MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Masan chia cổ tức, Warren Buffett cũng định chia cổ tức, triết lý “tôi quản lý tiền của bạn tốt hơn bạn” đã “hết thời”?

Apple dưới thời Steve Jobs hay Microsoft thời Bill Gate cũng không chia cổ tức, tương tự như nhà tiên tri xứ Omaha.

Đã là nhà đầu tư thì không ai không quan tâm đến cổ tức, bởi đây là một trong hai mục đích chính bên cạnh việc hưởng lợi từ chênh lệch giá. Việc chia cổ tức cũng được đánh giá là một trong những cách đơn giản nhất để doanh nghiệp truyền tải thông điệp về sự phát triển công ty đến những người chủ - những cổ đông. Điều này đồng thời cũng khẳng định thành quả thu về sau quá trình góp vốn, bởi đơn giản mỗi một cổ đông đều có quyền chính đáng được chia phần lợi nhuận từ hoạt động của công ty.

Tuy vậy, không phải doanh nghiệp nào cũng thích triết lý này. Trên thị trường còn có một triết lý khác: “tôi quản lý tiền của bạn tốt hơn bạn”, với ngụ ý rằng việc không chia cổ tức mời là quyết định đúng đắn.

Mặc dù trả cổ tức là một phần trong một triết lý đầu tư đã đưa đến thành công như ngày nay của nhà đầu tư huyền thoại Warren Buffett, nhưng khi nói đến chính công ty riêng của mình, chính bản thân Buffett lại không hề muốn trả cổ tức. Lập luận của nhà tiên tri xứ Omaha rất đơn giản, ông tin rằng mình có thể kiếm tiền nhiều hơn cho các cổ đông bằng cách đầu tư tiền của họ hơn là để họ tự dùng. Sở hữu lượng tiền mặt thừa thãi lên tới hàng chục tỷ USD và chưa có phương án sử dụng, nhưng Buffett vẫn kiên định với triết lý này trong một thời gian khá dài.

Triết lý “tôi quản lý tiền của bạn tốt hơn bạn” của Buffett cũng không phải điều hiếm thấy ở những doanh nghiệp dẫn đầu. Apple dưới thời Steve Jobs hay Microsoft thời Bill Gate, cũng từng thực hiện tương tự như nhà tiên tri xứ Omaha.

Thực tế, phải đến 18 năm sau ngày chào bán cổ phần lần đầu ra công chúng – năm 2003, Microsoft mới bắt đầu chia cổ tức lần đầu. Trước đó, cũng đã có thời điểm lượng tiền mặt của “gã khổng lồ” trong giới công nghệ này lên đến hơn 40 tỷ USD nhưng Microsoft vẫn quyết định giữ lại, thay vì chia cho cổ đông.

Tất nhiên, triết lý của nhà đầu tư huyền thoại Warren Buffett cũng không phải không có căn cứ, khi mà kể từ năm 1965 đến nay, cổ phiếu của Berkshire Hathaway đem lại lợi nhuận hàng năm là gần 21%, gấp đôi mức tăng trưởng của chỉ số S&P 500.

Đối với doanh nghiệp, lợi ích của triết lý này là điều không cần bàn tới khi toàn bộ phần lợi nhuận sau khi trừ đi các nghĩa vụ tài chính sẽ được giữ lại tái đầu tư, nguồn tiền mới sẽ giúp đảm bảo sự cân bằng tài chính và mở rộng quy mô. Tuy nhiên, với nhà đầu tư, triết lý này chỉ khẳng định tính đúng đắn khi lợi ích mà họ thu về từ việc không chia cổ tức cao hơn chia cổ tức, hay nói cách khác giá cổ phiếu tăng cao hơn mức tăng chung của thị trường và lợi ích từ chênh lệch giá sau quá trình đầu tư cao hơn so với tổng lợi ích thu về nếu chia cổ tức.

Nói như vậy không có có nghĩa là bản thân triết lý “Tôi quản lý tiền của bạn tốt hơn bạn” đồng nghĩa là không chia cổ tức hoàn toàn. Nó chỉ áp dụng như vậy khi những người đứng đầu doanh nghiệp nhận thấy rằng có cơ hội để số tiền đáng ra chia cổ tức cho cổ đông mang về lợi ích cao hơn.

Ở Việt Nam, Masan có lẽ là cái tên tiêu biểu tiêu biểu cho chính sách này. Nhiều năm liền, không chỉ Masan mà hệ sinh thái những doanh nghiệp thuộc sở hữu của tập đoàn này cũng quyết định không chia cổ tức để giữ lại tái đầu tư hoặc chờ đợi cơ hội tốt hơn.

Không rõ tương lai doanh nghiệp này có trở thành một Berkshire Hathaway phiên bản Việt hay không, nhưng chắc chắn triết lý này của Masan không dành cho những nhà đầu tư ngắn hạn. Bởi gần chục năm kể từ khi lên sàn với triết lý đầu tư này, cổ phiếu của Masan sau điều chỉnh chỉ tăng chưa tới 50%, tương đương với tỷ lệ lợi ích thu về của cổ đông thấp hơn nhiều so với những doanh nghiệp có quy mô tương đương nhưng chi trả cổ tức đều đặn.

Gần đây, những doanh nghiệp lớn sau một thời gian dài không chia cổ tức đã quyết định chia. Ví dụ, đầu năm 2017, Masan chia cổ tức bằng tiền mặt với tỷ lệ 30% và thưởng cổ phiếu tỷ lệ 2:1.

Trong cuộc họp vừa diễn ra mới đây, nhà đầu tư 86 tuổi huyền thoại Warren Buffett cũng cho biết đang cân nhắc về việc trả cổ tức, trong bối cảnh sắp rời Berkshire, điều mà từ cách đây vài năm ông vẫn phản đối.

Thế nhưng quyết định này lại khiến nhiều cổ đông tỏ ra nghi ngại. Không ít nhà đầu tư đã đặt ra câu hỏi: Liệu có phải doanh nghiệp không còn tìm thấy cơ hội đầu tư tốt nên mới chia cổ tức cho cổ đông? Bản thân Buffet, trước hội trường 40.000 người ở CenturyLink, ông cũng thừa nhận những khó khăn trong việc quản lý hơn 90 tỷ USD tiền mặt vào thời điểm khó để tìm ra cơ hội đầu tư giá trị ở một mức giá phù hợp.

Minh Tâm

Trí Thức Trẻ

Trở lên trên