MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Một năm Nghị quyết 35, doanh nghiệp vẫn khó tiếp cận vốn ngân hàng

16-05-2017 - 17:13 PM | Tài chính - ngân hàng

Nổi cộm là việc thế chấp tài sản để vay vốn tại các tổ chức tín dụng...

Thực chất, doanh nghiệp chưa được hưởng lợi nhiều từ chính sách hỗ trợ lãi suất, Bộ Kế hoạch và Đầu tư báo cáo sơ kết một năm thực hiện Nghị quyết 35 của Chính phủ về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp đến năm 2020.

Chưa được hưởng lợi nhiều

Về vấn đề tiếp cận vốn của doanh nghiệp, báo cáo cho biết để duy trì lãi suất hợp lý, Ngân hàng Nhà nước đã chỉ đạo các tổ chức tín dụng thực hiện các biện pháp cân đối vốn duy trì ổn định lãi suất huy động, tiết giảm chi phí hoạt động, nâng cao hiệu quả kinh doanh để có điều kiện giảm lãi suất cho vay.

Mặt bằng lãi suất huy động ổn định từ cuối tháng 9/2016. Một số tổ chức tín dụng lớn đã điều chỉnh giảm từ 0,3-0,5%/năm lãi suất huy động và có xu hướng giảm khoảng 0,5-1%/năm.

Hiện lãi suất cho vay phổ biến 6-9%/năm đối với ngắn hạn, 9-11%/năm đối với trung và dài hạn, đối với nhóm khách hàng tốt, lãi suất cho vay ngắn hạn từ 4-5%/năm. Ngân hàng Nhà nước đã chỉ đạo các tổ chức tín dụng tập trung nghiên cứu đề xuất các chương trình nhằm tạo thuận lợi cho doanh nghiệp và người dân tiếp cận vốn và các dịch vụ ngân hàng phục vụ hoạt động sản xuất, kinh doanh có hiệu quả, khuyến khích công bố những gói sản phẩm hỗ trợ doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp nhỏ và vừa.

Một số ngân hàng thương mại đã chủ động xây dựng các chương trình tín dụng ưu đãi lãi suất để hỗ trợ doanh nghiệp. Tuy nhiên, theo phản ánh từ phía cộng đồng doanh nghiệp, vấn đề tiếp cận vốn còn rất nhiều khó khăn, nổi cộm là việc thế chấp tài sản để vay vốn tại các tổ chức tín dụng.

Báo cáo viết, đề nghị các tổ chức tín dụng cần chú trọng hơn vào các biện pháp đảm đảm vốn vay khác ngoài tài sản thế chấp, theo quy định tại Thông tư số 39/2016/TT-NHNN.

Về hỗ trợ giảm lãi suất của các ngân hàng thương mại, cơ quan xây dựng báo cáo phản ánh: doanh nghiệp mong muốn lãi suất cho vay về dài hạn tiếp tục giữ ổn định để hỗ trợ hoạt động sản xuất kinh doanh. Lãi suất cho vay của các tổ chức tín dụng còn ở mức cao, việc tiếp cận vốn vay còn nhiều khó khăn, thủ tục cho vay rườm rà, thời gian kéo dài.

Việc áp dụng lãi suất ưu đãi thấp hơn 1% theo chỉ đạo của Thủ tướng tại hội nghị năm 2016 chỉ được thực hiện trong 6 - 12 tháng đầu của hợp đồng tín dụng, nên thực chất doanh nghiệp chưa được hưởng lợi nhiều từ chính sách này.

Bên cạnh đó việc thế chấp quyền sử dụng đất để vay vốn ngân hàng và huy động vốn dài hạn của các doanh nghiệp thứ cấp gặp một số khó khăn. Cụ thể, một số nhà đầu tư kinh doanh kết cấu hạ tầng khu công nghiệp, cụm công nghiệp, khu chế xuất đã thu tiền thuê lại đất của doanh nghiệp nộp một lần cho cả thời gian thuê nhưng không nộp vào ngân sách nhà nước làm ảnh hưởng đến quyền thế chấp để vay vốn ngân hàng...

Còn vài vụ oan sai

Một năm trước, gặp mặt doanh nghiệp khi mới đắc cử, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã nhấn mạnh, tinh thần của Chính phủ là thực hiện đúng Hiến pháp, đổi mới sự lãnh đạo, bảo vệ quyền tài sản, quyền kinh doanh của doanh nghiệp.

Chính vì vậy phải tháo gỡ mọi rào cản, đặc biệt là chống tiêu cực, tham nhũng, tinh thần lớn nhất là không hình sự hoá các quan hệ hành chính và kinh tế.

Đánh giá sau một năm, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, về nội dung không hình sự hoá các quan hệ kinh tế, Bộ Công an chỉ đạo thường xuyên kiểm tra việc chấp hành pháp luật trong điều tra, khởi tố các vụ án, nhất là các vụ án có liên quan đến doanh nghiệp.

Tuy nhiên, còn xảy ra một vài vụ oan sai, do cán bộ công an chưa chấp hành nghiêm pháp luật, nhũng nhiễu người dân và doanh nghiệp. Ngành công an đã xử lý nghiêm những sai phạm theo quy định.

Việc chỉ đạo các sở, ban, ngành, UBND cấp quận, huyện không hình sự hóa các quan hệ kinh tế của UBND cấp tỉnh chưa có hành động cụ thể, mới chỉ có quy định về nội dung này trong cam kết ký với VCCI về tạo môi trường kinh doanh thuận lợi cho doanh nghiệp- Bộ nhận định.

Liên quan đến nhóm giải pháp giảm chi phí kinh doanh cho doanh nghiệp, báo cáo nêu rõ, phản ánh chung cho thấy vẫn còn nhiều khó khăn, vướng mắc gây bức xúc trong doanh nghiệp.

Cụ thể, các giải pháp giảm chi phí kinh doanh cho doanh nghiệp theo tinh thần nghị quyết 35 chưa đi vào thực tế và còn chậm. Doanh nghiệp vẫn phản ánh các trạm thu phí còn dầy và mức phí cao làm gia tăng gánh nặng chi phí cho doanh nghiệp.

Ngoài ra, vấn đề nợ, thanh toán chậm và thủ tục phiền hà đối với các khoản thanh toán cho các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ cho cơ quan nhà nước chưa được giải quyết dứt điểm, ảnh hưởng đến khả năng tài chính của doanh nghiệp, một số doanh nghiệp thậm chí dẫn đến phá sản đặc biệt là các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực xây dựng, xây lắp....

Theo Nguyên Vũ

Vneconomy

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên