MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Mô hình nào phù hợp cho cơ quan chuyên trách đại diện vốn nhà nước?

29-12-2016 - 07:06 AM | Doanh nghiệp

Triển khai Nghị quyết Ðại hội Ðảng lần thứ XII, Hội nghị T.Ư 4 khóa XII mới đây đã khẳng định sự cần thiết phải xây dựng Ðề án thành lập cơ quan chuyên trách làm đại diện chủ sở hữu đối với doanh nghiệp nhà nước (DNNN) trình Bộ Chính trị xem xét, quyết định; sớm xóa bỏ chức năng đại diện sở hữu của các bộ, UBND đối với vốn, tài sản nhà nước tại các doanh nghiệp (DN).

Theo nhiều chuyên gia kinh tế, đây là chủ trương đúng đắn nhằm đẩy mạnh hơn nữa công cuộc tái cơ cấu nền kinh tế, đổi mới phương thức quản lý DNNN và vốn nhà nước tại DN. Tuy nhiên, vấn đề này cần được nghiên cứu kỹ để có mô hình phù hợp cho cơ quan chuyên trách này.

Tập trung thay cho phân tán

Vừa qua, tại Hội nghị toàn quốc triển khai công tác sắp xếp, đổi mới DNNN, theo đánh giá của Ban Chỉ đạo đổi mới và phát triển DN và nhiều ý kiến tại hội nghị, mô hình tổ chức và cơ chế thực hiện chức năng chủ sở hữu nhà nước còn phân tán, thiếu chuyên nghiệp; phối hợp giữa các cơ quan chức năng còn nhiều vướng mắc, lúng túng, làm giảm hiệu lực, hiệu quả quản lý, gây khó khăn cho tổ chức, hoạt động và đổi mới quản trị DNNN.

Tại dự thảo đề án thành lập cơ quan chuyên trách làm đại diện chủ sở hữu đối với DNNN và vốn nhà nước tại DN, Bộ Kế hoạch và Ðầu tư cũng đưa ra đánh giá: thực tiễn cho thấy việc phân chia chức năng đại diện chủ sở hữu cho nhiều cơ quan dẫn tới không xác định được đầu mối chịu trách nhiệm khi xảy ra những sai phạm, thất thoát, mất vốn nhà nước ở một số DN trong thời gian qua. Ðồng thời, bộ máy thực hiện quyền đại diện chủ sở hữu chủ yếu là kiêm nhiệm, ngày càng tỏ ra không theo kịp với yêu cầu của thực tiễn quản lý vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất kinh doanh, làm giảm hiệu quả sử dụng vốn nhà nước.

TS Nguyễn Ðình Cung, Viện trưởng Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM), đơn vị trực tiếp tham gia soạn thảo đề án của Bộ Kế hoạch và Ðầu tư cho rằng: "Lâu nay, việc một bộ vừa quản lý ngành lại vừa ban hành chính sách, vừa chủ sở hữu doanh nghiệp thuộc ngành đó, dẫn đến xung đột thị trường và lợi ích, khiến các chính sách điều tiết thiên về hướng có tính ưu tiên, ưu đãi cho ngành của mình, làm thị trường méo mó, bất bình đẳng, không cạnh tranh. Nguy hại hơn là khiến việc phân bổ nguồn lực cũng méo mó, sử dụng nguồn lực kém hiệu quả, nền kinh tế phát triển dưới tiềm năng".

Ông T.A.Ki-tô, Phó trưởng đại diện Văn phòng Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA) tại Việt Nam cũng cho rằng, xung đột về mặt lợi ích có thể xảy ra khi một cơ quan nhà nước vừa thực hiện chức năng quản lý, vừa thực hiện chức năng chủ sở hữu tại các DNNN. Khi đó, cơ quan nhà nước này sẽ đóng vai trò vừa là người chơi, vừa là nhà hoạch định chính sách trên thị trường. Việc tách bạch hai chức năng này được coi là "điều kiện tiên quyết" để duy trì một sân chơi bình đẳng giữa DNNN và DN tư nhân, đồng thời góp phần bảo đảm việc phân bổ hiệu quả các nguồn lực của Nhà nước.

Ðâu là mô hình phù hợp?

Theo đề án thành lập cơ quan chuyên trách làm đại diện chủ sở hữu đối với DNNN và vốn nhà nước tại DN, Bộ Kế hoạch và Ðầu tư dự kiến đề xuất Chính phủ thành lập một ủy ban có tính chất như một cơ quan hành chính thuộc Chính phủ. Tên gọi của ủy ban có thể là Ủy ban Quản lý vốn và tài sản nhà nước tại DN, hoặc Ủy ban Ðầu tư vốn nhà nước vào DN và quản lý, sử dụng vốn, tài sản tại DN. Ðây là kết quả của việc cân nhắc, lựa chọn giữa các hình thức: bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, cơ quan cấp tổng cục và DN (mô hình Tổng công ty Ðầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước - SCIC).

Trao đổi chung quanh đề xuất lựa chọn mô hình ủy ban, TS Nguyễn Ðình Cung cho biết: "Ðiểm tranh cãi nhiều nhất là điều kiện pháp lý: Cơ quan thuộc Chính phủ, cơ quan ngang bộ hay cơ quan quản lý nhà nước. Nhưng tôi cho rằng, điều khác biệt lớn nhất là ủy ban này phải thiên về chức năng đầu tư. Không phải cơ quan quản lý và làm việc theo kiểu Nhà nước, cần thay đổi tư duy này".

Ðề cập mô hình này, ông T.A.Ki-tô cho biết: JICA muốn nhấn mạnh các vấn đề nêu trên cần được xem xét kỹ lưỡng liên quan đến khái niệm "Ủy ban quản lý và giám sát vốn và tài sản nhà nước tại các doanh nghiệp". Ngoài ra, quản lý vốn nhà nước còn cần đội ngũ cán bộ chuyên nghiệp, không phải công chức nhà nước và không có tư duy công chức. Cũng cần phải chú ý đến một khía cạnh quan trọng khác để tránh làm phình khu vực công, thông qua việc hình thành một cơ quan nhà nước mới.

Theo ông D.Ðét-tơ, cố vấn Ngân hàng Thế giới (WB), một quỹ đầu tư quản lý DNNN như Temasek (Xin-ga-po) là mô hình tốt cho Việt Nam học hỏi, mô hình này cũng tương tự như Thụy Ðiển áp dụng và họ cũng có thành công. Chuyên gia này dẫn chứng: Tại Thụy Ðiển năm 1990, nền kinh tế rơi vào trạng thái gần như phá sản toàn bộ. Nhiệm vụ đặt ra là phải tái cơ cấu DNNN, lĩnh vực ngân hàng, bất động sản. Thụy Ðiển khi đó có tới 63 tập đoàn, tổng công ty, DN trực thuộc Nhà nước. Tuy nhiên, với quyết tâm cải cách, sau ba năm, kinh tế Thụy Ðiển đã đạt hiệu suất gấp hai lần, cải cách các DNNN, tạo ra hiệu ứng đối với toàn nền kinh tế.

Nguyên Cục trưởng Tài chính DN, nguyên Phó Tổng cục trưởng thường trực Tổng cục Quản lý vốn và Tài sản nhà nước tại DN (Bộ Tài chính) Phạm Ðình Soạn cho biết, việc Nhà nước nắm giữ tới mức độ nào và tham gia vào các DNNN với tư cách là nhà đầu tư hay vẫn hành xử với tư cách đơn vị chủ quản là câu hỏi lớn, vì nếu Nhà nước có cơ quan mới mà vẫn hành xử theo phương thức cũ thì sẽ cho ra những kết quả như hiện nay. Nếu chỉ thay đổi tổ chức bên ngoài mà không thay đổi phương thức, nội dung quản lý bên trong, e rằng sẽ khó tránh sai lầm và thường phải trả giá bằng thời gian nhiều năm.

Bình luận về câu chuyện này, chuyên gia kinh tế Lê Ðăng Doanh cũng cho rằng, để mang lại những thay đổi thực chất trong quản lý tài sản nhà nước, bên cạnh tìm ra mô hình ưu việt, theo xu hướng hiện đại trên thế giới, cần rà soát lại, xây dựng và quy định chặt chẽ cơ chế quản lý, giao quyền đại diện vốn nhà nước, bảo đảm được tính minh bạch và tính thống nhất, chuyên nghiệp.

Có thể nói, những ý kiến khác nhau về mô hình cơ quan chuyên trách đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước cần được tham khảo và đánh giá kỹ lưỡng, trong đó có việc đi sâu phân tích các ưu, nhược điểm của từng phương án, kinh nghiệm quốc tế, thực tiễn Việt Nam. Ðặc biệt là tổng kết toàn diện việc triển khai Ðề án "Tiếp tục sắp xếp, đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả DNNN" theo Nghị quyết T.Ư 3, khóa IX và đánh giá mô hình SCIC sau hơn 10 năm hoạt động theo Kết luận số 78-KL/TW ngày 26-7-2010 của Bộ Chính trị về Ðề án "Tiếp tục củng cố, phát huy vai trò của SCIC", trong đó, Bộ Chính trị đã chỉ đạo tiếp tục bổ sung, hoàn thiện cơ chế, chính sách, tạo môi trường pháp lý thuận lợi cho SCIC hoạt động có hiệu quả, làm rõ địa vị pháp lý và định hướng hoạt động của SCIC. Những đánh giá toàn diện trên sẽ là căn cứ quan trọng để định hướng chính sách, tiếp tục thúc đẩy quá trình đổi mới phương thức quản lý vốn nhà nước.

Theo một nghiên cứu của Ban Kinh tế T.Ư năm 2015, trên thế giới hiện nay có hai mô hình phổ biến về thực hiện quyền chủ sở hữu nhà nước tại DN là mô hình phân tán và mô hình tập trung. Nếu theo mô hình tập trung, DNNN được tập trung về một hoặc một số cơ quan chủ sở hữu chuyên trách. Cơ quan chuyên trách có thể là bộ (như ở In-đô-nê-xi-a), cơ quan đặc biệt thuộc Chính phủ (như ở Trung Quốc) hoặc cơ quan nằm trong bộ. Một số quốc gia thành lập các công ty đầu tư, kinh doanh vốn nhà nước như Xin-ga-po, Hung-ga-ri, Ma-lai-xi-a...

Theo Minh An

Nhan dân Điện tử

Từ Khóa:
Trở lên trên