MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Minh Phú (MPC): Sắp hoàn thiện nhà máy mới ưu tiên phục vụ EU và Trung Quốc, cổ phiếu vẫn về đáy 2 năm

Minh Phú đang chờ cấp phép phần đất cuối cùng cho dự án nhà máy Minh Quí - Cà Mau, tức phần đất dành để xây nhà ở cho công nhân.

Theo một nguồn tin cho hay, Thuỷ sản Minh Phú đang tiến tới việc hoàn thành một trong ba dự án nhà máy chế biến lớn, ông Lê Văn Quang - Chủ tịch Công ty - chia sẻ tại sự kiện Vietfish mới đây tại Tp.HCM. Các nhà máy sẽ tập trung phục vụ thị trường EU, Australia và Trung Quốc.

Chi tiết, nhà máy Minh Quí đang hoàn thiện các thủ tục pháp lý, trước đó, dự án này đã bị hoãn lại để chờ phê duyệt của HĐQT mới (sau khi Mitsui rót vốn và đưa người vào HĐQT). Thủ tục hành chính xây dựng Minh Phú Kiên Giang 1 và 2 với chính quyền tỉnh Kiên Giang vẫn chưa hoàn thành dẫn đến việc hoãn thi công 2 nhà máy.

Do kế hoạch nâng công suất chế biến đang bị trì hoãn, hơn 3.000 tỷ đồng tiền thu được từ đợt phát hành riêng lẻ cho Mitsui sẽ được dùng để làm việc khác. Cụ thể là chi 871,8 tỷ đồng để mua lại 30,8% cổ phần công ty Minh Phú Hậu Giang từ Mitsui; 1.755 tỷ đồng trả nợ ngắn hạn và hơn 300 tỷ đồng để trả tiền mua tôm nguyên liệu, tôm thành phẩm.

Nhà máy Minh Quí đang chờ cấp phép phần đất cuối cùng

Tính đến thời điểm hiện tại, "Minh Phú đang chờ cấp phép phần đất cuối cùng, tức phần đất dành để xây nhà ở cho công nhân", ông Quang nói thêm.

Nhà máy Minh Quí được đặt tại tỉnh Cà Mau với vốn đầu tư khoảng 51,7 triệu USD. Công suất vào khoảng 40.000 tấn, dự kiến vận hành vào năm 2020.

Sau Minh Quí, Tập đoàn sẽ tiếp tục xây dựng nhà máy mới tại Kiên Giang và tiến hành chạy thử nghiệm vào năm 2022 với công suất dự kiến cũng vào mức 40.000 tấn; vốn đầu tư ước khoảng 48,5 triệu USD. Nguồn cung cho nhà máy chính là các vùng nuôi của Minh Phú; Công ty cũng ưu tiên mở rộng vùng nuôi để cung ứng đủ trong tương lai gần.

Theo kế hoạch, nhà máy chế biến thứ ba sẽ chính thức vận hành tiếp sau 2 năm, tức vào năm 2025.

Với Kiên Giang, đại diện Tập đoàn dự báo đây sẽ là vùng nuôi tôm phát triển nhất ở Việt Nam trong những năm tới. "Dự án nuôi trồng tôm tại Kiên Giang có diện tích 12.500 ha; bao gồm 10.000 ha vùng nuôi trồng, 2.000 ha làm khu ở cho công nhân và 500 ha chế biến. Bước đầu, các vùng nuôi công nghệ cao đã được chính quyền tỉnh cấp phép và đang chờ Chính phủ phê duyệt", ông Quang cho biết.

Song song, Minh Phú cũng mở rộng vùng nuôi công nghệ cao tại các tỉnh Vũng Tàu (Tp.HCM), Bạc Liêu, Cà Mau… nhằm đa dạng hoá tìm nguồn nguyên tôm nguyên liệu về kích cỡ, số lượng và chất lượng.

Xuất khẩu sang thị trường EU tăng gần 20% trong 8 tháng

Về Minh Phú, thị trường xuất khẩu tôm lớn nhất của Công ty hiện nay là Mỹ, chiếm khoảng 40% tổng giá trị; tương đương 141,34 triệu USD và tăng 8% so với cùng kỳ năm 2018.

Nhìn thấy cơ hội tốt ở thị trường EU, đặc biệt sau khi Hiệp định Thương mại Tự do giữa Việt Nam và Liên minh Châu Âu (EVFTA) có hiệu lực vào năm 2020 tôm Việt sẽ được hưởng mức thuế bằng 0%, Tập đoàn đặt mục tiêu xuất khẩu nhiều hơn vào thị trường này.

Kết thúc 8 tháng đầu năm 2019, doanh thu xuất khẩu của Minh Phú đạt 441 triệu USD, giảm hơn 3% so với cùng kỷ, chưa đến 50% chỉ tiêu kế hoạch năm.

Phần lớn các thị trường xuất khẩu tôm trong kỳ đều ghi nhận sụt giảm, trong đó kim ngạch tại các khách hàng chủ lực xấp xỉ 170 triệu USD, giảm nhẹ 2% so với cùng kỳ. Đáng chú ý, Hàn Quốc có mức giảm sâu nhất gần 16%; tiếp đến là Nhật Bản với mức giảm gần 11%... ngược lại thị trường EU có mức tăng khả quan gần 20%.

Mặt khác, tình hình nguyên liệu của Việt Nam từ tháng 7 cũng giảm nhiều do mưa lớn kéo dài; điều này làm giảm nguồn cung nguyên liệu, theo Minh Phú đã làm hạn chế rất nhiều khả năng ký thêm hợp đồng mới. Kết quả, trong tháng 8 tồn kho đã giảm hơn 60% và hiện không còn nhiều hàng để xuất khẩu.

Thông tin đáng chú ý trong tháng 6/2019, tờ Undercurrentnews đưa tin Minh Phú bị cáo buộc tránh thuế chống bán phá giá tại Mỹ, trích dẫn lời ông Darin LaHood cho biết đã nhận được một đơn kiện bằng thư điện tử vào ngày 12/5 liên quan tới việc Minh Phú tránh thuế chống bán phá giá với tôm Ấn Độ tại Mỹ.

Dù Công ty có phản hồi thông tin, đồng thời đầu tháng 9 chính nguồn tin trên ghi nhận Minh Phú đã nói chuyện lại với Cục Hải quan và Biên Phòng Mỹ (CBP) nhưng không có một cáo buộc chính thức nào, cổ phiếu MPC trên thị trường vẫn liên tục giảm điểm. Hiện đang về vùng đáy 1,5 năm với 25.400 đồng/cp.

Minh Phú (MPC): Sắp hoàn thiện nhà máy mới ưu tiên phục vụ EU và Trung Quốc, cổ phiếu vẫn về đáy 2 năm - Ảnh 2.

Tri Túc

Trí Thức Trẻ

Trở lên trên