MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Một số cách chiêu tài khai vận cho năm mới

23-01-2020 - 11:10 AM | Bất động sản

Trong phong thủy bài trí nhà cửa dịp đầu năm mới, mọi người còn khai vận chiêu tài bằng vật phẩm, cây cối có năng lượng dồi dào, đem lại không khí tươi mới giúp tinh thần phấn chấn, mọi chuyện hanh thông.

Dưới đây là một số cách khai vận đơn giản cho năm mới:

Một số cách chiêu tài khai vận cho năm mới - Ảnh 1.

Cóc Thiềm thừ là một trong những vật phẩm phong thủy chiêu tài cho năm mới

1. Khai vận bằng vật phẩm

Sử dụng đá thạch anh

Đá là một chất liệu tự nhiên tồn tại hàng nghìn năm nên bản thân nó tích trữ nguồn năng lượng rất dồi dào. Các loại đá, ngọc quý vì thế được tin rằng sẽ đem đến vận may, một số loại còn có thể hỗ trợ trị liệu, tốt cho sức khỏe.

Để tận dụng nguồn năng lượng tích cực này, dịp đầu năm mới bạn có thể đặt khối cầu thạch anh màu tím hoặc cây ngũ hành khai vận ở trên bàn của phòng làm việc. Điều này sẽ tạo cơ hội để được quý nhân trợ giúp, tăng cường vận may.

Những viên đá thạch anh nhỏ còn được cất vào trong tủ giày dép ngoài cửa đi để gia tăng vận may cho gia chủ. Tuy nhiên, mỗi tuần bạn cần vệ sinh tủ giày dép thật sạch sẽ, có thể xịt thêm nước thơm để trừ khử mùi, tạo cảm giác thư thái, tự tin mỗi khi lấy giày dép đi ra ngoài.

Sử dụng vật phẩm phong thủy

Một số loại vật phẩm phong thủy có tác dụng chiêu tài lộc cũng được sử dụng để khai vận trong năm mới. Chẳng hạn, đặt một cặp tỳ hưu với đầu nhìn thẳng ra cửa tại phòng khách, cửa hàng, hoặc phòng làm việc, công ty sẽ giúp trấn trạch, trừ tà và chiêu tài lộc. Đặt Thiềm Thừ (Cóc tài lộc 3 chân) và hai đồng hoa mai vào trong két sắt là cách được các doanh nhân sử dụng để giúp khai vận tài lộc.

Sử dụng mùi hương

Hương thơm có tác dụng rất tích cực với tinh thần, tâm trạng của con người. Ngoài tạo cảm giác thư giãn, một số mùi hương còn kích thích giác quan, tạo sự hưng phấn trong công việc, cuộc sống. Vì thế, vào đầu năm mới, sau khi đã dọn dẹp sạch nhà cửa, hãy tạo những mùi thơm dễ chịu bằng cách xịt hoặc khuếch tán tinh dầu bạc hà, hương trà, hoa loa kèn… Mùi hương giúp loại trừ các khí uế tại mọi ngóc ngách trong các phòng. Mùi hương được duy trì đều đặn còn giúp cải thiện trường khí, chiêu tài khai vận.

Ngoài các loại tinh dầu thơm, hoa tươi là cách tạo mùi hương đơn giản, dễ chịu đồng thời còn giúp trang trí căn phòng, không gian đẹp mắt. Những ngày đầu năm mới có thể cắm hoa tươi tại vị trí Huyền quan hoặc hướng Tây Bắc của phòng khách để khai vận.

2. Khai vận bằng cây phong thủy

Một số loại cây cảnh không chỉ có tác dụng trang trí giúp không gian sinh động, tươi mới dịp đầu năm mà còn được tin là sẽ mang đến nhiều điều may mắn cho gia đình. Theo phong thủy, những loại hoa cây cảnh như hoa mai, hoa đào, cây quất, đỗ quyên… có tác dụng chiêu tài, giúp gia đình gặp nhiều thuận lợi hơn trong năm mới.

Hoa mai

Hoa mai với màu vàng tươi rực rỡ tượng trưng cho sự phú quý, giàu sang. Trong những ngày đầu năm mới, người dân miền Trung, miền Nam rất thích trưng cành mai vàng nhiều lộc bởi theo quan niệm  phong thủy dân gian, hoa mai nở vào dịp đầu năm mới sẽ mang đến nhiều may mắn, hạnh phúc cho gia chủ.

Hoa đào

Trong phong thủy, hoa đào là tượng trưng hoàn hảo của ngũ hành. Loại hoa nở báo hiệu mùa xuân này vì thế rất được ưa chuộng để trưng bày trong năm mới. Một cành đào khoe sắc trước ngõ hay trong phòng khách giống như mang mùa xuân đến cho gia đình.

Một số cách chiêu tài khai vận cho năm mới - Ảnh 2.

Hoa đào 5 cánh là biểu tượng hoàn hảo của ngũ hành trong phong thủy

Màu hoa từ hồng phớt đến đỏ thẫm đại diện cho vận may, nguồn sinh khí mới cho gia đình. Trong quan niệm dân gian, hoa đào còn được tin là có thể trừ tà, giúp mọi người bình an.

Hoa cúc

Trong quan niệm phong thủy, hoa cúc với màu sắc tươi nhuận, lâu tàn nên trở thành biểu tượng của sức khỏe, trường thọ và phúc lộc. Vì thế, trong ngày Tết, các gia đình cũng rất ưa chuộng trưng một bình hoa cúc trên bàn phòng khách hay những chậu cúc vàng rực trước nhà. Việc trồng những chậu cúc nhỏ hay cắm hoa cúc trong nhà còn có thể giúp ổn định phúc khí cho gia đình. Để tăng thêm vận may, gia chủ nên đặt cúc ở những vị trí có nhiều ánh sáng.

Cây quất, quýt

Cây quất với hình dáng đẹp, lá tròn xanh tốt, quả chính màu vàng căng mọng là tượng trưng sự thu hoạch, sự viên mãn và dấu hiệu về một khởi đầu tốt đẹp. Do đó loại cây này rất được ưa chuộng trong phong thủy trang trí nhà cửa, nhất là vào dịp đầu năm mới. Chủ nhà thường chọn cây có lá dày, xanh tốt, trên cây có đủ hoa, nụ, quả xanh, quả chín và lộc non tượng trưng cho một vòng sinh trưởng, đem đến khởi đầu suôn sẻ, tăng tiền tài, vận may cho các thành viên trong gia đình.

Hoa thủy tiên

Hoa thủy tiên có củ màu trắng như củ hành, toàn bộ rễ, thân, lá đặc biệt là hoa đều rất đẹp nên được trồng trong bình thủy tinh trong suốt để dễ chiêm ngưỡng. Vẻ đẹp thanh tao, quý phái của hoa thủy tiên giúp loại cây này trở thành một trong những thú chơi cây cảnh được nhiều người yêu thích. Hoa thủy tiên rất khó chăm sóc, rất kiêu kỳ, nhưng vẻ đẹp của loài hoa này rất xứng đáng với công sức bỏ ra. Ngoài giá trị thẩm mỹ, hoa thủy tiên còn có tác dụng khử tà, mang lại cát tường như ý, đặc biệt là tăng thêm tài khí cho gia đình. Những người chơi hoa có kinh nghiệm sẽ biết cách "hãm" để hoa nở đúng vào dịp tết, mang lại niềm vui, phấn khởi và khai vận năm mới.

Cây sung cảnh

Sung có sức sống rất tốt, rất dễ trồng và chăm sóc, dễ tạo dáng bonsai nên là một trong những loại cây cảnh được ưa chuộng nhất. Quả sung (thực chất là hoa) có dáng tròn trịa, mọc thành chùm chi chít nên tượng trưng cho sự no đủ, sung túc. Do đó, đầu năm mới, chủ nhà thường chọn một cây sung có dáng đẹp và nhiều quả để trưng trong nhà với hi vọng sẽ gặp nhiều điều tốt lành trong năm mới.

Hoa đồng tiền

Cây hoa đồng tiền có thân mọc sát mặt đất, chỉ có lá và hoa lộ bên trên rất đẹp mắt. Hoa đồng tiền có nhiều cánh, nhiều màu sắc rực rỡ nên cũng thường được trang trí trong nhà vào đầu xuân năm mới với ý nghĩa tượng trưng cho tiền tài, may mắn, giúp khai vận tài lộc đầu năm.

3. Một số tập tục của người Việt giúp khai vận đầu năm

Đầu năm mới, nhất là dịp Tết Nguyên đán, người Việt vẫn thực hiện nhiều phong tục đã gìn giữ qua nhiều đời như xông đất, xông nhà, bày mâm ngũ quả, mừng tuổi, khai bếp… Chia sẻ trên VnExpress, Tiến sĩ Trần Long - Trưởng bộ môn Văn hóa Việt Nam, khoa Văn hóa học, Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn Tp.HCM cho rằng, đây là những tập tục chứa đựng nét đẹp văn hóa của người Việt, đồng thời một số phong tục còn hội tụ yếu tố ngũ hành tương sinh.

Dưới đây là một số tư vấn của Tiến sĩ Long để mọi người giữ gìn được văn hóa truyền thống và đón năm mới bình an, nhiều tài lộc:

Khai bếp

Đây là một tập tục đã có nhiều cải biến để phù hợp với cuộc sống hiện đại, nhưng vẫn giữ nguyên ý nghĩa, giá trị.

Từ cách đây rất lâu, gian bếp đóng vai trò rất quan trọng trong mỗi gia đình, với ý nghĩa tái tạo sức lao động và "giữ lửa" hạnh phúc. Cha ông ta thưở xưa vào mỗi dịp Tết thường quây quần trong gian bếp, bên nồi bánh chưng với bếp lửa hồng, tạo nên không khí gia đình ấm áp.

Ngày nay, cuộc sống hiện đại với chất lượng được nâng cao, gian bếp rực hồng củi lửa với nồi bánh chưng đã dần trở thành ký ức. Nhưng ước mong về một gia đình ấm áp, sum vầy từ những bữa cơm thân thuộc vẫn còn đó. Từ nguyện vọng "giữ lửa", giữ không khí ấm áp đoàn viên cho gia đình, khái niệm lạ mà quen xuất hiện: khai bếp. Thực tế, trong dịp lễ tết, các gia đình thường tự nấu nướng thức ăn, bếp được sử dụng ngay đầu năm mới nhưng ít ai gọi đó là khai bếp. Chỉ khi nhu cầu giữ hơi ấm gia đình ngày đầu năm tăng lên, mọi người mới chú ý hơn đến thời khắc khai bếp và khái niệm này cũng trở nên phổ biến.

Theo Tiến sĩ Long, thủ tục khai bếp đúng cần hội đủ 5 yếu tố tượng trưng ngũ hành: kim (nồi, chảo), mộc (đũa tre, muôi thìa gỗ), thủy (chất lỏng, dầu ăn), hỏa (bếp) và thổ (yếu tố trung tâm - người khai bếp). Cần lưu ý, việc khai bếp không nên thực hiện quá nóng vội, không nên để lửa bếp quá lớn, chuẩn bị kỹ nguyên vật liệu (gas, dầu) để không bị thiếu thốn vào đầu năm.

Lì xì (mừng tuổi)

Vào đầu năm mới, khi đi chúc Tết, người lớn thường mang theo các phong bao màu đỏ, trong có một số tiền nhỏ (thường là tiền mới) để lì xì cho các cháu bé, người già. Đây là phong tục khá đẹp, thể hiện quan niệm "kính già, quý trẻ". Ngoài ra, phong bao màu đỏ cũng tượng trưng cho những điều may mắn, tốt lành, mang ý nghĩa là sự giúp đỡ vô tư, chúng ta cho đi cũng là nhận lại niềm vui, may mắn đầu xuân.

Trưng bày mâm ngũ quả

Mâm ngũ quả có nguồn gốc từ triết lý âm dương ngũ hành, cũng là hướng tới ý nghĩa hài hòa trong phong thủy. Một mâm ngũ quả đầy đủ phải gồm các loại quả đại diện cho 5 màu - 5 vị - 5 mùi, cũng là 5 yếu tố ngũ hành (Kim, Mộc, Thủy, Hỏa, Thổ), thể hiện lòng thành kính dâng lên tổ tiên thành quả lao động, những tinh hoa quý giá nhất của đất trời và cầu mong mọi sự hanh thông trong năm mới.

Vỡi mỗi vùng miền, mâm ngũ quả có một chút đổi khác tùy vào điều kiện thổ nhưỡng và yếu tố nhân sinh quan. Chẳng hạn, ở miền Bắc, mâm ngũ quả bao giờ cũng có chuối xanh vì có hình dáng giống bàn tay Phật với nguyện ước được chở che. Còn lại là những loại quả có màu sắc tượng trưng cho ngũ hành như nho, táo, cam, quýt, bưởi,...

Trong khi đó, người miền Nam lại không thích dùng táo, chuối mà lại chuộng mãng cầu, dừa, đu đủ, xoài, sung... với quan niệm "cầu gì dâng nấy".

Ngày nay, giao thương thuận tiện nên mâm ngũ quả cũng phong phú hơn trước. Các vùng miền có sự giao lưu văn hóa mạnh hơn nên người dân có nhiều lựa chọn, miễn là theo nguyên tắc đủ 5 loại để trưng mâm ngũ quả.

Ngoài các cách khai vận nói trên, việc dọn dẹp nhà cửa sạch sẽ, sắm sửa các vật dụng mới, loại bỏ đồ cũ hỏng cũng là một cách giúp ngôi nhà có thêm nhiều vượng khí.

Theo Ngọc Sương (tổng hợp)

Diễn đàn doanh nghiệp

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên