MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Mỗi tháng 1 vụ kiện, Việt Nam trong vòng xoáy thương chiến nguy hiểm

Các nước nhập khẩu như Mỹ có thể áp dụng tối đa biện pháp chống lẩn tránh thuế. Nếu một ngày họ áp dụng ngẫu hứng cách tiếp cận này cho cả hàng dệt may, da giày... thì câu chuyện càng nguy hiểm hơn.

Mỗi tháng một vụ kiện

Báo cáo của Cục Phòng vệ thương mại (Bộ Công Thương) tại cuộc họp ngày 9/8 cho thấy: Trong bối cảnh xu thế bảo hộ đang gia tăng, trong 7 tháng đầu năm nay, tần suất các vụ kiện phòng vệ thương mại với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam vẫn duy trì ở mức độ cao (trung bình 1 vụ/1 tháng).

Mỗi tháng 1 vụ kiện, Việt Nam trong vòng xoáy thương chiến nguy hiểm - Ảnh 1.

Nguồn nguyên liệu phục vụ sản xuất hàng xuất khẩu cần đặc biệt chú ý, tránh khả năng bị điều tra chống lẩn tránh thuế.



Theo Bộ Công Thương, thời gian qua, số vụ việc phòng vệ thương mại do Việt Nam khởi kiện rất nhỏ trong tương quan với các vụ hàng hóa Việt Nam xuất khẩu bị kiện. Trong khi đó, các quốc gia nhập khẩu đã tiến hành hơn 300 vụ tự vệ, gần 5.000 vụ chống bán phá giá và gần 400 vụ chống trợ cấp đối với nhiều mặt hàng của Việt Nam (thép, sợi, thủy sản…).

Hiện nay, Bộ Công Thương đang tiến hành xử lý 7 vụ việc phòng vệ thương mại (5 vụ việc chống bán phá giá, 2 vụ việc trợ cấp) khởi xướng điều tra với hàng xuất khẩu của Việt Nam.

Bên cạnh đó, Bộ Công Thương cũng đang tiếp tục xử lý 7 vụ việc khởi xướng từ năm 2018, 4 vụ việc rà soát biện pháp phòng vệ thương mại đã áp dụng, trong đó có những vụ việc có kim ngạch xuất khẩu lớn như cá tra, tôm.

Trong 7 vụ việc khởi xướng điều tra mới, thị trường Ấn Độ dẫn đầu với 4 vụ việc, Hoa Kỳ 2 vụ việc, Malaysia 1 vụ việc.

Theo đại diện Cục Phòng vệ thương mại, ngay cả khi ta phát triển được chuỗi sản xuất tại Việt Nam, (ví dụ như đối với thép, nhôm) nếu xuất khẩu của ta sang tăng nhanh, đột biến thì ngoài biện pháp chống lẩn tránh, không loại trừ khả năng nước nhập khẩu sẽ điều tra chống bán phá giá và trợ cấp với sản phẩm của ta như đã làm trước đó với một số nước khác.

Do đó, bên cạnh việc chú trọng phát triển theo chiều sâu (tăng giá trị gia tăng trong nước), Việt Nam cũng cần theo dõi kỹ để cảnh báo sớm nếu như xuất khẩu sang một số thị trường gia tăng nhanh đột biến. Để thực hiện hiệu quả việc cảnh báo này, cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa Bộ Công Thương và các Bộ, ngành liên quan, đặc biệt là Bộ Tài chính (Tổng cục Hải quan).

Ngoài ra, cần thận trọng khi xem xét mở rộng đầu tư, đặc biệt để sản xuất phục vụ xuất khẩu các mặt hàng đã bị nước nhập khẩu áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại với nước thứ 3. Khi phát hiện xuất khẩu các mặt hàng liên quan từ Việt Nam tăng nhanh, nước nhập khẩu có thể tiếp cận theo hướng điều tra chống lẩn tránh, độc lập với điều tra về xuất xứ. Hàng hóa có thể đáp ứng yêu cầu về xuất xứ nhưng vẫn bị kết luận là lẩn tránh và bị áp thuế cao.

Mỹ thay đổi, nhiều hàng xuất khẩu Việt Nam gặp rủi ro

Theo Thứ trưởng  Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh, thời gian tới, Cục Phòng vệ thương mại cần nghiên cứu ngay vấn đề điều tra chống lẩn tránh thuế của các nước. Đây là sự đổi thay rất lớn về cách tiếp cận.

Lấy ví dụ với trường hợp mặt hàng thép, Thứ trưởng Trần Quốc Khánh nêu rõ: “Trong 70 năm qua,  sản xuất tôn từ thép cán nóng của Việt Nam được Mỹ xem là quá trình đã có sự chuyển đổi căn bản. Tuy nhiên, hiện nay nếu Việt Nam sử dụng thép cán nóng Trung Quốc sản xuất ra tôn để xuất khẩu sang Mỹ lại bị Mỹ xem xét, có thể coi là lẩn tránh biện pháp chống bán phá giá mà Mỹ áp dụng cho Trung Quốc. Đây là sự thay đổi cách tiếp cận cực kỳ lớn của phía Mỹ”.

Vị Thứ trưởng nhận định, sự thay đổi này rất nguy hiểm với Việt Nam. Bởi lẽ, các nước nhập khẩu như Mỹ có thể áp dụng tối đa biện pháp chống lẩn tránh thuế. Nếu một ngày họ áp dụng ngẫu hứng cách tiếp cận này cho cả hàng dệt may, da giày... thì câu chuyện càng nguy hiểm hơn.

“Cần xem xét việc thay đổi cách tiếp cận này có phù hợp với những quy định của WTO hay không; đồng thời xác định mặt hàng nào có nguy cơ cao bị áp dụng triết lý mới này để cảnh báo, nhất là trong bối cảnh xung đột thương mại Mỹ-Trung tăng cao”, Thứ trưởng Trần Quốc Khánh nói.

Để ngăn chặn gian lận xuất xứ, lẩn tránh thuế, Thứ trưởng Công Thương nhấn mạnh vai trò phối hợp của Hải quan. Bởi vì đây là lực lượng nắm được số liệu xuất nhập khẩu của từng doanh nghiệp. Nếu không có số liệu của Hải quan, ngành Công Thương không thể nắm được doanh nghiệp nào, mặt hàng nào có số lượng xuất nhập khẩu gia tăng đột biến để giám sát, cảnh báo.

Điều đó được ông Trần Quốc Khánh nhấn mạnh, chẳng khác gì “chĩa súng lên trời bắn chim trong đêm tối”.

Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh cũng nhấn mạnh: “Các biện pháp chống bán phá giá, chống trợ cấp, tự vệ tiếp tục mở rộng, điều tra chống gian lận xuất xứ, điều tra chống chuyển tải gian lận thương mại. Đây là nguy cơ lớn cản trở và thách thức cho phát triển của nền kinh tế Việt Nam. Năm 2018 - 2019 là năm thực hiện các đề án về phòng vệ thương mại, chống gian lận xuất xứ”.

Nếu như trong năm 2018 chỉ có 13/37 số mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu tăng đột biến thì trong 6 tháng đầu năm nay, số mặt hàng này đã tăng lên con số 15. Trong đó có những mặt hàng tăng trưởng xuất khẩu lớn sang thị trường Hoa Kỳ như sơ sợi dệt tăng 92,87%, sắt thép tăng hơn 81%, thức ăn gia súc và nguyên liệu tăng 51%, điện thoại và linh kiện tăng 13%, điện dây cáp điện hơn 100%, máy quay phim và thiết bị điện tử 83%, nguyên phụ liệu dệt may da giày tăng hơn 50%…

Điều đáng chú ý là có sự trùng khớp về việc các mặt hàng này cũng nhập khẩu tăng đột biến và đang bị áp dụng các biện pháp phòng vệ. Đây là điều cần cảnh báo.

Cho nên, ông Trần Tuấn Anh giao nhiệm vụ: Cục Phòng vệ thương mại chủ động phối hợp chặt chẽ với Cục Xuất nhập khẩu, Vụ Thị trường châu Âu - châu Mỹ, Vụ Thị trường châu Á - châu Phi theo dõi diễn biến các xung đột và tranh chấp thương mại, từ đó cập nhật kịp thời và dự báo những vấn đề "nóng" liên quan đến phòng vệ thương mại để cảnh báo sớm cho doanh nghiệp.

Theo Lương Bằng

Vietnamnet

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên