MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Mẹ Việt cho con 13 tuổi nghỉ học đi làm để vượt qua cám dỗ: Làm cha mẹ, hãy dạy con có trách nhiệm với cuộc sống dựa trên sự yêu thương, tôn trọng

22-01-2020 - 10:19 AM | Sống

13 tuổi, lớp 7, sau một thời gian dài Bo không thể vượt qua chính bản thân mình để tránh khỏi cám dỗ, Bo chơi điện tử nhiều hơn và bê trễ việc học. Mọi biện pháp của mẹ từ động viên đến phân tích đều vô hiệu. Mẹ và Bo thống nhất tạm dừng việc học cho đến khi Bo biết trân trọng cuộc sống mình đang có. Đó là cách một bà mẹ cùng đứa con mới lớn vượt qua sự cám dỗ của game.

Mẹ là bạn cùng con, kể cả trong học tập và chuyện riêng

Ngày nay, nhiều trẻ em được yêu chiều, đáp ứng mọi nhu cầu về vật chất nhưng lại rất ít khi trò chuyện, tâm sự với cha mẹ. Không dạy con theo cách đó, chị Chu Thị Vân Anh - Sáng lập và điều hành Tổ chức Giáo dục và Đào tạo Active Skills luôn kề bên, là một người bạn đồng hành cùng con lớn lên.

Mẹ Việt cho con 13 tuổi nghỉ học đi làm để vượt qua cám dỗ: Làm cha mẹ, hãy dạy con có trách nhiệm với cuộc sống dựa trên sự yêu thương, tôn trọng - Ảnh 1.

Chị Chu Thị Vân Anh - Sáng lập và điều hành Tổ chức Giáo dục và Đào tạo Active Skills. Ảnh: NVCC.

Chia sẻ với báo Trí thức trẻ, chị Vân Anh nói: "Ngay từ khi mang bầu, tôi đã áp dụng phương pháp giáo dục sớm cho Bo. Với tôi, một đứa trẻ sinh ra đã là một cá thể độc lập, chúng cần được nuôi dưỡng với bản năng sinh tồn tự nhiên trước khi được đưa vào trong một cái lồng vô hình. Tôi tôn trọng bạn ấy, và luôn coi bạn ấy như bất cứ một mối quan hệ nào mà tôi cần xây dựng trong cuộc sống. Chúng tôi là bạn, kể cả trong học tập và chuyện riêng".

Bo, con trai chị Vân Anh có thói quen chơi điện tử vào cuối tuần, khoảng 2 tiếng mỗi tối thứ 6 và chủ nhật để thư giãn. Chị Vân Anh tin rằng với thời lượng ít như vậy, con trai có thể giải trí nhưng không bị game cám dỗ. Thế nhưng, một ngày chị phát hiện ra Bo lơ là việc học, thiếu tập trung và biết dùng tiền mừng tuổi của hai anh em mà Bo đang có trách nhiệm quản lý để mua thẻ game.

Giữ bình tĩnh, chị kiên nhẫn nói chuyện để tìm hiểu tâm lý của con. "Sau một tuần, tôi quyết định mở lời với Bo theo cách đi thẳng vào vấn đề. Tối đó là thứ 5, khi Bo học xong bài tôi gọi Bo lại nói chuyện và nói: 'Mẹ nghĩ là con có chuyện cần nói với mẹ về việc con đang làm điều gì đó chưa đúng với mẹ. Con cứ suy nghĩ kĩ xem con có nên nói với mẹ không. Nếu con không nói thì có lẽ mẹ sẽ tự đưa ra quyết định mà không cần thảo luận với con nữa", chị Vân Anh kể lại

Chị chọn cách để con tự hiểu ra và chia sẻ suy nghĩ của mình về vấn đề chứ không quát mắng, ép buộc con phải bỏ game ngay lập tức. Với nguyên tắc "tình yêu thương, sự tôn trọng, trung thực và thấu hiểu", chị giúp con hiểu ra: Việc chơi game không phải loại hình lao động giúp Bo sinh tồn và phát triển bản thân. Vì thế con trai chị tự đề xuất mẹ cho cơ hội được đi làm lại để bù vào khoản tiền đã tiêu cho game.

Cho con nghỉ học đi làm để hiểu chuyện, tự lập hơn

Hai mẹ con chị Vân Anh cùng thống nhất, Bo sẽ nghỉ học ở trường tạm thời và đi làm ở Hợp tác xã Vụn Art của cộng đồng người khuyết tật. Đây là cơ sở đào tạo nghề cho người khuyết tật và tạo công ăn việc làm cho họ.

Chị Vân Anh không băn khoăn nhiều về kiến thức trên trường của Bo dù biết con trai sẽ lỡ rất nhiều bài học. Bo không học thêm, cũng không làm thêm bài tập, chỉ hoàn thành bài trên lớp theo yêu cầu của cô giáo giao trên lớp.

Với chị Vân Anh, điểm cốt lõi Bo cần là nhận diện được bản thân muốn sống như thế nào, có thái độ sống ra sao. Cả Bo và mẹ đều ý thức rằng trong cuộc sống, kiến thức học thuật và sách vở chỉ là một mảng màu, và để tự chủ được bản thân mình Bo còn cần nhiều hơn về thái độ sống và học cách làm người tử tế.

Buổi sáng, Bo tự đặt chuông báo thức, ăn sáng chuẩn bị hộp cơm trưa và bắt grab đến nơi làm việc. Tối về cũng tự giác mở sách vở học bài. Chị Vân Anh chỉ quan sát và không nhắc nhở hay xen vào việc cá nhân của con.

Mẹ Việt cho con 13 tuổi nghỉ học đi làm để vượt qua cám dỗ: Làm cha mẹ, hãy dạy con có trách nhiệm với cuộc sống dựa trên sự yêu thương, tôn trọng - Ảnh 2.

Bo đồng ý tạm nghỉ học để đến Vụn Art làm việc và đồng thời phải tự hoàn thành việc học buổi tối nếu muốn quay trở lại trường học. Ảnh: NVCC.

Hành trình 5 ngày làm việc của Bo được mẹ Vân Anh chia sẻ trên trang cá nhân:

"Ngày đầu tiên, Bo về chia sẻ với mẹ những gì Bo quan sát thấy ở nơi làm việc. Bo kể các anh chị có nhiều kiểu khuyết tật, tay, chân, câm, điếc... Nhưng các anh chị ấy đều làm việc chăm chỉ, thông minh và tốt bụng.

Ngày thứ 2, Bo về nhà vui vẻ lắm vì mọi người nói nhờ có Bo mà một chị vốn rất ít nói bỗng nói chuyện nhiều hơn.

Ngày thứ 3, Bo về nhà hơi buồn vì bán hàng trên khu phố cổ bị chậm, khách hàng chê sản phẩm đắt dù ‘con đã giải thích do người khuyết tật làm thủ công hoàn toàn’.

Ngày thứ 4, Bo được gặp bác Cường (người sáng lập Vụn Art) và cùng các anh chị được quay lên một phóng sự nhỏ. Bo phục bác Cường lắm vì tư tưởng của bác Cường rất khác biệt, bác Cường không muốn mọi người mua sản phẩm của Vụn Art vì từ thiện mà là vì họ hài lòng với sản phẩm. Mẹ hỏi Bo đã sẵn sàng quay lại học chưa thì Bo xin mẹ đi làm thêm ngày nữa và cứ cuối tuần sẽ đến Vụn Art làm việc.

Ngày thứ 5, Bo rời nhà với một túi kẹo làm quà cho các anh chị. Buổi chiều Bo cầm về một chiếc bánh chưng. Bo nói: 'Hôm nay có Hội chữ thập đỏ đến tặng quà mọi người, các anh chị cho con hai túi nhưng con từ chối và chỉ lấy một túi bánh chưng'."

Mẹ Việt cho con 13 tuổi nghỉ học đi làm để vượt qua cám dỗ: Làm cha mẹ, hãy dạy con có trách nhiệm với cuộc sống dựa trên sự yêu thương, tôn trọng - Ảnh 3.

Một gian hàng của HTX Vụn Art, nơi Bo tới làm việc để "tìm lại chính mình".

Sau 5 ngày làm việc tại Vụn Art, từ một cậu bé buông lỏng bản thân và thiếu trách nhiệm với cuộc sống của mình, Bo đã thay đổi nhận thức thành một cậu bé biết nhận diện các góc cuộc sống một cách đầy đủ. Bo ý thức được về sự vươn lên của những cảnh đời khó khăn, về sự trân trọng cuộc sống của mình và biết học hỏi từ người khác.

Bo trở lại trường học, cũng từ bỏ luôn cả games, và có tinh thần tự giác tốt hơn với việc học của mình. Giờ đây, Bo đã có thể khẳng định với mẹ: Con có thể tự tin đi bằng đôi chân của mình.

Năm ngày đi làm đã đưa Bo bước chân ra khỏi môi trường học khép kín và thấy cuộc sống của mình trở nên ý nghĩa hơn.

Câu chuyện của mẹ con chị Vân Anh đã truyền cảm hứng cho rất nhiều phụ huynh khác. Nhiều người làm cha làm mẹ chia sẻ họ cũng đang ở trong hoàn cảnh có con nghiện game tương tự, nhưng có lẽ ít người có được tư tưởng và cách dạy con theo nguyên tắc của chị. 

Dạy con không chỉ cần tình yêu thương mà cần có kiến thức, ý chí và nghị lực để cùng con cảm nhận, thấu hiểu và vượt qua những khó khăn.

Vân Anh

Nhịp sống kinh tế

Trở lên trên