MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Mua ngân hàng 0 đồng theo hướng mới

11-10-2017 - 08:58 AM | Tài chính - ngân hàng

Hầu hết các chuyên gia đều cho rằng nhà nước cần thay đổi cách thức mua lại ngân hàng với giá 0 đồng như đã thực hiện vì có nhiều điểm bất hợp lý.

Luật sư - tiến sĩ Bùi Quang Tín, Đoàn Luật sư TP HCM:

Ba phương án xử lý

Việc giải quyết ngân hàng (NH) yếu kém đang được triển khai theo hướng mới. Theo đó, dự thảo Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Các tổ chức tín dụng - có thể được Quốc hội thông qua vào kỳ họp cuối tháng 10 - quy định NH yếu kém bị kiểm soát đặc biệt sẽ được xử lý theo 3 phương án:

Phương án chuyển giao bắt buộc - tức là chủ sở hữu, thành viên góp vốn, cổ đông phải chuyển giao toàn bộ cổ phần, phần vốn góp cho tổ chức tín dụng trong và ngoài nước hoặc nhà đầu tư khác được cơ quan nhà nước có thẩm quyền chỉ định.

Phương án xử lý pháp nhân - được thực hiện dưới hình thức sáp nhập, hợp nhất, chuyển nhượng toàn bộ cổ phần, phần vốn góp, giải thể, phá sản.

Ngân hàng Xây dựng (VNCB) thời điểm bị mua lại với giá 0 đồng vào năm 2015 Ảnh: Tấn Thạnh

Phương án phục hồi - là các biện pháp để NH bị kiểm soát đặc biệt tự khắc phục hoặc được hỗ trợ khắc phục các nguyên nhân dẫn đến tình trạng kiểm soát đặc biệt.

Trong đó, phương án xử lý pháp nhân và phục hồi NH sẽ do Thủ tướng Chính phủ quyết định (các văn bản riêng lẻ mà Thủ tướng có thẩm quyền). Còn phương án phá sản, chuyển giao bắt buộc NH do Chính phủ quyết định (văn bản dưới luật có sự đồng tình của các thành viên Chính phủ)

Luật sư Trương Thanh Đức, CLB Pháp chế ngân hàng:

Cho phá sản nếu âm vốn quá lớn

Tôi đã nói rất nhiều về việc thiếu căn cứ pháp lý của giải pháp mua 0 đồng khi xử lý 3 NH thua lỗ từ lúc còn bàn bạc nhưng tiếc là cuối cùng vẫn được thực hiện. Gần đây, Chính phủ đã nói không dùng biện pháp mua 0 đồng nữa mà sẽ thực hiện chuyển giao bắt buộc. Tôi cho rằng bản chất của 2 giải pháp này là như nhau, chỉ khác về cách nói. Nhưng tính pháp lý của giải pháp chuyển giao bắt buộc thậm chí còn mờ hơn so với giải pháp mua 0 đồng vì dù sao, trong Hiến pháp còn có quy định nhà nước được trưng mua tài sản của tổ chức, cá nhân trong một số trường hợp. Vấn đề tranh cãi là tại sao giá mua lại là 0 đồng. Còn chuyển giao bắt buộc thì không có căn cứ pháp lý.

Quá trình tái cơ cấu tổ chức tín dụng (TCTD) vẫn đang tiếp tục được thực hiện, không loại trừ khả năng sẽ có thêm TCTD thua lỗ, mất vốn. Xét về tính hợp hiến, hợp pháp và quyền lợi của cổ đông, không nên tiếp tục xử lý TCTD yếu kém bằng giải pháp mua 0 đồng. Thay vào đó, cần sử dụng các giải pháp sáp nhập, kiểm soát đặc biệt, phá sản hay giải thể. Những NH được xác định là khó khăn tạm thời thì có thể tiếp tục duy trì. Nếu NH không cứu được nữa, âm vốn như đối với 3 NH đã bị mua 0 đồng thì cần thiết phải cho phá sản theo quy định của pháp luật.

Phá sản NH được xem là nhạy cảm đối với nền kinh tế nhưng có thể giảm tác động bằng cách kéo dài thời gian phá sản 5-10 năm. Trong quá trình này, cần bảo đảm quyền lợi cho người gửi tiền và các cổ đông thông qua cơ chế bảo hiểm tiền gửi, thanh lý tài sản.

Chuyên gia kinh tế Nguyễn Trí Hiếu:

Không có lợi cho cả cổ đông và nhà nước

Không ai biết đến nay, sau khi được mua lại, 3 NH 0 đồng đang ở tình trạng như thế nào. Về hình thức, 3 NH này vẫn hoạt động nhưng không có thông tin về "sức khỏe tài chính", thanh khoản và đặc biệt là đã được bổ sung vốn điều lệ tối thiểu 3.000 tỉ đồng theo quy định hay chưa.

Theo tôi, giải pháp 0 đồng không phải tối ưu như NH Nhà nước đã đánh giá. Cách làm này chưa có tiền lệ ở Việt Nam và hình như thông lệ quốc tế cũng chưa có. Thế giới chỉ có 3 cách xử lý NH thua lỗ, yếu kém. Đó là cho sáp nhập; quốc hữu hóa bằng cách bỏ tiền ngân sách ra mua lại theo giá thị trường, có thẩm định giá tài sản và đàm phán giá "thuận mua vừa bán" giữa cổ đông với bên mua lại. Cách thứ 3 là phá sản, thanh lý tài sản để trả tiền cho người gửi và cổ đông.

Mua lại NH yếu kém với giá 0 đồng không có lợi cho cổ đông cũng như nhà nước. Về phía cổ đông thì đã rõ rồi, vì NH âm vốn nhưng ít nhất vẫn còn giá trị thương hiệu, là tài sản hữu hình cần phải được định giá để từ đó đưa ra giá bán. Về phía nhà nước, 2 NH VietinBank và Vietcombank phải đứng ra "gánh" bằng cách "bơm máu" để 3 NH 0 đồng hoạt động và phân công cán bộ sang điều hành - cũng là gánh nặng cho các NH tiếp nhận. Bản thân cán bộ được chỉ định cũng thấy áp lực vì không biết kết quả có tiến triển không, ảnh hưởng đến thu nhập và lo lắng trách nhiệm trước các khoản thua lỗ.

TS Nguyễn Văn Thuận, Trường Đại học Tài chính - Marketing:

Cần sự đồng thuận từ cổ đông

Việc xử lý một NH yếu kém phải được NH đó tổ chức đại hội cổ đông bất thường để quyết định. Theo đó, hội đồng quản trị công bố báo cáo tài chính đã được kiểm toán, vốn chủ sở hữu âm và đưa ra phương án chuyển giao bắt buộc, bán toàn bộ cổ phần cho tổ chức khác hoặc NH Nhà nước sẽ can thiệp bằng hình thức giải thể, sáp nhập… để cổ đông bỏ phiếu thông qua.

Do đó, khi NH Nhà nước mua lại NH thương mại yếu kém hay can thiệp bằng nhiều hình thức khác, cần có sự đồng thuận của đại hội cổ đông.

Ngân hàng 0 đồng đã "khỏe" lại?

Sau khi mua NH Xây dựng (VNCB), NH Đại Dương (OceanBank), NH Dầu khí Toàn cầu (GP Bank) với giá 0 đồng, NH Nhà nước giao cho Vietcombank, VietinBank hỗ trợ về thanh khoản, nhân lực, công nghệ để các NH này tiếp tục hoạt động, từng bước xử lý nợ xấu, thu hồi số tiền đã cho vay, khắc phục năng lực tài chính.

Nhờ các giải pháp này nên từ năm 2015 đến nay, các NH 0 đồng hoạt động khá ổn định. Người gửi tiết kiệm đều rút được tiền đều đặn. Nhiều sản phẩm, dịch vụ của các NH này vẫn được người dân đón nhận.

Điển hình, tại thời điểm bị mua 0 đồng, VNCB luôn đối mặt tình trạng mất thanh khoản. Thế nhưng, hiện tại, thanh khoản ở trạng thái tăng trưởng giúp NH này kinh doanh với tất cả các mảng tiền gửi, cấp tín dụng cho doanh nghiệp, khách hàng cá nhân, phát triển dịch vụ bán lẻ, đáp ứng hầu hết nhu cầu của khách hàng, nâng mạng lưới giao dịch lên tới 112 điểm gắn liền với 1.500 nhân viên…

C.Thy

Theo Tô Hà - Thy Thơ

Người lao động

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên