MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Mua hộ và ký hộ SÉC sẽ bị xử lý ra sao?

28-08-2016 - 17:27 PM | Tài chính - ngân hàng

Nếu nhân viên ngân hàng vi phạm quy định về việc kiểm soát séc gây ra lợi dụng, thất thoát tài sản của khách hàng thì ngân hàng phải chịu trách nhiệm bồi hoàn.

Séc là một trong những phương tiện thanh toán đã có lâu đời ở các nước phát triển. Dựa trên Công ước thế giới về Séc năm 1933, các nước đều ban hành Luật Séc và các văn bản hướng dẫn thực hiện Luật Séc.

Tại Việt Nam, Nhà nước cũng đã ban hành nhiều văn bản pháp luật để điều chỉnh hoạt động này, như Bộ luật Dân sự 2005, Luật các công cụ chuyển nhượng 2006, Nghị định số 96/2014/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiền tệ và ngân hàng, Thông tư số 22/2015/TT-NHNN quy định về hoạt động cung ứng và sử dụng séc…

Tuy nhiên, việc thực hiện mua séc và ký tên trên tờ séc tại các ngân hàng hiện nay vẫn đang diễn ra nhiều sai phạm bởi việc thực hiện sai quy trình từ phía nhân viên, cán bộ quản lý ngân hàng và từ cả phía khách hàng. Hậu quả là nhiều thiệt hại lớn đang phải nhờ đến sự can thiệp của cơ quan điều tra để làm rõ và phân định trách nhiệm của các bên có liên quan cũng như sẽ truy tố trách nhiệm hình sự những người vi phạm pháp luật.

Ai là người được mua và ký séc?

Séc hay chi phiếu là một loại giấy tờ có giá do người ký phát (khách hàng) lập, ra lệnh cho người bị ký phát (ngân hàng hoặc tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán được phép của Ngân hàng nhà nước Việt Nam) trích một số tiền nhất định từ tài khoản thanh toán của mình để thanh toán cho người thụ hưởng.

Khi có nhu cầu sử dụng séc, chủ tài khoản thanh toán hoặc người được chủ tài khoản thanh toán ủy quyền lập giấy đề nghị cung ứng “séc trắng” nộp cho ngân hàng, trong đó séc trắng là chứng từ để lập séc, được các ngân hàng in sẵn theo mẫu nhưng chưa được điền đầy đủ nội dung và chưa có hiệu lực là một tờ séc. Trên cơ sở chứng từ này, chủ tài khoản hoặc người được chủ tài khoản thanh toán ủy quyền lập nên tờ séc để trả cho người được trả tiền.

Ngân hàng có trách nhiệm kiểm tra điều kiện của người mua séc trắng lúc nhận được giấy đề nghị cung ứng séc trắng theo đúng quy định tại Thông tư số 22/2015/TT-NHNN về hoạt động cung ứng và sử dụng séc có hiệu lực thi hành kể từ ngày 12/01/2016.

Do đó, người được mua séc hoặc ký tên trên tờ séc để trả cho người được trả tiền chỉ có thể là chủ tài khoản thanh toán (là người đại diện theo pháp luật hoặc đại diện theo ủy quyền của doanh nghiệp) hay là người do chủ tài khoản uỷ quyền. Đồng thời, ngân hàng cũng phải có trách nhiệm trong việc kiểm tra tính hợp lệ của giấy đề nghị cung ứng séc trắng và séc sau khi khách hàng đã ký.

Trách nhiệm của người vi phạm quy định trên ra sao?

Trong Giấy đề nghị cung ứng séc, khách hàng phải xác định rõ với ngân hàng, người đến mua séc là chủ tài khoản thanh toán hay là người được ủy quyền sử dụng tài khoản thanh toán và người được uỷ quyền nhận séc là ai. Đồng thời, giấy đề nghị này cũng phải có chữ ký đầy đủ của chủ tài khoản/ người được ủy quyền và người nhận séc. Nếu là người được uỷ quyền thì người đó phải có giấy uỷ quyền của chủ tài khoản, trong đó phải xác định rõ nội dung uỷ quyền, thời hạn uỷ quyền và chữ ký của hai bên.

Khi séc được xuất trình để thanh toán theo thời hạn tại ngân hàng thì ngân hàng phải kiểm tra tính hợp pháp, hợp lệ của tờ séc và có trách nhiệm thanh toán cho người thụ hưởng hoặc người được người thụ hưởng ủy quyền đối với tờ séc đảm bảo tính hợp pháp, hợp lệ ngay trong ngày xuất trình hoặc ngày làm việc tiếp theo sau ngày xuất trình đó.

Nếu người ký phát séc là người được chủ tài khoản thanh toán uỷ quyền thì chủ tài khoản thanh toán phải làm đầy đủ thủ tục thông báo, đăng ký chữ ký mẫu, quy định hạn mức (nếu có) với ngân hàng. Chữ ký của người ký phát là chữ ký bằng tay trực tiếp trên tờ séc của người có quyền và nghĩa vụ đối với tờ séc hoặc người được ủy quyền lập và ký phát séc. Chữ ký của người ký phát phải bằng bút mực hoặc bút bi theo chữ ký mẫu đã đăng ký tại ngân hàng, kèm theo họ tên và theo dấu (nếu có) của doanh nghiệp trong trường hợp séc do người đại diện hợp pháp của doanh nghiệp ký hoặc chữ ký điện tử (trường hợp xử lý thanh toán bằng điện tử).

Trường hợp nhân viên ngân hàng vi phạm quy định trên về việc kiểm soát séc gây ra lợi dụng, thất thoát tài sản của khách hàng thì ngân hàng phải chịu trách nhiệm bồi hoàn.

Tại vì, theo quy định tại Điều 622 Bộ luật Dân sự 2005, pháp nhân phải có trách nhiệm bồi thường thiệt hại do nhân viên gây ra trong khi thực hiện công việc được giao, và có quyền yêu cầu nhân viên có lỗi trong việc gây thiệt hại phải hoàn trả một khoản tiền theo quy định của pháp luật. Điều đó có nghĩa là, trong thời gian làm việc tại ngân hàng, nhân viên làm sai các quy định về cấp phát séc và duyệt séc để chi tiền theo yêu cầu trên séc cũng như kiểm tra quá trình đó và làm cho khách hàng bị thiệt hại thì ngân hàng phải có trách nhiệm bồi thường cho khách hàng. Sau đó, nếu việc gây thiệt hại đó cho khách hàng là từ lỗi của nhân viên thì ngân hàng có quyền đòi nhân viên bồi thường các thiệt hại lại cho ngân hàng.

Chẳng hạn như trong vụ việc vừa xảy ra tại ngân hàng VPBank, theo đúng quy định của pháp luật, người ký trên Giấy đề nghị mua séc phải là chủ tài khoản hoặc là người do chủ tài khoản uỷ quyền, chữ ký của người ký trên giấy đề nghị này phải khớp với chữ ký mà chủ tài khoản hay người được uỷ quyền đã đăng ký chữ ký mẫu với ngân hàng, nghĩa là phải đúng là chữ ký của Bà Xuân, chứ không là phải chữ ký của ông Trinh (nếu là chữ ký của ông Trinh thì ông này phải có giấy uỷ quyền hợp pháp của Bà Xuân và ông này phải có chữ ký mẫu tại ngân hàng VPBank).

Việc duyệt chi cho các tờ séc cũng vậy, ngân hàng phải kiểm soát đầy đủ các yếu tố như: người thụ hưởng, số tài khoản, số tiền, người ký phát, số tiền, chữ ký của kế toán trưởng (nếu có thì phải đăng ký chữ ký mẫu tại ngân hàng) và chữ ký của người ký phát. Vai trò của kiểm soát viên là vô cùng quan trọng trong giao dịch này. Rõ ràng, nếu có sự thông đồng giữa giao dịch viên, kiểm soát và thủ quỹ thì việc này rất nguy hiểm như kiểm tra chữ ký, chứng minh nhân dân của khách hàng đến giao dịch…nhiều khả năng sẽ bị bỏ qua một cách dễ dàng, và cuối cùng sẽ dẫn đến quyền lợi của khách hàng bị thiệt hại. Nếu nhân viên ngân hàng có sai phạm theo kết quả của cơ quan điều tra thì chắc chắn ngân hàng VPBank sẽ phải bồi thường thiệt hại cho khách hàng.

Còn đối với khách hàng đến giao dịch với ngân hàng, nếu có hành vi giả mạo chữ ký trong việc thực hiện đăng ký mua séc cũng như thực hiện rút tiền bằng séc mà không có giấy uỷ quyền của chủ tài khoản thì được xem là vi phạm điều cấm của pháp luật, được quy định trong Luật các công cụ chuyển nhượng 2006 về việc ký công cụ chuyển nhượng không đúng thẩm quyền hoặc giả mạo chữ ký trên công cụ chuyển nhượng. Các cá nhân vi phạm các quy định này thì tuỳ theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử phạt hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự; nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật.

Theo quy định tại Nghị định số 96/2014/NĐ-CP ngày 17 tháng 10 năm 2014 về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiền tệ và ngân hàng, cá nhân giả mạo chữ ký trên công cụ chuyển nhượng bị xử phạt tiền từ 60 triệu đến 120 triệu đồng và buộc nộp vào ngân sách nhà nước số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm quy định trên.

Bài học nào cho ngân hàng trong quản lý séc ?

Việc kiểm soát nghiêm ngặt quá trình cung cấp séc trắng cũng như chi trả tiền cho người nhận tiền theo lệnh trên séc của chủ tài khoản hoặc người được uỷ quyền hợp pháp của chủ tài khoản theo đúng quy định pháp luật là điều vô cùng cần thiết trong quá trình giao dịch giữa ngân hàng và khách hàng, đặc biệt là khách hàng VIP. Việc thực hiện cần tuân thủ quá trình kiểm tra chữ ký phải đúng với chữ ký mẫu đã đăng ký tại ngân hàng, đảm bảo chữ ký đó phải là của chủ tài khoản hoặc người được uỷ quyền; kiểm tra chứng minh nhân dân của người đến giao dịch phải đúng với người ký phát, người nhận tiền, người nhận séc, người uỷ quyền và người được uỷ quyền giao dịch…

Cần luân chuyển nhân sự theo định kỳ ở các vị trí giao dịch viên, kiểm soát và thủ quỹ nhằm tránh việc thông đồng với nhau và với người đến giao dịch, từ đó hạn chế được thiệt hại cho chủ tài khoản của doanh nghiệp.

Tóm lại, việc mua hộ và ký hộ séc chỉ được phép khi có chủ tài khoản uỷ quyền hợp pháp theo đúng quy định của pháp luật như đã phân tích ở trên. Ngoài ra, trong mối quan hệ với doanh nghiệp, cách ứng xử của ngân hàng cần tế nhị và khôn khéo khi tiếp nhận khiếu nại hay tố cáo của khách hàng về việc quản lý và sử dụng séc trong quá trình giao dịch.

TS. Bùi Quang Tín

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên