MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Một loạt ngân hàng sa sút kết quả kinh doanh ngoại hối

23-10-2019 - 14:45 PM | Tài chính - ngân hàng

Một mẫu số thể hiện rõ trong mùa báo cáo tài chính các ngân hàng quý III/2019: hoạt động kinh doanh ngoại hối suy giảm hoặc lỗ tại nhiều thành viên.

Từ thời điểm giữa tháng 10, các ngân hàng đã bắt đầu nhập cuộc mùa báo cáo kinh doanh. Cho tới thời điểm hiện tại, đã có 13 ngân hàng chính thức công bố BCTC quý III/2019.

Bên cạnh kết quả khá khả quan của phần lớn các thành viên, thì một điểm chung và kém đi trong bức tranh kết quả kinh doanh 9 tháng đầu năm của các nhà băng chính là hoạt động kinh doanh ngoại hối .

Theo khảo sát của BizLIVE, thì có tới 9/13 ngân hàng (tương đương 69%) ghi nhận lợi nhuận mảng kinh doanh ngoại hối giảm trong 9 tháng đầu năm. Trong đó, có 3 thành viên báo lỗ.

VPBank là một điển hình. Kết thúc quý III/2019, ngân hàng này bất ngờ báo lỗ tới hơn 81 tỷ đồng hoạt động kinh doanh ngoại hối, trong khi cùng kỳ năm trước vẫn ghi nhận lãi tới gần 218 tỷ đồng. Lũy kế 9 tháng đầu năm, VPBank lỗ hơn 117 tỷ đồng mảng này, so với mức lãi 251 tỷ đồng cùng kỳ.

VPBank theo đó cũng đang tạm thời dẫn đầu các ngân hàng báo lỗ mảng kinh doanh ngoại hối, và cũng là thành viên ghi nhận mức đi xuống mạnh nhất.

Trong khi đó, tại VIB, kết quả kinh doanh ở mảng này cũng không có dấu hiệu được cải thiện khi tiếp tục báo lỗ hơn 28 tỷ đồng trong riêng quý III/2019, tăng lỗ gấp đôi so với cùng kỳ, nâng lỗ lũy kế 9 tháng lên gần 115 tỷ đồng, tăng lỗ gấp 5,5 lần so với cùng kỳ (VIB lỗ gần 21 tỷ đồng trong 9 tháng đầu năm 2018).

Tại NCB, kết quả ở mảng này có dấu hiệu cải thiện khi chỉ còn lỗ hơn 100 triệu đồng trong quý III/2019, so với mức lỗ tới 14 tỷ đồng cùng kỳ. 9 tháng đầu năm, NCB lỗ mảng kinh doanh ngoại hối hơn 5 tỷ đồng, giảm 2/3 so với mức lỗ gần 16 tỷ đồng cùng kỳ.

Ở một loạt các nhà băng khác, mặc dù họat động kinh doanh ngoại hối vẫn ghi nhận lợi nhuận, nhưng lại sụt giảm mạnh so với cùng kỳ năm trước.

Như tại SeABank, kết thúc 9 tháng đầu năm, kinh doanh ngoại hối chỉ còn mang về cho ngân hàng 15 tỷ đồng, giảm tới gần 79%  so với con số 70 tỷ đồng cùng kỳ năm trước.

Tại BacABank, lợi nhuận 9 tháng ở hoạt động này cũng giảm tới 68% trong 9 tháng, còn vỏn vẹn 3 tỷ đồng. Nguyên nhân chủ yếu là do trong quý III/2019 ngân hàng lỗ tới 4,2 tỷ đồng đã kéo lợi nhuận có được từ 2 quý trước…

Một loạt ngân hàng sa sút kết quả kinh doanh ngoại hối - Ảnh 1.

Trước đó, từ đầu năm 2019 đến giữa tháng 4, tỷ giá USD/VND và thị trường ngoại tệ tương đối ổn định, thanh khoản thị trường tốt, Ngân hàng Nhà nước thậm chí đã mua được lượng lớn ngoại tệ bổ sung dự trữ ngoại hối.

Tuy nhiên, từ giữa tháng 4/2019, tỷ giá USD/VND có xu hướng tăng và bắt đầu tăng nhanh từ ngày 6/5, đánh dấu đợt biến động nổi bật nhất và đầu tiên của năm 2019.

Trong đó, cao điểm của đợt biến động tỷ giá USD/VND được ghi nhận vào ngày 20/5, với giá USD các ngân hàng bán ra lên tới 23.470 - 23.495 đồng, tăng tới gần 200 đồng so với vùng giá 23.300 đồng được duy trì khá ổn định trước đó.

Theo đánh giá của các chuyên gia, đợt biến động tỷ giá này chủ yếu do tác động của yếu tố bên ngoài liên quan đến những thông tin về đàm phán thương mại Mỹ - Trung làm gia tăng quan ngại về khả năng xung đột thương mại quốc tế diễn biến tiêu cực và leo thang.

Về nguyên nhân nội tại, tỷ giá lên cao một phần đến từ việc các ngân hàng mua lại ngoại tệ để cân bằng trạng thái do trước đó đã bán cho Ngân hàng Nhà nước với kỳ vọng sẽ mua được USD giá rẻ hơn từ nguồn vốn đầu tư nước ngoài - mà các ngân hàng kỳ vọng sẽ chảy mạnh vào trong nước, nhưng thực tế đã không diễn ra trong thời gian đó.

Tuy vậy, sau đó, nhờ các biện pháp điều hành linh hoạt của Ngân hàng Nhà nước, tỷ giá trong nước đã bắt đầu ổn định trở lại.

Trong nửa cuối quý III/2019, tỷ giá USD/VND liên tiếp giảm nhanh và mạnh. Diễn biến này "bất chấp" cả sự kiện đồng Nhân dân tệ vượt mốc 7.0 và thậm chí lên tới 7.2 trong quy đổi với USD. Tỷ giá USD/VND đã đứt gãy lớn so với đợt biến động trong quý II/2019, rồi trở về vùng gần như không thay đổi so với cuối năm 2018.

Trên thị trường liên ngân hàng, nguồn cung ngoại tệ có những thời điểm ùn ứ và Ngân hàng Nhà nước ngừng mua vào, khiến giá USD giao dịch trên thị trường này nhiều lúc xuyên thủng cả "ngưỡng chặn" 23.200 VND mà Sở Giao dịch Ngân hàng Nhà nước niêm yết mua vào.

Theo Trần Thúy

BizLive

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên