Bà con nông thôn quen dùng hàng rẻ. Giờ mình mang sản phẩm tốt hơn về, muốn bà con sử dụng thì phải bán với mức giá phải chăng. Lợi nhuận thấp nhưng mang lại nhiều giá trị khác.” Bà Thanh chia sẻ.

Mua đi, bán lại, lợi nhuận thấp nhưng đến khi tự sản xuất, lợi nhuận cũng không cao, thậm chí còn bỏ ra nhiều công sức và tiền bạc hơn trước. Đó là những gì người ta nói về Mai Thanh trong năm 2010, khi CEO Nguyễn Thị Thanh quyết định đầu tư dây chuyền sản xuất ống nước để kiểm soát được chất lượng sản phẩm.

Bà Thanh trong buổi họp dự án cùng cán bộ, công nhân viên Mai Thanh.

Nhiều anh em công nhân tại Mai Thanh kể lại: “Thời gian đó, chị Thanh đã thức trắng cùng anh em công nhân chúng tôi. Phải căng mắt nhìn từng milimet ống nước đầu tiên xuất hiện trên giàn máy với bao háo hức, niềm vui và cả sự hồi hộp. Có những mẻ hàng không đạt yêu cầu, chị cho làm đi làm lại nhiều ngày đêm. Nhưng tất cả đều nỗ lực để cho ra đời những sản phẩm hoàn hảo nhất.”

Tuy nhiên, anh em công nhân làm còn có ca kíp nhưng bà Thanh thì không có thời gian nghỉ. Nhiều người đã đặt câu hỏi, người phụ nữ nhỏ bé đó có động lực gì mà duy trì được sức bền “khủng khiếp” như thế?

“Nhiều lúc mình cũng tự hỏi bản thân như vậy. Tuy nhiên khi thấy người dân được sử dụng sản phẩm chất lượng, an toàn, nhìn họ vui, an tâm, nhiều khi mình cũng vui lây. Nên mình gom những niềm vui đó lại làm động lực phấn đấu.”

Giấc mơ nước sạch

Năm 2015, 2016, một lần nữa Mai Thanh được nhìn nhận như một DNXH. Bởi một doanh nghiệp thông thường sẽ tập trung tối đa vào doanh thu và lợi luận. Nhưng điều đầu tiên bà chủ của Mai Thanh - CEO Nguyễn Thị Thanh trăn trở lại là lời giải cho bài toán “ mang nước sạch về cho bà con huyện Nghĩa Hưng, Nam Định” quê mình.

“Thấy bà con phải dùng nước giếng khoan, đến giặt quần áo cũng làm ố vàng quần áo chứ đừng nói đến dùng làm nước uống. Điều này lúc nào cũng canh cánh bên mình. Vì vậy, đưa nước sạch về Nghĩa Hưng không chỉ là sự trăn trở mà phải gọi là giấc mơ của mình”.

Ngay khi Nam Định có chủ trương đưa nước sạch về nông thôn, Mai Thanh là doanh nghiệp đầu tiên đăng ký xây dựng nhà máy nước với 100% vốn tự có. Dù biết rằng, hiện thực hoá giấc mơ nước sạch sẽ vô cùng gian nan vất vả.

CEO Nguyễn Thị Thanh – Giám đốc Công ty TNHH Mai Thanh.

“Suốt một năm ròng, mình phải đi tìm hiểu các nhà máy nước ở khắp mọi nơi. Từ Quảng Nam, Hà Nội, TP HCM, đến Singapore, Israel để học hỏi công nghệ và cách triển khai của họ. Bài học lớn nhất là không thể sử dụng công nghệ lạc hậu, chỉ đầu tư những gì tốt nhất mới bền vững và mang lại giá trị cho người dân”

Sau khi tìm hiểu và lựa chọn phương án tối ưu nhất, dự kiến tổng mức đầu tư nhà máy đã lên tới 45 tỷ đồng. Nhưng công suất 3.500m3/ngày đêm lại chỉ đủ phục vụ cho xã Nghĩa Sơn, một bài toán kinh doanh không hiệu quả.

Khó khăn chồng chất, ngay khi bắt tay vào khảo sát thực địa thì các chuyên gia tư vấn lại phát hiện ra nguồn nước tại Nghĩa Hưng bị xâm mặn quá nhiều. Nếu muốn đầu tư phải thay đổi công nghệ, thay đổi đường ống nước, đồng nghĩa với vốn đầu tư phải tăng gấp 3 lần.

124 tỷ đồng dường như là một con số không tưởng cho việc đầu tư dự án xã hội của một doanh nghiệp tư nhân. Nếu tiếp tục làm, hàng năm Mai Thanh sẽ phải bù lỗ lớn.

“Nếu giữ nguyên công suất thì doanh nghiệp không đủ tiền bù lỗ. Tuy nhiên không thể chặn nguồn nước sạch về cho bà con. Suy đi tính lại, cuối cùng mình nảy ra phương án, xin UBND tỉnh cung cấp nước sạch cho toàn huyện Nghĩa Hưng. Vừa cung cấp nước sạch diện rộng hơn lại giảm thiểu bù lỗ cho dự án” bà Thanh nhớ lại.

Ngay khi được tỉnh Nam Định chấp nhận phương án đầu tư mới năm 2016, dự án nước sạch của Mai Thanh đã chính thức khởi công.

Ngày hôm nay, dự án nước sạch về Nghĩa Hưng đã hoàn thành giai đoạn 1, cung cấp nước sạch cho 5000 hộ dân xã Nghĩa Sơn, đến năm 2020 thì các xã Nghĩa Lạc, Nghĩa Hồng, Nghĩa Phong, Nghĩa Phú, Nghĩa Bình… đều được sử dụng nước sạch.

Sản phẩm ống nước Phú Mỹ Tân của Mai Thanh thì đã xuất hiện ở khắp các dự án lớn cả trong và ngoài nước như Ecopark, cảng Đình Vũ – Hải Phòng, đảo Cát Bà, sân bay Đồng Nai, ống đẩy thức ăn nuôi cá tại biển Na Uy…

Trước những thành công đó, các chuyên gia cho rằng, tại Việt Nam nhiều DNXH hình thành nhưng có tuổi thọ ngắn do khả năng quản trị dự án yếu và không kiên trì theo đuổi mục tiêu xã hội. Mai Thanh mặc dù không mang tên DNXH, nhưng những điều mà đơn vị này làm được lại mang đậm ý nghĩa nhân văn của mô hình đó. Những thành quả ngày hôm nay là trái ngọt của cả một thập kỷ tận tâm và kiên định vì cộng đồng.

A.D

Nhịp sống kinh tế

Trở lên trên