MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Mark Cuban và bài học “khắc cốt ghi tâm” trên con đường sự nghiệp: Chỉ 1 câu nói thay đổi cả tầm nhìn

29-04-2021 - 14:10 PM | Sống

Mark Cuban và bài học “khắc cốt ghi tâm” trên con đường sự nghiệp: Chỉ 1 câu nói thay đổi cả tầm nhìn

22 tuổi, vừa bước chân ra khỏi cảnh cổng đại học, Mark Cuban đã phạm sai lầm và ngay sau đó phải kết thúc công việc. Sau 40 năm, ông thừa nhận rằng ở đó ông đã nhận được bài học vô giá.

Nhà đầu tư - tỷ phú Mark Cuban đã học được nhiều bài học quan trọng ở độ tuổi 20. Chính những bài học đó đã mang lại thành công của ông ngày hôm nay.

Khi được hỏi về bài học quan trọng trong cuộc đời là gì, Mark Cuban đã không ngần ngại trả lời đó là trở thành người biết lắng nghe. Cho đến nay, vị tỷ phú này vẫn nhấn mạnh tầm quan trọng của kỹ năng lắng nghe và khẳng định bản thân vẫn phải học hỏi mỗi ngày.

Ngay từ khi còn là một đứa trẻ, Cuban đã có sở trường kinh doanh. Năm 12 tuổi, ông bán túi rác để mua một đôi giày mình thích. Vài năm sau, ông kiếm tiền bằng cách bán tem và tiền xu. Sau khi chuyển từ Đại học Pittsburgh vào cuối năm thứ nhất, Cuban theo học Đại học Indiana vì đây là trường rẻ nhất trong top 10 trường kinh doanh. Ông tốt nghiệp năm 1981.

Công việc đầu tiên sau khi tốt nghiệp và "bài học đường đời đầu tiên"

Trong một lần trả lời phỏng vấn, Mark Cuban cho biết: "Tôi thích nói chuyện và tôi là một người thường xuyên làm mọi người bị gián đoạn. Người thân và bạn bè tôi đã nhiều lần phát cáu vì điều này".

Khi Cuban 22 tuổi, một cấp trên cũng nhận thấy bản tính "nói nhiều" của ông và khuyến khích ông nên lắng nghe nhiều hơn, đặc biệt là trong các cuộc họp làm việc. Vị tỷ phú thẳng thắn chia sẻ: "Tôi đã nhận được công việc này sau khi tốt nghiệp đại học. Nhưng họ không hài lòng về tôi cho lắm".

Nhưng cũng nhờ ở đó, Mark Cuban đã rút ra được bài học quan trọng. Người sếp trực tiếp làm việc với ông đã yêu cầu ông trước mỗi cuộc họp phải chuẩn bị một cuốn sổ. Trước khi bắt đầu cuộc họp, Cuban phải viết từ "Nghe" đầu tiên trong cuốn số ấy. Theo lời của người cấp trên đó, ông cần điều này bởi vì chưa biết lắng nghe.

Kể từ đó, thói quen này đã gắn bó với Mark Cuban cho đến bây giờ. Vị tỷ phú cho biết, trong suốt 40 năm qua, trong tất cả các cuộc họp ông đều viết vào sổ tay của mình dòng chữ "Điều đầu tiên: Hãy lắng nghe".

Mark Cuban và bài học “khắc cốt ghi tâm” trên con đường sự nghiệp: Chỉ 1 câu nói thay đổi cả tầm nhìn - Ảnh 1.

Khả năng lắng nghe đã giúp doanh nhân người Mỹ này tiếp thu được nhiều kiến thức. Ông từng khẳng định nó chính là chìa khóa thành công của mình .

Cuban trong một cuộc trò chuyện với Men’s Health vào năm 2020 đã nói: "Tôi nhận ra rằng học tập thực sự là một kỹ năng và nhờ học hỏi không ngừng, tôi mới có thể cạnh tranh và theo kịp và đi trước hầu hết mọi người".

Vì sao lắng nghe giúp chúng ta thành công?

Lắng nghe người khác và tôn trọng ý kiến ​​đóng góp là chìa khóa thành công trong công việc. Nếu không dành thời gian để nghe ý kiến của mọi người, chúng ta khó có thể hòa nhập vào môi trường làm việc nhóm và đánh mất cơ hội khám phá những ý tưởng mới mẻ.

Jack Zenger và Joseph Folkman đã viết một bài báo trên Harvard Business Review về phân tích của họ đối với 3.492 người "trong một chương trình phát triển được thiết kế để giúp các nhà quản lý trở thành những người dẫn đầu giỏi hơn". Họ đánh giá mức độ lắng nghe của những người quản lý và rút ra kết luận.

Trong mọi trường hợp, những người lắng nghe mang lại kết quả tốt hơn là những người còn lại. Họ phát hiện ra rằng "mọi người cho rằng những người lắng nghe tốt nhất là những người thường xuyên đưa ra những câu hỏi thúc đẩy sự khám phá và hiểu biết sâu sắc. Những câu hỏi này nhẹ nhàng thách thức các giả định cũ, nhưng nó đồng thời giúp xây dựng một kế hoạch chặt chẽ hơn".

Việc ngồi một chỗ và im lặng gật đầu không thể khẳng định rằng người đó đang lắng nghe, nhưng nếu họ đặt một câu hỏi hay cho người trình bày, điều đó chứng tỏ họ đã rất chăm chú và có thể đưa ra những ý tưởng tích cực.

Mark Cuban và bài học “khắc cốt ghi tâm” trên con đường sự nghiệp: Chỉ 1 câu nói thay đổi cả tầm nhìn - Ảnh 2.

Về cơ bản, trò chuyện là một cách để hai hoặc nhiều người chia sẻ thông tin. Nếu bạn là người duy nhất nói, bạn không thể tiếp thu bất cứ điều gì. Để tạo kết nối chặt chẽ hơn với mọi người, hãy dành thời gian để lắng nghe họ.

Paul Sacco, Tiến sĩ, trợ lý Giáo sư tại khoa Công tác Xã hội của Đại học Maryland đã chia sẻ về cách làm thế nào để lắng nghe hiệu quả hơn. Cách đơn giản nhất là đặt bản thân vào vị trí của họ.

"Hãy dành một chút thời gian để đặt mình vào vị trí của họ để hiểu họ đang nghĩ như thế nào và nên làm gì tiếp theo. Nhờ đó, bạn có thể tìm ra những ý tưởng mới và hai người có thể kết nối với nhau hiệu quả hơn".

Nguồn: CNBC, The Ladders

Thuỳ Anh

Nhịp sống kinh tế

Trở lên trên