MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Mất năng lực cạnh tranh vì thuế, phí cao

Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Lê Mạnh Hà cho biết doanh nghiệp có quyền từ chối tiếp các đoàn thanh tra nếu đã bị thanh tra

Văn phòng Chính phủ ngày 27-5 đã họp báo trực tuyến về Nghị quyết 35/NQ-CP hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp (DN) đến năm 2016. Đây là năm thứ ba liên tiếp, Chính phủ có nghị quyết về tháo gỡ khó khăn cho DN. Tuy nhiên, khác với những năm trước, đây là lần đầu tiên nghị quyết đặt ra những tiêu chí rất cụ thể, chi tiết và giao nhiệm vụ cho từng đơn vị liên quan giám sát thực hiện.

Phí BOT: Báo cáo 1 tỉ, thực thu 31 tỉ đồng?

Một trong 5 nhiệm vụ, giải pháp mà Nghị quyết 35/NQ-CP giao rất cụ thể cho các bộ, ngành, địa phương là giảm chi phí kinh doanh.

Bà Phạm Thị Thu Hằng, Tổng Thư ký Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), cho biết kết quả khảo sát cho thấy DN phải chịu gánh nặng vì nhiều chi phí chính thức và không chính thức. Với chi phí không chính thức, DN thường xuyên phải trả nhưng chưa lượng hóa được. Trong khi đó, chi phí chính thức như thuế, phí, các loại bảo hiểm… chiếm gần 40% lợi nhuận của DN, là gánh nặng rất cao so với thế giới.

Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Đặng Huy Đông lo ngại: “Thuế, phí cao như thế sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến năng lực cạnh tranh của DN. Năng lực cạnh tranh của một quốc gia phần lớn là ở năng lực cạnh tranh của DN. Trong bối cảnh Việt Nam hội nhập sâu rộng như hiện nay, DN mất lợi thế cạnh tranh ngay từ tác động của thuế, phí”.

Thực trạng thanh tra nhiều dự án BOT (xây dựng - kinh doanh - chuyển giao) về giao thông cho thấy có hiện tượng ghi khống vốn hàng trăm tỉ đồng là nguyên nhân khiến xã hội phải chịu gánh nặng phí đường bộ cũng được đặt ra tại cuộc họp báo. Ông Lê Mạnh Hà, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ, cho biết có nghe dư luận phản ánh tình trạng một tuyến đường BOT báo cáo thu phí 1 tỉ đồng/ngày nhưng con số thực thu là 3 - 4 tỉ đồng.


Cần làm rõ mọi yếu tố dẫn đến mức phí áp dụng trên các tuyến BOT. Trong ảnh: Một trạm thu phí giao thông ở phía Nam. Ảnh: Tấn Thạnh

Cần làm rõ mọi yếu tố dẫn đến mức phí áp dụng trên các tuyến BOT. Trong ảnh: Một trạm thu phí giao thông ở phía Nam. Ảnh: Tấn Thạnh

“Mức chênh quá khủng khiếp! Tới đây, chúng tôi sẽ cùng Bộ Giao thông Vận tải rà soát để sao cho có được số liệu này sớm nhất. Phí BOT phải tính đúng, tính đủ, mặc dù không đơn giản” - ông Hà khẳng định.

Theo Thứ trưởng Đặng Huy Đông, tất cả yếu tố cấu thành chi phí mà xã hội, người dân phải gánh thì xã hội có quyền yêu cầu làm rõ, không thể trả lời chung chung rằng “không thu được như thế thì không có người đầu tư làm đường”. Cần làm rõ mọi yếu tố dẫn đến mức phí áp dụng trên các tuyến BOT vì phí giao thông ảnh hưởng đến từng cân thịt, từng cân gạo mà mỗi gia đình sử dụng hằng ngày, từng mớ rau vận chuyển từ nông thôn ra thành thị. “Giá 1 kg củ đậu ở quê tôi chỉ 5.000 đồng nhưng đưa ra Hà Nội cách 120 km giá bán là 50.000 đồng, rất vô lý” - ông Đông ví dụ.

Thanh tra, kiểm tra quá đà

Nghị quyết 35 cũng đặt vấn đề rất rõ là mỗi năm, các cơ quan chức năng không được thanh tra, kiểm tra DN quá 1 lần.

Thứ trưởng Đặng Huy Đông cho biết cùng với nội dung không hình sự hóa quan hệ kinh tế thì đây là nội dung được ban soạn thảo bàn bạc rất kỹ để đưa vào nghị quyết. Kết quả khảo sát ý kiến của DN do VCCI tập hợp trình lên Thủ tướng Chính phủ cho thấy có hiện tượng lạm dụng quyền để hành DN. DN phải chịu quá nhiều cuộc thanh tra, kiểm tra. Quy định nêu trên nhằm tiến tới thông lệ quốc tế là phải thanh tra, kiểm tra liên ngành và các đoàn sau phải kế thừa kết quả của đoàn trước.

Trả lời câu hỏi của phóng viên Báo Người Lao Động về việc nếu DN vẫn bị thanh tra, kiểm tra vượt quá 1 lần, các bên liên quan có quyền và trách nhiệm gì, ông Lê Mạnh Hà cho biết pháp luật chỉ quy định số lần thanh tra nhưng không quy định cụ thể về số cuộc kiểm tra trong năm. Do đó, DN có quyền từ chối tiếp các đoàn thanh tra nếu đã bị thanh tra.

Với yêu cầu kiểm tra, DN có quyền khiếu nại hoặc phản ánh đến Thủ tướng Chính phủ để Thủ tướng chỉ đạo tháo gỡ. Việc kiểm tra chủ yếu là ở chính quyền địa phương. Để thực hiện nghị quyết, các địa phương sẽ ký cam kết với VCCI tuân thủ quy định này. VCCI tập hợp các phản ánh của DN để báo cáo Chính phủ tiến độ thực hiện nghị quyết.

Ông Hà cũng cho biết từng nghe DN phản ánh tuần nào cũng phải tiếp các đoàn kiểm tra, cả chính thức và không chính thức. Trước đó, Báo cáo Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh năm 2015 do VCCI công bố cho thấy mỗi năm, DN tiếp trung bình 1-2 cuộc thanh tra, kiểm tra, DN lớn là 3 cuộc với nội dung trùng lắp giữa các đoàn. Chỉ tính riêng thanh tra, kiểm tra thuế, trung bình mỗi cuộc kéo dài 3 giờ nhưng với DN lớn là 40 giờ. Cá biệt, một lãnh đạo DN ở Quảng Trị từng phản ánh phải tiếp 45 đoàn thanh, kiểm tra trong một năm!

Dịp Tết, siêu thị tiếp 8 đoàn kiểm tra

Ông Vũ Vinh Phú, Chủ tịch Hiệp hội Siêu thị Hà Nội, cho biết trong dịp Tết Nguyên đán vừa qua, có siêu thị ở Hà Nội phải tiếp 8 đoàn kiểm tra của QLTT, y tế, nông nghiệp… “Hàng lên kệ siêu thị rồi thì không nhất thiết phải kiểm tra nhiều thế. Cái cần là phải có biện pháp phòng ngừa, làm sao để các DN không vi phạm. Nếu chỉ chờ kiểm tra mới phát hiện vi phạm thì đã có hậu quả rồi” - ông Phú băn khoăn. Trước thông tin mỗi năm DN chỉ phải tiếp 1 đoàn thanh tra, kiểm tra, ông Phú cho rằng đây là điều đáng mừng nhưng cũng phải quy định chặt chẽ vì nếu muốn “hành” DN thì chỉ cần kiểm tra 1 lần/năm cũng đủ mệt mỏi!

Theo Tô Hà

Người lao động

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên