MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Một cuộc khủng hoảng đang đe dọa "nhấn chìm" kinh tế toàn cầu, khiến các NHTW tiến thoái lưỡng nan vì nguy cơ trì trệ đi kèm với lạm phát

04-11-2021 - 12:35 PM | Tài chính quốc tế

Một cuộc khủng hoảng đang đe dọa "nhấn chìm" kinh tế toàn cầu, khiến các NHTW tiến thoái lưỡng nan vì nguy cơ trì trệ đi kèm với lạm phát

Năm 2020, cỗ máy kinh tế toàn cầu gần như đã đột ngột "ngừng quay" vì dịch bệnh. Năm nay, cỗ máy đã hoạt động trở lại, nhưng thật không may đang bị mắc kẹt trong một trong những đợt "tắc đường" lớn nhất lịch sử nhân loại.

Cả thế giới thiếu thốn

Những kệ hàng trong siêu thị trống trơn. Tại các cảng, tàu thuyền xếp hàng dài để chờ được vào bến bốc dỡ hàng hóa. Không ít nhà máy ô tô phải ngừng hoạt động vì thiếu chip. Và bao trùm tất cả là 1 điều không ai mong muốn: gần như tất cả mọi mặt hàng đều tăng giá mạnh.

Đang dần từ bỏ quan điểm cho rằng lạm phát chỉ là tạm thời, nhiều khả năng các NHTW sẽ buộc phải đối phó với lạm phát bằng cách tăng lãi suất sớm hơn dự kiến. Điều này dẫn đến nhiều rủi ro mới đe dọa đà phục hồi vốn mong manh của kinh tế thế giới, đồng thời có thể khiến giá bất động sản cũng như chứng khoán xì hơi nhanh chóng.

Đằng sau tình trạng tắc nghẽn trên chuỗi cung ứng là một loạt yếu tố: mạng lưới vận chuyển bị quá tải, thiếu nhân công tại những đầu mối quan trọng và lực cầu hồi phục quá mạnh sau đại dịch.

Vấn đề không chỉ nằm ở công đoạn vận chuyển hàng hóa từ chỗ này sang chỗ khác. Thậm chí nguồn cung còn chưa thể bắt kịp với lực cầu. Năm ngoái, khi người tiêu dùng ngừng chi tiêu, các nhà sản xuất đã giảm mạnh lượng nguyên liệu nhập vào, dẫn đến không thể phản ứng kịp khi nhu cầu của khách hàng hồi phục trở lại.

Trung Quốc, nơi được mệnh danh là "công xưởng thế giới" đang phải đối phó với đợt dịch mới bằng biện pháp phong tỏa hà khắc. Chỉ số giá tại cổng nhà máy của Trung Quốc đã tăng 10% so với cùng kỳ năm ngoái, mạnh nhất kể từ những năm 1990.

Bloomberg Economics đã xây dựng một số chỉ số mới lột tả vấn đề nghiêm trọng đến mức nào, cả thế giới đang thất bại như thế nào trong việc tìm ra cách giải quyết nhanh nhất và ở một số nơi tình hình thậm chí còn đang diễn biến xấu đi như thế nào.

Theo chỉ số căng thẳng nguồn cung do Bloomberg Economics xây dựng tình trạng thiếu hụt tại Mỹ đang ở mức cao nhất trong 20 năm trở lại đây. Tại Anh và eurozone cũng ở mức tương tự. Đây là chỉ số được tính toán dựa trên nhiều dữ liệu, từ chỉ số giá tại cổng nhà máy đến hệ số tồn kho/doanh thu của các nhà bán lẻ và số đơn hàng của các công ty hoạt động trong lĩnh vực dịch vụ.

Một cuộc khủng hoảng đang đe dọa nhấn chìm kinh tế toàn cầu, khiến các NHTW tiến thoái lưỡng nan vì nguy cơ trì trệ đi kèm với lạm phát  - Ảnh 1.

Chỉ số căng thẳng nguồn cung do Bloomberg Economics xây dựng tình trạng thiếu hụt tại Mỹ đang ở mức cao nhất trong 20 năm trở lại đây.

Thị trường ở trong điều kiện bình thường nếu chỉ số bằng 0. Chỉ số âm nghĩa là hàng hóa thừa mứa, trong khi chỉ số dương cho thấy tình trạng ngược lại. Từ năm ngoái đến năm nay, chỉ số cho thấy tình hình đã nhanh chóng lật ngược từ nguồn cung thừa thãi trước Covid sang tình trạng thiếu hụt nghiêm trọng như hiện nay.

Từ các nhà sản xuất lớn như Toyota cho đến những công ty vận chuyển và cả những người tiêu dùng đang "dài cổ" chờ đợi hàng hóa được giao đến tay mình, câu hỏi lớn nhất ở thời điểm hiện tại là: bao giờ thì những gián đoạn mới chấm dứt?

Kể cả những bậc thầy về chuỗi cung ứng như Amazon và Apple cũng không thể cải thiện tình hình. Mới đây Amazon công bố toàn bộ lợi nhuận quý IV có thể bị thổi bay vì chi phí nhân công và phí kho bãi tăng cao. Apple thiệt hại 6 tỷ USD doanh thu vì không đáp ứng kịp nhu cầu, dự báo con số có thể còn tăng lên trong quý tới.

Theo Shanella Rajanayagam, chuyên gia kinh tế của HSBC, tình trạng căng thẳng của mạng lưới vận chuyển có thể được cải thiện vào đầu tháng 2, sau kỳ nghỉ tết Nguyên đán dù những gián đoạn sẽ kéo dài đến tận giữa năm sau. Tuy nhiên, chắc chắn nhu cầu chi tiêu bù và tích trữ hàng hóa sẽ tiếp tục tạo áp lực lên chuỗi cung ứng. Do đó cần thời gian lâu hơn để chuỗi cung ứng hoàn toàn hồi phục.

Một cuộc khủng hoảng đang đe dọa nhấn chìm kinh tế toàn cầu, khiến các NHTW tiến thoái lưỡng nan vì nguy cơ trì trệ đi kèm với lạm phát  - Ảnh 2.

Một chiếc xe mới của hãng Mercedes-Benz đang nằm ở cảng Barcelona, Tây Ban Nha. Ảnh: Bloomberg.

Chúng ta không thể biết điều gì sẽ xảy đến tiếp theo, một phần bởi số lượng "nút thắt cổ chai" trên cả hành trình dài từ dây chuyền sản xuất đến những giỏ hàng của người tiêu dùng là quá lớn. Vì đó là cả 1 dây chuyền có nhiều công đoạn, người này phải chờ người kia, thời gian trì hoãn càng kéo dài hơn.

Đại dịch khiến tất cả đảo lộn

Thông thường hệ thống logistics sẽ dễ dàng điều chỉnh theo chu kỳ lên xuống của kinh tế toàn cầu. Lực cầu tăng sẽ thúc đẩy thương mại, đẩy giá cước tăng và đem đến thời kỳ vàng son cho các nhà vận chuyển – cho đến khi công suất gia tăng quá mức và ngành này bước vào thời kỳ suy giảm.

Tuy nhiên đại dịch đã làm đảo lộn tất cả. Bất chấp kinh tế toàn cầu đang có những dấu hiệu tăng trưởng chậm lại, mạng lưới thương mại quốc tế chưa bao giờ tắc nghẽn đến thế.

Hơn 70 con tàu đang xếp hàng ở vùng biển ngoài khơi cảng Los Angeles, với số lượng container cỡ 20 feet chất đầy số hàng hóa đủ để trải dài từ Nam California đến Chicago. Và kể cả khi những con tàu khổng lồ này có thể cập cảng, số hàng hóa vẫn sẽ tiếp tục bị mắc kẹt tại cảng, chờ đợi một thời gian rất lâu để được vận chuyển vào sâu trong đất liền.

Giải pháp dài hạn hơn yêu cầu thế giới phải kiểm soát được Covid-19, xây dựng hệ thống cơ sở hạ tầng mới hiện đại và hiệu quả hơn, đồng thời cải tiến công nghệ để thực hiện các giao dịch số hóa và trao đổi thông tin nhanh chóng hơn.

Các nút thắt cổ chai thường xuất hiện sau khi có ổ dịch mới và hiện tượng thời tiết cực đoan vừa diễn ra. Ví dụ, mới đây vì dịch bùng phát trở lại ở Singapore mà tình trạng tắc nghẽn đã xảy ra. Đó là 1 rắc rối đối với Mỹ, nơi nguồn cung quần áo và đồ điện tử gia dụng phụ thuộc rất nhiều vào nước ngoài. Và với tỷ lệ tiêm chủng ở nhiều nước châu Á còn thấp, vấn đề này sẽ không sớm biến mất.

Simon Heaney, chuyên gia tại công ty nghiên cứu Drewry, để chuỗi cung ứng hồi phục đôi lúc cần đến may mắn (tránh được thời tiết xấu hoặc dịch bệnh), cộng với thời gian và cả vốn đầu tư để nâng công suất.

Một cuộc khủng hoảng đang đe dọa nhấn chìm kinh tế toàn cầu, khiến các NHTW tiến thoái lưỡng nan vì nguy cơ trì trệ đi kèm với lạm phát  - Ảnh 3.

Những kệ hàng trống trơn tại 1 siêu thị ở Colorado, Mỹ. Ảnh: AP.

Đối với nền kinh tế toàn cầu vừa mới thoát khỏi cuộc suy thoái tồi tệ nhất trong lịch sử, không quá đáng ngại, thậm chí là tốt khi tình trạng thiếu cung một phần xuất phát từ nhu cầu quá lớn. Tuy nhiên, vẫn có rất nhiều rắc rối đi kèm.

Tỷ lệ lạm phát đã bị đẩy lên mức đủ cao để các nhà hoạch định chính sách tiền tệ cảm thấy không an tâm. Tại Mỹ, con số là 5,4% và được dự báo sẽ ở mức 4-5% trong năm tới nếu như tình trạng căng thẳng nguồn cung không được cải thiện.

Một cuộc khủng hoảng đang đe dọa nhấn chìm kinh tế toàn cầu, khiến các NHTW tiến thoái lưỡng nan vì nguy cơ trì trệ đi kèm với lạm phát  - Ảnh 4.

Điều đó không có nghĩa là thế giới sẽ quay trở lại trạng thái "trì lạm" (trì trệ đi kèm với lạm phát) như nước Mỹ những năm 1970. Khi đó Mỹ đã thực hiện những chính sách sai lầm và nền kinh tế phát triển quá nóng trong suốt 1 thập kỷ để dẫn đến kết cục lạm phát tăng lên mức hơn 10%. Hiện tại nhiều khả năng Cục dự trữ liên bang và NHTW các nước sẽ không lặp lại sai lầm đó một lần nữa. Hơn nữa tỷ lệ thất nghiệp đang ở mức rất thấp so với những năm 1970 và còn đang có xu hướng giảm.

Dẫu vậy tình thế hiện nay vẫn đem đến một bài toán siêu thách thức cho các NHTW. Nếu giữ lãi suất ở mức thấp như hiện tại, kinh tế toàn cầu sẽ tiếp tục hồi phục nhưng tồn tại nguy cơ lạm phát tăng vọt. Tăng lãi suất có thể giúp kiềm chế lạm phát, nhưng lại sai ở chỗ không phải bằng cách tăng cung mà lại giảm cầu – điều này giống như 1 bác sĩ phẫu thuật tuyên bố "ca mổ thành công nhưng bệnh nhân đã chết".

Thị trường đang dự đoán Fed sẽ tăng lãi suất 2 lần trong năm 2022, nhưng mô hình dự đoán của Bloomberg Economics cho thấy nếu như lạm phát tiếp tục ở mức cao, 2 lần vẫn là chưa đủ.

Tất nhiên dự báo này hoàn toàn có thể sai. Lực cầu sẽ ngay lập tức giảm xuống sau khi các gói kích thích Covid-19 phai nhạt dần hay nỗi lo Fed siết chặt chính sách tiền tệ khiến niềm tin tiêu dùng bị xói mòn. Xu hướng chuyển từ chi tiêu mua hàng hóa sang chi cho dịch vụ (đang diễn ra ở Mỹ) sẽ giúp thu hẹp khoảng cách giữa cung và cầu. Kinh tế Trung Quốc giảm tốc sẽ làm cho giá hàng hóa cơ bản hạ nhiệt.

Dẫu vậy, cuộc khủng hoảng hiện nay là chưa từng có tiền lệ, do đó chúng ta cũng không thể dự báo chính xác điều gì sẽ diễn ra tiếp theo.

Tham khảo Bloomberg

Thu Hương

Doanh Nghiệp Tiếp Thị

Trở lên trên