MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Mở rộng vốn, mạng lưới kinh doanh: giải pháp nào cho doanh nghiệp nhỏ và vừa?

Với hình thức hợp tác công tư (PPP), doanh nghiệp được tiếp cận dễ dàng hơn với các chủ trương, chính sách hỗ trợ của nhà nước để thúc đẩy sản xuất kinh doanh, phát triển hạ tầng thương mại cũng như mở rộng mạng lưới kinh doanh.

Đây là nhận định được đưa ra tại hội thảo “Tăng cường hợp tác công – tư” mới đây.

Bà Hồ Thị Kim Thoa, Thứ trưởng Bộ Công Thương cho biết, PPP là một giải pháp tích cực lôi cuốn khu vực tư nhân tham gia cùng Nhà nước nhằm giảm áp lực chi ngân sách cho các dịch vụ công của Chính phủ. PPP đang là một xu hướng trên thế giới.

Tại Việt Nam, mô hình PPP đã và đang được vận dụng linh hoạt trong nhiều lĩnh vực và được thể hiện thông qua nhiều văn bản pháp luật như: Quyết định số 71/2010/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành quy chế thí điểm đầu tư theo hình thức đối tác công - tư, có hiệu lực từ ngày 15/1/2011; Nghị định số 15/2015/NĐ-CP ngày 14/2/2015 về đầu tư theo hình thức PPP và gần đây nhất là Nghị quyết số 35/2016/NQ-CP ngày 16/5/2016 của Chính phủ về hỗ trợ phát triển DN đến năm 2020.

Theo đó, Nghị quyết 35 nhấn mạnh mục tiêu thực hiện chủ trương Nhà nước kiến tạo, lấy doanh nghiệp là đối tượng phục vụ, tạo mọi thuận lợi cho doanh nghiệp đầu tư, kinh doanh và phát triển. Đồng thời đưa ra những nguyên tắc quan trọng như: doanh nghiệp có quyền tự do kinh doanh, bình đẳng, được xem là đối tượng phục vụ chứ không phải là đối tượng Nhà nước quản lý. Cùng với những mục tiêu cụ thể, có tính định hướng đến năm 2020 có khoảng 1 triệu doanh nghiệp, khu vực tư nhân đóng góp 48-49% GDP, năng suất lao động tăng bình quân 5%/năm...

Bà Lê Việt Nga, Phó Vụ Trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) cũng cho biết, thông qua mô hình PPP, các doanh nghiệp dễ dàng tiếp cận được với các chủ trương, chính sách hỗ trợ của Nhà nước để thúc đẩy sản xuất kinh doanh, tăng cường đầu tư phát triển hạ tầng thương mại, mở rộng và phát triển mạng lưới kinh doanh.

Đánh giá kết quả đạt được về hợp tác công tư gắn với Cuộc vận động Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam thời gian qua, bà Nga cho biết, kể từ khi có cuộc vận động cũng như khi có chính sách của Nhà nước về thí điểm hợp tác công tư, Bộ Công Thương đã triển khai nhiều hoạt động để hợp tác công tư giữa cơ quan quản lý Nhà nước với các hiệp hội ngành hàng và doanh nghiệp để đẩy mạnh Cuộc vận động.

Kết quả nổi bật được thể hiện ở bốn khía cạnh là đẩy mạnh thông tin truyền thông, cùng nhau hợp tác để phát triển hạ tầng thương mại để bán hàng Việt, hỗ trợ nâng cao năng lực của doanh nghiệp trong sản xuất kinh doanh, đặc biệt là ứng dụng khoa học công nghệ, ứng dụng xúc tiến thương mại để xây dựng thương hiệu cho doanh nghiệp, bảo vệ người tiêu dùng, bảo vệ sự cạnh tranh của doanh nghiệp một cách lành mạnh.

Còn bà Mai Thị Thuỳ, Chủ tịch Hội Nữ doanh nghiệp vừa và nhỏ Hà Nội cho biết, nhờ áp dụng hợp tác công - tư mà nhiều doanh nghiệp có điều kiện tham gia hội chợ quốc tế, đi xúc tiến thương mại tại nước ngoài. Kết quả là sau mỗi chuyến đi, 100% doanh nghiệp giới thiệu được hàng hoá với khách hàng, 10% doanh nghiệp tìm được đối tác và ký hợp đồng ngay tại hội chợ.

Đối với thị trường trong nước, chẳng hạn như chương trình người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam, Chương trình đưa hàng về nông thôn… thì Hội đã hợp tác được với cơ quan quản lý thị trường ở cấp Bộ và Sở cùng doanh nghiệp tổ chức các phiên chợ và hội nghị giao thương để doanh nghiệp giới thiệu hàng hoá, mở đại lý phân phối hàng tại nhiều tỉnh.

Cách làm này rất hiệu quả thiết thực, nhất là đối với DNNVV , hạn chế về vốn, quy mô, quản lý… Nhờ tham gia đối tác công – tư, DNNVV có thể được hỗ trợ, hợp lực cả về nguồn lực, kỹ năng để phát triển thị trường cho sản phẩm của mình.

Tuy nhiên, bà Lê Việt Nga cũng thẳng thắn cho rằng, việc thực hiện hợp tác công tư trong thời gian qua vẫn còn nhiều thách thức. Bởi hiểu biết của doanh nghiệp về lợi ích của mô hình này vẫn đang rất hạn chế, đặc biệt là với những doanh nghiệp ở vùng sâu vùng xa, vùng nông thôn.

"Nhiều doanh nghiệp chưa nhận thức được về các cơ chế chính sách của Nhà nước có thể hỗ trợ được gì cho doanh nghiệp và cũng chưa biết được địa chỉ của các cơ quan quản lý Nhà nước nào có thể hỗ trợ cho mình về chính sách. Nhiều doanh nghiệp cũng chưa nhiệt huyết đồng hành cùng chiến dịch truyền thông” bà Nga nói.

Bên cạnh đó, năng lực của các tổ chức ngành hàng, ngành nghề, các Hiệp hội để triển khai các hoạt động truyền thông, các hoạt động về dịch vụ kết nối cung cầu, hay các hoạt động về đào tạo kỹ năng bán hàng Việt Nam còn hạn chế. Điều này cũng tương tự ở lĩnh vực bảo vệ cạnh tranh lành mạnh trên thị trường. Đây là hai vấn đề cần tập trung giải quyết trong thời gian tới.

Đức Minh

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên