MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Một vài ngân hàng đang phải lên "dây cót" huy động vốn

06-09-2016 - 10:39 AM | Tài chính - ngân hàng

Có ngân hàng liên tục điều chỉnh tăng lãi suất tiết kiệm nhằm thu hút nguồn tiền nhàn rỗi trong dân cư bởi trong thời gian gần đây, tốc độ tăng trưởng huy động vốn của nhà băng này giảm rất mạnh.

Mới đây, trên thị trường đã xuất hiện một vài ngân hàng rục rịch tăng lãi suất huy động nhằm cân đối nguồn vốn đẩy ra nền kinh tế.

Theo khung lãi suất mới nhất được áp dụng từ ngày 1/9, VPBank lại điều chỉnh lãi suất ở các kỳ hạn ngắn.

Cụ thể, ngân hàng tăng lãi suất huy động kỳ hạn 1 tháng thêm 0,2% từ 4,8% lên 5,0%; tăng lãi suất huy động kỳ hạn 2 tháng thêm 0,2% từ 5,0% lên 5,2%; tăng lãi suất huy động kỳ hạn 3 tháng thêm 0,1% từ 5,2% lên 5,3%.

Ở các khoản tiền gửi lớn từ 5 tỷ trở lên, hiện lãi suất huy động kỳ hạn 5 tháng là 5,5%, kỳ hạn 6 tháng 6,5%, kỳ hạn 7 tháng 6,6%, kỳ hạn 8-11 tháng 6,7% và kỳ hạn 12 tháng 6,9%. Bên cạnh đó, VPBank cũng điều chỉnh tăng 0,1% lần lượt đối với các kỳ hạn 13 và 15 tháng, lên 7%.

Trước đó, hồi đầu tháng 7, biểu lãi suất huy động mới áp dụng từ ngày 01/07/2016, VPBank điều chỉnh tăng ở hầu hết các kỳ hạn, trong đó kỳ hạn 5-12 tháng tăng 0,3% so với biểu lãi suất áp dụng từ cuối tháng 5.

Sau khi đi ngược chiều với hàng loạt ngân hàng khác - họ chạy đua tăng lãi suất thì VPBank lại giảm nhẹ lãi suất tiết kiệm thì bắt đầu từ tháng 7 đến nay, nhà băng này liên tục điều chỉnh tăng trở lại.

Một trường hợp khác, từ cuối năm trước đến nay Eximbank là ngân hàng luôn cần mẫn tăng lãi suất huy động. Ngày 25/8, Eximbank đã điều chỉnh tăng bảng lãi suất huy động ở các kỳ hạn dài. Theo đó, lãi suất huy động kỳ hạn 1 tháng ở mức 4,6%; kỳ hạn 2 tháng và 3 tháng lần lượt ở mức 4,8% và 5,2%, đặc biệt là kỳ hạn 7 tháng lên 5,9%, kỳ hạn 9 tháng lên 6%.

Ở kỳ hạn 13 tháng, lãi cuối kỳ, đối với tài khoản tiền gửi, tiết kiệm mở mới với mức gửi từ 500 tỷ đồng trở lên, lãi suất của ngân hàng lên tới 7,5%/năm. Đây cũng là mức lãi suất hấp dẫn nhất trên hệ thống hiện nay.

Tuy nhiên, theo khảo sát của chúng tôi, việc tăng lãi suất chỉ là hiện tượng nhỏ lẻ tại một vài ngân hàng như Maritime Bank, Đông Á,...muốn thu hút nguồn tiền nhàn rỗi trong dân cư, những ngân hàng quốc doanh, lãi suất vẫn đang đứng yên.

Những ngân hàng trên tăng lãi suất đầu vào cũng là điều dễ hiểu bởi tốc độ tăng trưởng huy động vốn của họ giảm hoặc tăng trưởng rất thấp trong thời gian gần đây. Ví dụ như VPBank. Trong nửa đầu năm, cho vay khách hàng đạt 118 nghìn tỷ đồng, tăng vỏn vẹn 1,7%. Tiền gửi của khách hàng cũng chỉ ở mức ngang bằng số cho vay khách hàng - 118 nghìn tỷ đồng, giảm 9% so với đầu năm, trái ngược hoàn toàn so với các ngân hàng khác, huy động vốn luôn tăng trưởng ở mức cao.

Trong khi đó, Báo cáo của Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia cho biết, tính đến cuối tháng 8, vốn huy động của các tổ chức tín dụng tăng khoảng 11% so với đầu năm, nhưng tín dụng chỉ tăng ở mức tương đương so cùng kỳ năm trước 9,2% và chưa có dấu hiệu bứt phá trong quý 3 năm nay. Điều này cho thấy ngân hàng đang dư thừa tiền và không cho vay được.

Trên thị trường liên ngân hàng, báo cáo mới đây cho thấy, lãi suất liên ngân hàng đang ở mức thấp nhất trong lịch sử. Vài năm qua, mức lãi suất tiền đồng trên thị trường liên ngân hàng tụt xuống dưới 2% đã được coi là thấp. Nhưng trong nhiều tuần qua, mức lãi suất này vẫn liên tiếp giảm dần, đến nay giảm mạnh về mức thấp kỷ lục trong lịch sử nhiều năm trên thị trường tiền tệ sơ cấp: dưới 0,5%/năm. Điều này cho thấy các ngân hàng tiếp tục dư thừa thanh khoản trong hệ thống.

Kim Tiền

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên