MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Mất 1 tuần tu tập tại làng Mai của thiền sư Thích Nhất Hạnh, tôi mới ngộ ra chân lý: Hạnh phúc chỉ đến khi biến chánh niệm thành lối sống 24/7

30-11-2019 - 23:38 PM | Sống

Chánh niệm không phải là công cụ giúp bạn tập trung hơn. Trên hết, nó là lối sống để bạn tìm thấy bình yên trong chính tâm hồn mình.

Vào sáng ngày 28/11, thiền sư Thích Nhất Hạnh đã rời chùa Từ Hiếu để sang làng Mai (Thái Lan) để tĩnh dưỡng một thời gian. Đây cũng là nơi ông đã ghé thăm, giảng dạy và nghỉ ngơi vào năm 2013 và 2016.

Làng Mai là một trong những hệ thống tu viện nổi tiếng thế giới - nơi để thiền sư Thích Nhất Hạnh và các đồ đệ tu hành. Ngoài ra, người bình thường cũng có thể tới đây và thực hành chánh niệm, thoát khỏi cuộc sống xô bồ và nạp lại năng lượng cho bản thân. Làng Mai có mặt ở nhiều nước, bao gồm Pháp, Đức, Mỹ, Australia và Thái Lan.

Bà Kerstin Pilz - tiến sĩ ngành Văn học Ý, kiêm giáo viên yoga người Đức- đã có cơ hội trải nghiệm 1 tuần tu tập tại cơ sở làng Mai Thái Lan. Trong khoảng thời gian đó, bà đã hiểu được thêm nhiều điều quý giá về thiền định và bản thân mình.

Dưới đây là bản lược dịch bài chia sẻ của bà Pilz về chuyến đi này.

***

Công việc bận rộn đã biến tôi trở thành một con quái thú cần được thuần hóa. 20 phút tập thiền mỗi sáng đã không còn giúp được gì nhiều cho tôi. Nó trở nên quá dễ dàng, chẳng khác nào những nhiệm vụ khác mà tôi cần hoàn thành.

Tôi quyết định bay sang Thái Lan và đi tìm làng Mai. Một tuần tu tập theo lối sống khổ hạnh chính là điều tôi cần lúc này để dung hòa chánh niệm vào trong cuộc sống.

Cách Bangkok khoảng 3 tiếng đi xe, làng Mai Thái Lan là ngôi nhà của hơn 180 tu sĩ - hầu hết đều là người Việt Nam. Tại đây, thiền sư Thích Nhất Hạnh được các đồ đệ tôn kính gọi là Thầy.

Mất 1 tuần tu tập tại làng Mai của thiền sư Thích Nhất Hạnh, tôi mới ngộ ra chân lý: Hạnh phúc chỉ đến khi biến chánh niệm thành lối sống 24/7 - Ảnh 1.

Chánh niệm không phải là công cụ, mà là lối sống

Tôi vẫn luôn nghĩ chánh niệm là một công cụ giúp chúng ta tập trung hơn trong thế giới mệt mỏi này. Thế nhưng, ngày thứ hai sống tại làng Mai đã khiến tôi suy nghĩ lại.

Một nhà sư trẻ có pháp danh là Phap Huu bảo tôi: Chánh niệm có thể là xu hướng ở thời điểm hiện tại, nhưng nó không đơn giản chỉ là một công cụ, mà còn là một lối sống. Nó đòi hỏi bạn phải thực hành 24/7. Đây cũng chính là thông điệp mà tôi muốn nghe khi tìm tới đây.

Theo Phap Huu, thầy Thích Nhất Hạnh từng thực hành hơi thở chánh niệm khi đang nằm điều trị tích cực tại một bệnh viện ở Bordeaux sau khi bị tai biến mạch máu não. Các bác sĩ ở đây đã kinh ngạc khi thấy vị thiền sư này tập thiền ngay cả trong cơn hôn mê.

Thậm chí, có bác sĩ vì quá căng thẳng mà tìm đến Thầy. Ông ấy chỉ lặng lẽ đứng trong phòng, đắm mình vào không gian yên bình và năng lượng bình tĩnh tỏa ra từ sự hiện diện của Thầy.

Mất 1 tuần tu tập tại làng Mai của thiền sư Thích Nhất Hạnh, tôi mới ngộ ra chân lý: Hạnh phúc chỉ đến khi biến chánh niệm thành lối sống 24/7 - Ảnh 2.

Kerstin Pilz và các thiền sư tại làng Mai Thái Lan.

Sức mạnh diệu kỳ của tiếng chuông chánh niệm

Một trong những cách dễ dàng và hiệu quả nhất để thực hành chánh niệm là ngừng mọi việc đang làm trong 15 phút, lắng nghe tiếng chuông và hít thở sâu 3 lần.

Ban đầu, tôi có chút bối rối khi thấy mọi người xung quanh đột ngột dừng lại, như thể đang tham gia một buổi kịch câm. Tiếng chuông vang lên từng nhịp đều đặn, giống như tiếng chuông đồng hồ của bà tôi ở nhà.

Tiếng chuông chánh niệm là một phương pháp hay để rèn tâm trí tập trung vào khoảnh khắc hiện tại. Cứ mỗi 15 phút, tất cả mọi thứ trong cuộc sống bận rộn này sẽ dừng lại. Đây là cách để giải tỏa căng thẳng cho cơ thể và tinh thần mỗi người.

Mái nhà thực sự nằm trong chính khoảnh khắc hiện tại

Một trong những thông điệp quan trọng của thiền sư Thích Nhất Hạnh là: "Tôi đã tới, tôi đã về nhà. Đích đến nằm trong mỗi bước tôi đi".

Để ai cũng có thể nhìn thấy, câu nói trên được viết theo kiểu thư pháp trên một tảng đá trang trí lớn, đặt giữa khu ký túc xá nữ và phòng thiền. Chưa ngày nào tôi đi qua mà không dừng lại và tận hưởng sự bình yên mà thông điệp đơn giản này mang lại.

Kiểu sống "tự do bay nhảy" mà tôi lựa chọn hóa ra là "độc dược" đối với năng suất làm việc của tôi. Tôi yêu công việc của mình; tôi cũng thích đi du lịch đó đây. Tuy nhiên, để làm được cả hai điều đó mà vẫn giữ được sự ổn định là một trong những thách thức lớn nhất mà tôi phải đối mặt gần đây.

Bằng cách ghi nhớ rằng mái nhà thật sự của tôi chính là khoảnh khắc hiện tại - không phải quá khứ, không phải tương lai, tôi cảm thấy tập trung và thư giãn hơn.

Mất 1 tuần tu tập tại làng Mai của thiền sư Thích Nhất Hạnh, tôi mới ngộ ra chân lý: Hạnh phúc chỉ đến khi biến chánh niệm thành lối sống 24/7 - Ảnh 3.

Thông điệp được viết trên đá tại làng Mai.

Chủ động lắng nghe để tìm kiếm hạnh phúc

Một trong những cách để đưa chánh niệm vào từng khía cạnh của cuộc sống là thực hành lắng nghe.

Khi chủ động lắng nghe bản thân, chúng ta sẽ tạo dựng được mối quan hệ với con người thực sự của mình. Thiền sư Thích Nhất Hạnh nói rằng, lắng nghe những khổ đau trong nội tâm chính là cách nhanh nhất để chữa lành vết thương. Muốn hạnh phúc, chúng ta phải đi tìm hạnh phúc trong chính mình, không phải từ người khác. Chúng ta làm điều đó bằng cách rèn lòng trắc ẩn, học cách tập trung vào hiện tại và lắng nghe những sầu muộn của bản thân.

Thầy cũng nói rằng, bằng cách lắng nghe và đồng cảm với người khác, chúng ta sẽ giúp họ hóa giải nỗi đau. Việc này không hề dễ dàng, bởi chúng ta phải lắng nghe người khác mà không đánh giá, phản ứng, chỉ trích hay phân tích. Ta chỉ đơn giản là chấp nhận và thể hiện lòng trắc ẩn của mình, kể cả khi lòng họ đầy cay đắng và hiểu nhầm.

Mất 1 tuần tu tập tại làng Mai của thiền sư Thích Nhất Hạnh, tôi mới ngộ ra chân lý: Hạnh phúc chỉ đến khi biến chánh niệm thành lối sống 24/7 - Ảnh 4.

Thiền định không phải là việc nhà

Sau một tuần sống tại tu viện này, tôi nhận ra thiền định là thứ mà chúng ta cần luyện tập hàng ngày. Khi rửa bát, hãy tập trung vào mỗi việc rửa bát. Khi ăn, hãy tập trung vào mỗi việc nuốt thức ăn, trân trọng quá trình làm ra những món ăn đó, nâng niu món quà mà Mẹ thiên nhiên đã ban tặng hàng ngày. Khi đi lại, chúng ta cẩn thận và chậm rãi, bước đi không chút vội vã.

Mỗi buổi sáng tại làng Mai đều bắt đầu bằng thiền hành. Sau đó, chúng tôi sẽ nghe pháp thoại và cùng nhau trao đổi về những vấn đề thực tiễn, cũng như tìm ra các giải pháp cho chúng. Tôi đã được nghe rất nhiều câu chuyện cảm động: xung đột giữa các thế hệ, gia đình tan vỡ vì rượu bia và bạo lực, người trẻ kiệt sức vì công việc căng thẳng,...

Tất cả mọi người đến đây để đi tìm ý nghĩa cuộc sống và bình yên nội tâm. Có những giọt nước mắt đã rơi, những mối quan hệ được bồi đắp, những hiểu biết mới được hình thành. Ai cũng lấy lại cho mình cảm giác bình yên và niềm tin chữa lành bản thân thông qua những phương pháp đơn giản.

Tôi cảm thấy biết ơn vì đã học được nhiều điều từ các vị thiền sư, những người chọn lối sống chánh niệm 24/7 đầy thách thức này.

Tham khảo Write Your Journey

Ngọc Hà

Trí Thức Trẻ

Trở lên trên