MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Giai đoạn 2018-2019: Mỗi năm sẽ có khoảng 20.000 căn hộ condotel được mở bán

07-04-2018 - 10:41 AM | Bất động sản

Sự phát triển bùng nổ các dự án căn hộ condotel đã giúp gia tăng số phòng lưu trú, các dịch vụ, tiện ích phục vụ du khách, làm thay đổi diện mạo ngành du lịch nhiều địa phương. Chính vì vậy, cơ quan quản lý phải khắc phục, hạn chế những điểm rủi ro của thị trường, đảm bảo minh bạch và quyền lợi cho nhà đầu tư thứ cấp.

Theo báo cáo mới đây nhất của Hiệp hội BĐS TPHCM, từ khoảng năm 2014 đến nay, trên phạm vi cả nước đã xuất hiện cơn sốt đầu tư phát triển một loại hình sản phẩm bất động sản du lịch mới ở nước ta, đó là các dự án căn hộ khách sạn condotel, tập trung phát triển tại các khu vực ven biển, hải đảo như Vân Đồn, Hạ Long, Đồ Sơn, Sầm Sơn, Cửa Lò, Đà Nẵng, Quy Nhơn, Nha Trang, Mũi Né, Vũng Tàu, Phú Quốc…

Theo số liệu thống kê của 16 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương thì bên cạnh 77 dự án có khu du lịch nghỉ dưỡng quy mô lớn (từ 50 ha trở lên) đã có 77 dự án còn có 120 dự án khu du lịch nghỉ dưỡng quy mô vừa và nhỏ, có diện tích dưới 50 ha/khu. Trong hai năm 2018, 2019, dự kiến trung bình mỗi năm sẽ có khoảng 20.000 căn hộ condotel được mở bán, với diện tích căn hộ khoảng trên dưới 45 m2.

Đánh giá về tác động của căn hộ condotel đối với thị trường BĐS du lịch nghỉ dưỡng, ông Lê Hoàng Châu – Chủ tịch Hiệp hội BĐS TPHCM cho biết, sự phát triển bùng nổ các dự án căn hộ condotel đã giúp gia tăng số phòng lưu trú, các dịch vụ, tiện ích phục vụ du khách, làm thay đổi diện mạo và hiệu quả hoạt động của ngành du lịch nhiều địa phương, trước hết là đã có sự tăng trưởng mạnh hệ thống các khách sạn, khu du lịch nghỉ dưỡng với nhiều dịch vụ và tiện ích, đáp ứng được một phần nhu cầu đa dạng của du khách trong nước và nước ngoài.

Còn theo ông Nguyễn Văn Đính, Phó Chủ tịch Hội môi giới BĐS Việt Nam lý giải, condotel bản chất giống như một khách sạn. Tuy nhiên, nếu như khách sạn thông thường thì chủ đầu tư bỏ tiền xây, trong đó là khoảng 30% vốn tự có và 70% vay ngân hàng hoặc các tổ chức tín dụng thì condotel khác ở một phần là vốn tự có của chủ đầu tư (không dưới 30%) và phần còn lại huy động từ khách hàng".

Cũng theo ông Đính, hiện nay  đối với những dự án mà chủ đầu tư cam kết lợi nhuận từ 8 - 12% trong 8 - 12 năm thì trong giá bán có thể đã được nâng lên đủ để chi trả khoản cam kết lợi nhuận này cho nhà đầu tư thứ cấp; cả chi phí trang bị căn hộ; chi phí quản lý khai thác kinh doanh.

Đặc biệt, theo ông hiện nay hợp đồng mua bán căn hộ condotel có cam kết lợi nhuận, nhưng chưa thấy chủ đầu tư đề cập các biện pháp bảo đảm thực hiện cam kết trả lợi nhuận cho nhà đầu tư thứ cấp. "Vì thế nhiều khách hàng còn hoài nghi về vấn đề các chủ đầu tư cam kết mức lợi nhuận cao nhưng sau này có thực hiện được hay không", ông nói.

Chính sự huy động nguồn vốn xã hội và tận dụng thời gian trống của chủ sở hữu để cho thuê nên các chuyên gia tại Viện Chiến lược Phát triển, Bộ Kế hoạch & Đầu tư cho rằng có thể coi condotel là một ví dụ điển hình của nền kinh tế chia sẻ (sharing economy) trong lĩnh vực bất động sản. Đây cũng là mô hình nền kinh tế chia sẻ đang rất thịnh hành trên thế giới giống như Uber, Grab, Airbnb...

Tuy nhiên, luật sư Nguyễn Hải Nam, VP Luật sư Trí Việt, Hà Nội cho rằng, trong mô hình kinh tế chia sẻ, vai trò của các bên tham gia thị trường gồm chủ đầu tư, chủ sở hữu căn hộ là bình đẳng. Do đó, bản chất việc sử dụng hoặc khai thác căn hộ condotel của mình ra sao phải là do chủ sở hữu căn hộ quyết định, không phải do chủ đầu tư. Tuy nhiên, thực tế hiện nay trên thị trường, nhiều chủ đầu tư khi ký hợp đồng mua bán thường kèm yêu cầu khách hàng phải ký ủy thác cho họ khai thác kinh doanh sau khi nhận bàn giao.

"Nếu làm như vậy không còn đúng bản chất là căn hộ thuộc sở hữu của khách hàng và họ được quyết định việc vận hành nó nữa. Ở nền kinh tế chia sẻ, vai trò của chủ đầu tư và chủ sở hữu phải bình đẳng như nhau nên việc dự án được vận hành ra sao cũng dựa trên sự thống nhất quan điểm của các bên. Nếu họ chọn phương án ủy thác cho chủ đầu tư khai thác kinh doanh thì các thông tin tài chính trong quá trình vận hành cần phải được minh bạch", ông nói.   

Cho rằng với số lượng nguồn cung condotel trên thị trường đã và đang hình thành rất lớn, các chuyên gia cho rằng không thể và không nên ngăn cản sự phát triển của condotel. Tuy nhiên, theo ông Lê Hoàng Châu, cơ quan quản lý phải khắc phục, hạn chế những điểm rủi ro của thị trường, đảm bảo minh bạch và quyền lợi cho nhà đầu tư thứ cấp.  

Nam Anh

Tài chính Plus

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên