MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Một nửa dân số Việt Nam chưa có tài khoản tại ngân hàng

22-01-2018 - 12:34 PM | Tài chính - ngân hàng

Theo Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Kim Anh cho biết, hiện nay, mặc dù Việt Nam có dân số cao nhưng tỷ lệ tài chính toàn diện còn thấp, còn khoảng một nửa dân số chưa có tài khoản tại ngân hàng.

Nguyên nhân là do còn tồn tại một số rào cản chính đối với tiếp cận và sử dụng dịch vụ tài chính chính thức, như: mạng lưới chi nhánh và phòng giao dịch của ngân hàng còn chưa tiếp cận được đến vùng sâu, vùng xa, chi phí dịch vụ cao, quy trình, thủ tục mở tài khoản còn phức tạp.

Được biết, tài chính toàn diện ngày nay đã trở thành mối quan tâm toàn cầu, là chìa khóa giúp xóa đói giảm nghèo, giảm bất bình đẳng xã hội và là cơ hội cho nhiều người để đi tới tương lai. Mục tiêu của tài chính toàn diện hoàn toàn phù hợp với đường lối Chiến lược phát triển kinh tế xã hội của Việt Nam.

 Một nửa dân số Việt Nam chưa có tài khoản tại ngân hàng  - Ảnh 1.

Tuy vậy, hệ thống tài chính ngân hàng Việt Nam đã có những bước tiến đáng kể, nhưng không phải mọi người dân và doanh nghiệp đều đã được thụ hưởng những thành quả phát triển đó.

Trong khi những người dân đô thị và các doanh nghiệp lớn tiếp cận khá dễ dàng đến các dịch vụ do các định chế tài chính cung cấp thì dân cư nông thôn, vùng sâu, vùng xa, các doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa vẫn đang gặp không ít trở ngại.

Ngành nông nghiệp là một trong ba ngành kinh tế trụ cột và đóng vai trò quan trọng trong nền kinh tế quốc dân, nhưng tài trợ cho nông nghiệp mới chỉ chiếm khoảng 10% danh mục tín dụng của các ngân hàng Việt Nam.

Để tháo gỡ những rào cản trên đòi hỏi phải có những sửa đổi về mặt chính sách và khuôn khổ pháp lý hợp lý nhằm tăng tỷ lệ tiếp cận của người dân và doanh nghiệp với các dịch vụ tài chính cơ bản chính thức. Kinh nghiệm quốc tế cho thấy những quốc gia đã ban hành Chiến lược quốc gia về tài chính toàn diện (NFIS) có thể đạt được các mục tiêu đề ra về tài chính toàn diện thành công và hiệu quả hơn.

Hiện nay trên thế giới đã có khoảng 35 quốc gia công bố Chiến lược quốc gia về tài chính toàn diện và khoảng 25 quốc gia khác đang trong qua trình xây dựng Chiến lược.

Hiện Ngân hàng Nhà nước đang trong quá trình xây dựng Chiến lược quốc gia về tài chính toàn diện trên cơ sở tiếp cận tổng thể, trong đó tài chính toàn diện được định nghĩa là việc tiếp cận và sử dụng các sản phẩm và dịch vụ tài chính cơ bản của cá nhân và doanh nghiệp, bao gồm thanh toán, chuyển tiền, tiết kiệm, cho vay, bảo hiểm theo nhu cầu, thuận lợi, phù hợp và có chi phí hợp lý.

Việc thiết kế và xây dựng được một chiến lược quốc gia về tài chính toàn diện hiệu quả sẽ tạo ra nền tảng, lộ trình và định hướng giúp Việt Nam thực hiện thành công các cải cách, qua đó hoàn thành các mục tiêu tài chính toàn diện quốc gia.


Theo Hải Châu

Công an nhân dân

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên