MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Mặt trái của California – bang có nền kinh tế lớn thứ 5 thế giới

09-05-2018 - 21:17 PM | Tài chính quốc tế

Nếu California được coi như một nước độc lập, kinh tế California sẽ đứng thứ 5 trên thế giới, quy mô kinh tế California giờ còn lớn hơn cả kinh tế Anh.

Hai năm trước, khi cơ quan quản lý giao thông nói rằng sẽ không còn những giờ kẹt xe trên khu vực vịnh San Francisco nữa, thực ra đó không phải tin tốt.

“Lần đầu tiên trong lịch sử, giờ cao điểm buổi sáng và giờ cao điểm buổi tối giờ đã giống nhau. Đường cao tốc tắc nghẽn từ sáng sớm cho đến đêm khuya, từ 5h rưỡi sáng cho đến tận gần 8h tối”, Ủy ban giao thông đô thị tuyên bố.

Từ đó đến nay, mọi chuyện còn tồi tệ hơn.

Kinh tế California đã tăng trưởng lên quy mô ấn tượng, thế nhưng không có nghĩa kinh tế California không phải chịu nhiều tác động tiêu cực. Giao thông tê liệt là dấu hiệu điển hình; giá nhà tăng quá cao cũng là dấu hiệu khác.

Một người đến từ vùng Trung Tây của nước Mỹ đã đưa ra một công thức để tính nhanh được giá nhà khu vực vịnh San Francisco: Lấy giá của một căn nhà tương tự bang Minnesota và sau đó cộng thêm 1 triệu USD.

Cứ vài tuần, truyền thông California lại đưa tin về một căn nhà ở một khu bình thường có giá bán lên đến cả triệu USD chỉ để sau đó người chủ mới lại phá bỏ nó. Việc nhà bị bán giá cao trở nên bình thường đến nỗi giờ người ta không còn cảm thấy bị sốc nữa.

Trong tuần trước, kinh tế California ghi nhận một dấu mốc mới, đó là kết quả trực tiếp từ chính sách của chính quyền bang. Nếu California được coi như một nước độc lập, kinh tế California sẽ đứng thứ 5 trên thế giới, quy mô kinh tế California giờ còn lớn hơn cả kinh tế Anh. Trước đây, California từng vươn lên được vị thế này, thế nhưng trong thời kỳ khủng hoảng kinh tế gần đây, quy mô kinh tế California đã sụt giảm.

California có quy định chặt chẽ về bảo vệ môi trường, một hệ thống thuế lũy tiến cũng như mức lương tối thiểu luôn được điều chỉnh tăng. Hiện nay, mức lương tối thiểu tại California là 10,50 USD/giờ và dự kiến đến năm 2023 sẽ tăng lên mức 15 USD/giờ.

Chính quyền bang chào đón người nhập cư, tôn trọng đa dạng sắc tộc và ngôn ngữ cũng như rất cố gắng để giảm thiểu tác động từ biến đổi khí hậu. Với tất cả những chính sách trên, California tiếp tục tăng trưởng cao.

“Chúng tôi đã tăng thuế thu nhập và áp dụng chính sách bắt đóng phí cao để giảm thiểu khí thải nhà kính. Không một yếu tố nào có thể khiến cho sức hấp dẫn về tài năng, sự đổi mới và hoạt động doanh nghiệp của bang giảm bớt”, Giám đốc trung tâm nghiên cứu về kinh tế California, ông Stenphen Levy, nhận xét.

Thành công về kinh tế của California cho thấy sự táo bạo của chính quyền bang và thách thức Tổng thống Donald Trump.

Tất nhiên, California không phải bang duy nhất có nền kinh tế tăng trưởng tốt. Cục phân tích kinh tế liên bang trong tuần trước đã công bố một bản đồ cho thấy sự chênh lệch về phát triển kinh tế trong nội địa Mỹ.

Trong năm 2017, kinh tế của bang Kansas và Lousiana suy giảm nhẹ trong khi kinh tế của những bang phía Tây tăng trưởng tốt: Kinh tế bang Nevada tăng trưởng 3,5%; kinh tế Washington tăng trưởng 4,4% còn kinh tế bang Arizona tăng trưởng 3,2%.

Tuy vậy, so với kinh tế những bang xung quanh California với tốc độ tăng trưởng kinh tế 3% trong năm vừa qua, vẫn nổi bật với sự đa dạng và quy mô của nền kinh tế.

Thung lũng công nghệ Silicon Valley đóng góp quan trọng vào thành công kinh tế của California. Chỉ riêng doanh thu của Apple trong năm tài khóa vừa qua lên đến 229 tỷ USD đã cao hơn 5 lần so với tổng sản lượng kinh tế của bang Wyoming.

Tất cả những dòng tiền đầu tư vào ngành công nghệ và giải trí của bang California đã tạo ra hiệu ứng tài sản lớn, người lao động bang, kể cả những người làm trực tiếp trong ngành cũng như các ngành liên quan, có thể thoải mái chi tiêu.

Tháng trước, Facebook công bố thu nhập trung bình của người làm tại Facebook là 240.430 USD/năm. Thế nhưng không chỉ riêng lương doanh nghiệp cao, trưởng nhóm cứu hỏa tại San Ramon cũng có tổng lương thưởng lên đến 516.344 USD. Ngoài ra, hơn 200 nhân viên sĩ quan cảnh sát trong bang cũng có tổng thu nhập hơn 300 nghìn USD/người/năm.

Cũng giống như nhiều bang khác, California cũng có nhiều mối lo về việc bang sẽ phải thực hiện những trách nhiệm về hưu trí. Bang California giờ đang rất giàu có.

Khi thống đốc Jerry Brown trở lại nhiệm sở năm 2011, ông đối đầu với thâm hụt ngân sách 27 tỷ USD. Giờ đây, sau 8 năm tăng trưởng kinh tế, California có thặng dư ngân sách 6 tỷ USD, nguồn thu thuế cao hơn kỳ vọng.

Thế nhưng sẽ thật khó nếu bỏ qua những vấn đề mà California đang phải đối mặt: giao thông, giá bất động sản, tình trạng vô gia cư.

Năm 2017, số lượng người vô gia cư tại bang California tăng nhanh nhất so với tất cả các bang tại Mỹ, mức tăng trưởng lên đến 14%. Tỷ lệ không có nhà cũng cao nhất; trong khoảng 134.000 người không có nhà thì đến 68% trong số này phải ngủ ngoài đường.

Theo Trung Mến

BizLIVE

Trở lên trên