MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Mảnh đất màu mỡ cho các ngân hàng

16-11-2016 - 08:04 AM | Tài chính - ngân hàng

Một trong những nguyên nhân khiến ngày càng nhiều người lựa chọn hình thức vay tiêu dùng từ các công ty tài chính thay vì đến các tổ chức tín dụng là bởi vì thời gian giải ngân nhanh, thủ tục đơn giản.

Đặc biệt, với một bộ phận không nhỏ khách hàng có nhu cầu chi tiêu nhưng chưa đủ điều kiện thanh toán 100%, họ có thể tìm đến dịch vụ vay tiêu dùng để mua hàng trả góp – điều khó thực hiện khi vay ở ngân hàng. Điều đó đã thúc đẩy các TCTD “lấn sân” sâu vào thị trường màu mỡ này.

Vay tiêu dùng, xu thế tất yếu

Theo đánh giá của các chuyên gia, thị trường tài chính tiêu dùng tại Việt Nam là miếng đất “màu mỡ” chưa được khai thác. Với tốc độ phát triển hơn 20%/năm, hiện dư nợ cho vay mảng này đang chiếm khoảng 8% GDP và dự đoán sẽ vượt qua con số 10% GDP vào năm 2020. Sự ra đời của hoạt động cho vay tiêu dùng là một kết quả tất yếu của quá trình phát triển của nền kinh tế và việc các tổ chức tín dụng thành lập công ty tài chính tiêu dùng cũng không nằm ngoài xu thế này, đặc biệt là các ngân hàng đang hướng đến mảng bán lẻ.

Chuyên gia kinh tế, TS. Nguyễn Minh Phong từng nhận định, tín dụng tiêu dùng ở Việt Nam vẫn đang ở giai đoạn tiềm năng, nhiều người dân chưa được tiếp cận và sử dụng các dịch vụ tài chính. Trong khi đó, thực tế, có nhiều yếu tố để có thể kỳ vọng vào phân khúc thị trường này.

“Việt Nam hiện có hơn 90 triệu dân, dự báo sẽ đạt tới 100 triệu dân vào năm 2025. Đó là con số hết sức thuận lợi cho kênh tài chính tiêu dùng. Ngoài ra, Việt Nam là quốc gia đang phát triển và có tốc độ tăng trưởng ổn định ở khu vực Đông Nam Á. Khi nền kinh tế phát triển ổn định, tỷ lệ thất nghiệp giảm, thu nhập cho người lao động tăng lên kết hợp với yếu tố dân số trẻ tập trung nhiều ở khu vực thành thị sẽ thúc đẩy nhu cầu mua sắm và tiêu dùng. Đây sẽ là điều kiện thuận lợi cho vay tiêu dùng”, TS Nguyễn Minh Phong nhấn mạnh.

Các ngân hàng chạy đua lập công ty tài chính

Cùng với các công ty tài chính của nước ngoài thì những cái tên như HD Saison Finance (liên doanh của HDBank với đối tác Nhật), FE Credit (của VPBank), MSB FC (của MaritimeBank)… lần lượt ra đời đã và đang giải quyết nhu cầu vay vốn của những khách hàng không đáp ứng được các quy định khắt khe và rào cản pháp lý của các ngân hàng.

Tới đây, thị trường sẽ chào đón thêm thành viên mới là công ty tài chính của ngân hàng SHB (SHB Finance). Với vốn điều lệ 1.000 tỷ đồng, SHB Finance tập trung vào nhóm các khách hàng có thu nhập trung bình khá trở xuống, các khoản vay có giá trị nhỏ như cho vay mua xe máy, đồ điện tử, đồ gia dụng và khoản vay không có tài sản bảo đảm…

Liên quan đến việc vừa nhận sáp nhập VVF lại vừa lập công ty tài chính tiêu dùng, ông Nguyễn Văn Lê, Tổng giám đốc SHB cho biết, bằng bước đi này, SHB sẽ rút ngắn “đường đua” để nhanh chóng gia nhập và chiếm lĩnh thị trường tài chính tiêu dùng. VVF vốn được đánh giá là một trong những công ty tài chính khá “sạch”, tỷ lệ nợ xấu thấp và các khoản nợ đều có tài sản đảm bảo, các cổ đông sáng lập là Vinaconex và Viettel nên có nền tảng khá vững để SHB tận dụng được nguồn lực nhăm đẩy mạnh mảng tài chính tiêu dùng, sẽ là một trong những đối thủ nặng ký trên thị trường.

Không chỉ SHB, một loạt các ngân hàng khác cũng đã lên kế hoạch lập công ty tài chính với nguồn vốn từ 500 tỷ đến 1.000 tỷ đồng chẳng hạn như ACB hay MB…, trong đó MB đã nhận sáp nhập xong công ty tài chính Sông Đà và dự kiến đưa công ty tài chính của ngân hàng này hoạt động ngay trong năm nay.

Đẩy mạnh tín dụng tiêu dùng - “nhất cử - lưỡng tiện”

Theo các chuyên gia, với sự phát triển mạnh mẽ dịch vụ cho vay tiêu dùng của các công ty tài chính như hiện nay, đối tượng được hưởng lợi trực tiếp và nhiều nhất chính là người tiêu dùng.

Còn về mặt xã hội, vay tiêu dùng được xem là một giải pháp có ý nghĩa đối với nền kinh tế bởi nó góp phần kích cầu tiêu dùng, phát triển thị trường, đóng góp vào tăng trưởng kinh tế của đất nước.

Một yếu tố lợi ích khác nữa khi các công ty tài chính tiêu dùng ra đời, đó là sẽ giảm nhu cầu vay vào các dịch vụ tín dụng phi chính thức, từ đó góp phần hạn chế cho vay nặng lãi, đẩy lùi nạn “tín dụng đen” và giúp người dân được sử dụng các dịch vụ tài chính an toàn từ các tổ chức hợp pháp.

Việc thành lập một công ty tài chính tiêu dùng với hoạt động chuyên biệt cũng giúp các ngân hàng khắc phục rất nhiều hạn chế đối với việc cho vay tiêu dùng, bao gồm rào cản về pháp luật đối với lãi suất cho vay, nợ xấu, hạn chế về mạng lưới, kỹ năng nhân sự chuyên nghiệp đối với mảng cho vay tiêu dùng, hệ thống hạ tầng công nghệ…

Khách hàng sẽ được hưởng lợi khi được lựa chọn các sản phẩm, dịch vụ đa dạng, phù hợp với mọi nhu cầu vay vốn; tận hưởng dịch vụ thuận tiện với thủ tục nhanh gọn, mạng lưới phân phối rộng theo mô hình kinh doanh của các công ty tài chính tiêu dùng, chiếm ưu thế hơn hẳn so với hệ thống tiếp cận khách hàng truyền thống và tốn kém của các ngân hàng bá lẻ.

Với những ngân hàng lớn, đẩy mạnh tài chính tiêu dùng thông qua việc mua hay nhận sáp nhập các công ty tài chính có sẵn sẽ là bước đi mang tính chiến lược giúp nhanh chóng chiếm lĩnh thị trường. Chẳng hạn như trường hợp của HDBank, sau khi mua lại SGVF, ngân hàng đã bán 49% cổ phần cho đối tác Nhật, đổi tên thành HD Saison Finance và đang nắm thị phần đáng kể.

Theo đánh giá của giới chuyên gia thì việc chuyển nhượng như HDBank sẽ đem lại lợi ích tài chính luôn và ngay cho ngân hàng và các cổ đông. Vì thế chắc chắn sẽ có nhiều trường hợp tương tự diễn ra trong thời gian tới. Không loại trừ trường hợp SHB cũng sẽ tìm kiếm đối tác tương tự, như Tổng giám đốc ngân hàng này từng tiết lộ rằng, ngay khi SHB triển khai các bước nhận sáp nhập VVF đã có nhiều tổ chức tài chính nước ngoài liên hệ và ngỏ ý muốn tham gia góp vốn vào công ty tài chính tiêu dùng. Khi được hỏi liệu SHB có sẵn sàng bán cho đối tác hay không, ông trả lời rằng nếu có đối tác phù hợp thì sẽ hợp tác bởi khi ấy công ty sẽ tận dụng được kinh nghiệm triển khai, năng lực quản trị, hệ thống kênh phân phối của các tổ chức này để đảm bảo công ty tài chính có một vị thế, thị phần đáng kể trên thị trường và phát triển đúng chiến lược của SHB.

Nhưng hơn tất cả, nhìn vào trường hợp công ty tài chính FE Credit của VPBank ắt hẳn nhiều ngân hàng sẽ thèm khát có được công ty tài chính. Không chỉ chiếm lĩnh thị phần nhanh chóng mà công ty tài chính này còn đang đóng góp cho VPBank khoản lợi nhuận nhiều hơn lợi nhuận của cả ngân hàng đem lại, dù dư nợ cho vay chưa đến 30.000 tỷ đồng trong 9 tháng đầu năm nay.

T. Anh

Trí Thức Trẻ

Trở lên trên