MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Mặt trái cuộc sống của các "cậu ấm cô chiêu": Sống như một con rối, dễ thất bại dưới ánh hào quang của cha mẹ

31-10-2019 - 09:49 AM | Sống

Thế hệ thứ hai của các gia đình giàu có hay còn gọi là các “phú đại nhị” trong ấn tượng của bạn là gì?

Cầm tiền của ba mẹ mở đại một công ty rồi nằm đó và chờ tiền rơi vào tay? Quẹt thẻ mỏi tay mà không bao giờ phải lo đến chuyện hết tiền?

Sau khi đọc cuốn sách "Những đứa trẻ giàu có", tôi phát hiện ra rằng không phải như vậy.

Mặc dù được lớn lên trong môi trường vô cùng tốt, nhưng trên con đường "thành công", họ cũng lo lắng và sợ thua cuộc hơn những người bình thường rất nhiều.

Đứng trên vai những "người khổng lồ", rất khó để sống là chính mình.

Mặt trái cuộc sống của các cậu ấm cô chiêu: Sống như một con rối, dễ thất bại dưới ánh hào quang của cha mẹ - Ảnh 1.

01

Sinh trong vinh quanh của cha, nhưng cũng bại dưới ánh hào quang của cha

T. là thế hệ thứ hai trong một gia đình giàu có về lĩnh vực bất động sản, là người thừa kế của gia tộc, công việc và cuộc sống của cậu đã được "sắp xếp" xong xuôi cho tới năm 45 tuổi.

Nhưng, cậu không thể tự kiểm soát được cuộc sống của mình.

Mẹ kiên quyết phản đối cậu và người bạn gái hiện tại, nếu cứ quyết làm theo ý mình, cậu sẽ bị gạch tên ra khỏi dòng tộc.

Cha thì thường không hài lòng về biểu hiện của cậu trong công việc, thường nói với cậu rằng:

"Con làm ăn cái kiểu này, ba làm gì còn mặt mũi mà gặp người khác nữa?"

"Thể diện của ta đều bị con làm mất hết rồi, mau cưới vợ sinh con đi, có khi cháu nó còn khiến ta nở mày nở mặt hơn."

T., người không còn đủ sức mạnh để đối kháng lại với gia tộc của mình, đã đến Dubai rồi đồng cỏ châu Phi, ngày đêm uống rượu để "quên hết sự đời".

So với T., B. có vẻ "thành công" hơn. Chưa tới 30 tuổi, B. đã tự mình điều hành 3 dự án bất động sản có giá trị hàng chục tỷ đồng.

Ngay cả như vậy thì người cha từ nhỏ đã rất ít khi ở bên cậu cũng rất ít khi công nhận B., lời khen lớn nhất mà cha dành cho cậu đó chính là "không tồi".

Có một lần cũng cha mẹ đến bờ Tây Hoa Kỳ để đánh golf, bởi cậu từng đi du học ở Mỹ nên cha mẹ cho rằng cậu sẽ sắp xếp rất tốt chuyến đi lần này.

Nhưng, B. lại "làm hỏng", vậy là cậu liên tục bị ba mắng "vô dụng", "ngốc thế không biết".

Dù nỗ lực ra sao cũng không nhận được sự công nhận, B. quyết định buông xuôi, mỗi ngày không ngủ thì cũng đi ăn chơi trác táng với bạn bè.

T. và B., hai quỹ đạo cuộc sống khác nhau nhưng đều ở chung trong một hoàn cảnh:

Họ sinh ra trong ánh hào quang của cha mẹ, kì vọng của mọi người với họ cũng đều cao hơn người bình thường rất nhiều.

Họ nỗ lực để có được sự khẳng định, nhưng dù có cố gắng bao nhiêu thì dường như họ cả đời này cũng không thể vượt qua được cái bóng của cha mình, cuối cùng, họ lựa chọn buông xuôi.

Giống như tác giả của cuốn "Những đứa trẻ giàu có" viết:

"Bản thân sa ngã là một kiểu trả thù cho sự phẫn nộ tột độ, phẫn nộ sự bất tài của bản thân, phẫn nộ giá trị bản thân thì ra lại nhỏ bé tới như vậy."

Mặt trái cuộc sống của các cậu ấm cô chiêu: Sống như một con rối, dễ thất bại dưới ánh hào quang của cha mẹ - Ảnh 2.

02

"Tôi không muốn làm con rối của cha mẹ"

So với người bình thường, T. và B. dường như dễ dàng thành công hơn, nhưng họ lại lựa chọn thất bại và bình thường.

Tại sao lại như vậy?

Nhà tâm lý học Steven Berglas, trong cuốn "Reclaiming the Fire ", gọi cảm giác chán nản với thành công của họ là "chứng kiệt sức" vì một vài nguyên nhân sau đây:

1. Kì vọng quá lớn

William James, cha đẻ của tâm lý học Mỹ, đã từng nói "lòng tự trọng = thành công / dự đoán".

Nói cách khác, nếu bạn muốn cải thiện sự hài lòng với bản thân, bạn cần hạ thấp kỳ vọng về biểu hiện của bản thân.

Nhưng thật không may, hầu hết mọi người, đặc biệt là đối với những người thành công, rất khó có thể hạ thấp kỳ vọng của mình đối với chính bản thân.

Bởi lẽ nhận thức về chính bản thân được hình thành thông qua cả thái độ của chúng ta đối với bản thân và cả sự đánh giá của xã hội.

Xã hội và gia đình mong đợi cao hơn ở những người đã thành công. Vì vậy, ngay cả khi bạn tự muốn hạ thấp các yêu cầu thì những đánh giá bên ngoài cũng không cho phép bạn làm vậy.

Chẳng hạn, đối với một người bình thường dưới 30 tuổi có thể tự mình điều hành một vài dự án trị giá vài trăm triệu thôi cũng đã là giỏi rồi. Tuy nhiên, đối với B., người được sinh ra đã ngậm thìa vàng mà nói, thế giới bên ngoài có những kỳ vọng cao hơn đối với cậu, vì vậy ngay cả khi đã thành công, cậu vẫn sẽ không hài lòng với biểu hiện của mình.

Bởi lẽ cậu vẫn cần đến những hạng mục tiếp theo thành công hơn để chứng tỏ bản thân.

Vậy là, thành công đối với cậu đã trở thành một cái hố không đáy để đáp ứng sự mong đợi của người khác.

2. Mục tiêu mang tính mệnh lệnh

Cả T. và B., cuộc sống của họ đã được lên kế hoạch kể từ ngày họ được sinh ra - kế thừa công việc kinh doanh của gia đình.

Người ngoài nhìn vào có lẽ sẽ thấy ghen tị, nhưng người trong cuộc lại chỉ cảm thấy nỗi đau của một con rối.

Nghiên cứu tâm lý học đã phát hiện ra rằng nội tâm của chúng ta luôn không thích bị bó buộc, mất tự do, chúng ta có xu hướng kháng cự lại những việc mà người khác muốn ta làm, dù việc đó có khiến chúng ta thành công đi chăng nữa.

Như Steven Berglas nói: "Sự tự do mà chúng ta cần không phải là chơi đùa vô tư như một đứa trẻ, mà là tự do trải nghiệm và theo đuổi những thứ mà mình mong muốn."

Mặt trái cuộc sống của các cậu ấm cô chiêu: Sống như một con rối, dễ thất bại dưới ánh hào quang của cha mẹ - Ảnh 3.

Có lẽ câu chuyện về thế hệ thứ hai giàu có được thừa hưởng tài sản hàng trăm tỷ đồng rất xa vời với chúng ta. Nhưng những đứa trẻ bình thường chúng ta có lẽ cũng giống như họ ở điểm là chúng ta cũng "bị" sắp xếp và "bị" đặt lên vai những kỳ vọng cao vời vợi.

Vì vậy, khi nhận ra rằng khát vọng thành công cũng có thể trở thành một cuộc khủng hoảng tâm lý, hãy chú ý nhiều hơn đến nó. Dẫu sao thì so với những gia đình giàu có, những đứa trẻ sinh ra trong gia đình bình thường cũng có ít đường lui hơn!

Theo Regina

Trí thức trẻ

Trở lên trên