MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Mỏ sắt Thạch Khê: “Nói dừng hay tiếp đều không có sơ sở”

Người phát ngôn Chính phủ chính thức lên tiếng trước những tranh luận có phần gay gắt về việc dừng hay không dừng dự án mỏ sắt Thạch Khê từ hai Bộ quản lý ngành...

“Đối với dự án mỏ sắt Thạch Khê, hôm nay chúng ta ngồi đây bảo quyết định dừng hay không dừng thì không có cơ sở. Ngay cả phía Hà Tĩnh cũng có quan điểm khác nhau, các bộ ngành có quan điểm như thế, báo chí nêu rất đúng đấy”.

Chia sẻ trên của Bộ trưởng - Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng khi ông đề cập đến câu chuyện “dừng hay không dừng” dự án mỏ sắt Thạch Khê tại Hà Tĩnh vốn đang có những ý kiến trái chiều cả trong dư luận và ngay tại hai Bộ quản lý chuyên ngành là Bộ Công Thương và Bộ Kế hoạch và Đầu tư.

Trước đó, trao đổi với báo chí chiều 30/8, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Đặng Huy Đông, cho hay, đối với ý kiến của Bộ Công Thương (không có cơ sở dừng dự án mỏ sắt Thạch Khê - PV), cơ quan này “không bình luận” quan điểm của Bộ Công Thương.

Còn với trách nhiệm của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Thứ trưởng Đông khẳng định là Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã có văn bản báo cáo Thủ tướng Chính phủ kiến nghị cho dừng dự án mỏ sắt Thạch Khê, xuất phát từ 4 quan ngại là: Năng lực nhà đầu tư; tác động môi trường; thị trường tiêu thụ quặng sắt và giao thông vận tải.

“Đây là một kiến nghị của Bộ Kế hoạch và Đầu tư dựa trên sự cân nhắc tính toán rất kỹ lưỡng. Chính bản thân tôi cũng đã trực tiếp được nghe Bộ trưởng nói một lần về vấn đề này. Bản thân Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng không những chỉ nghe báo cáo, xem tài liệu mà còn trực tiếp đi thị sát và thấy quan ngại nên từ đấy chúng tôi mới có đề xuất như vậy”, Thứ trưởng Đặng Huy Đông cho hay.

Tiếp lời Thứ trưởng Đông, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cho biết, dự án mỏ sắt Thạch Khê là chủ trương của Bộ Chính trị, của Chính phủ những khóa trước từ cách đây cả vài chục năm rồi. Mỏ sắt này có trữ lượng quặng sắt 500 triệu tấn là rất lớn, là nguồn tài nguyên, khoáng sản cực kỳ có giá trị với nước ta.

Theo ông Dũng, Tập đoàn Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV) đã có những chi phí cho vấn đề đầu tư nghiên cứu lập dự án.

Do đó, hôm làm việc với tỉnh Hà Tĩnh mới đây, quan điểm của Thủ tướng đây là vấn đề phải có đánh giá, căn cứ khoa học, đánh giá về kỹ thuật, môi trường, hiệu quả kinh tế và tác động của dự án tới tăng trưởng, lợi ích của đất nước, lợi ích địa phương như thế nào.

Thủ tướng yêu cầu cần có một cơ quan đánh giá một cách độc lập. Các nhà khoa học, các nhà kỹ thuật, kinh tế, môi trường đánh giá kỹ việc này.

“Đây là một việc rất hệ trọng, sau đó sẽ báo cáo với Chính phủ, Chính phủ báo cáo với Bộ Chính trị, lúc đó sẽ quyết định. Tinh thần là chúng ta phải ngồi với nhau khách quan, chứ chúng ta ngồi đây bảo không hay có thì cũng không có cơ sở. Theo tôi nên thống nhất đánh giá như thế”, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng kết luận.

Được xem là mỏ sắt lớn nhất Đông Nam Á, mỏ sắt Thạch Khê có trữ lượng khoảng 544 triệu tấn, giá trị xấp xỉ 35 tỷ USD.

Trước đây đã có một số nhà đầu tư, doanh nghiệp nước ngoài có ý định đầu tư khai thác, lập tổ hợp luyện thép tại dự án này, nhưng đến nay dự án vẫn gần như bất động sau một vài hoạt động thăm dò, bóc tách tầng đất phủ.

Đáng chú ý, sau nhiều năm ì ạch, mới đây Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã thẳng thắn kiến nghị Chính phủ nên dừng dự án với 4 lý do nói trên. Trong khi đó, cả phía Bộ Công Thương và TKV đều vẫn muốn dự án được tiếp tục, trong đó TKV khẳng định nếu dừng dự án mỏ sắt Thạch Khê có thể dẫn đến phá vỡ quy hoạch thăm dò khai thác, chế biến và sử dụng quặng sắt và Quy hoạch phát triển tổng thể kinh tế, xã hội tỉnh Hà Tĩnh đã được phê duyệt.

Cùng với đó là không phát huy được nguồn tài nguyên sẵn có để phát triển kinh tế xã hội, các cơ sở sản xuất thép trong nước mất cơ hội sử dụng nguồn quặng chất lượng cao, giá rẻ và tiếp tục phải phụ thuộc vào nguồn quặng nhập khẩu giá cao làm tăng chi phí, giá thành sản xuất dẫn đến mất lợi thế cạnh tranh với thép nhập khẩu.

Không những thế, TKV cho rằng, việc dừng dự án sẽ gây giảm nguồn thu ngân sách, với khoản vốn đã bỏ gần 2.000 tỷ đồng có nguy cơ làm mất vốn của doanh nghiệp trong đó đa số là vốn nhà nước, đây sẽ là tổn thấy rất lớn gây lãng phí cho doanh nghiệp, nhà nước.

Theo Bảo Anh

Vneconomy

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên