MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Mức lợi nhuận thấp một cách khó hiểu của CGV khi thống trị thị trường rạp chiếu phim Việt Nam

22-06-2016 - 17:00 PM | Doanh nghiệp

Trong năm 2015, cùng với việc tăng gấp rưỡi số lượng cụm rạp chiếu phim thì doanh thu của CGV cũng tăng gấp rưỡi lên gần 1.800 tỷ đồng.

Năm 2011, hãng giải trí Hàn Quốc CJ CGV chi 73,6 triệu USD mua 92% cổ phần của Envoy Media Partners, công ty sở hữu 80% cổ phần của hệ thống rạp chiếu phim Megastar. Tức hệ thống rạp chiếu phim Megastar được định giá lên đến 100 triệu USD.

Sau đó 2 năm, Tập đoàn PPG Group đến từ Malaysia cũng đã chi 20 triệu USD để mua lại 24,8% cổ phần của CTCP Phim Thiên Ngân – Galaxy Studio. PPG đã định giá Galaxy Studio ở mức gần 80 triệu USD dù quy mô nhỏ hơn Megastar khá nhiều.

Doanh thu tăng gấp đôi, lợi nhuận giật lùi

Năm 2012, năm đầu tiên hoạt động dưới sự kiểm soát của ông chủ mới, hệ thống Megastar – sau đó đã đổi tên thành CGV – công bố đạt 732 tỷ đồng doanh thu. Hai năm tiếp theo, doanh thu dao động quanh ngưỡng 1.100 tỷ đồng trước khi nhảy vọt một lần nữa lên 1.764 tỷ đồng trong năm 2015.

Mức tăng gấp rưỡi này tương ứng với mức độ mở rộng hệ thống cụm rạp của CGV trong năm. Nếu như cuối năm 2014 hệ thống CGV có 20 cụm rạp với 133 phòng chiếu thì đến cuối năm 2015 đã là 30 cụm rạp với 196 phòng chiếu.

Bên cạnh nguồn thu từ rạp chiếu phim, phát hành phim, các rạp chiếu phim còn có nguồn thu đáng kể từ bán bỏng ngô, nước uống tại rạp.

Tuy nhiên, một điều đáng nói là kể từ khi đổi chủ thì lợi nhuận của CGV lại đi xuống một cách khó hiểu bất chấp doanh thu tăng phi mã. Từ mức 137 tỷ năm 2012, lợi nhuận sau thuế năm 2015 của CGV chỉ còn 32 tỷ đồng. Nguyên nhân được đưa ra là lợi nhuận của CGV Việt nam giảm do đang tiếp tục đầu tư mở rộng mạng lưới và biến động của tỷ giá.

Lùm xùm tỷ lệ ăn chia với các rạp

Sức mạnh của CGV không chỉ đến ở hệ thống rạp mà còn ở khâu phát hành phim. Đầu tháng 5/2016, 8 đại diện các nhà sản xuất, phát hành phim Việt Nam cùng gửi thư đến Hội Điện ảnh VN khiếu nại hệ thống rạp CGV chèn ép họ qua sự bất hợp lý trong tỷ lệ ăn chia phòng vé và hình thức chiếu phim rạp.

Theo đó, phim Việt Nam do CGV phát hành tại hệ thống rạp khác có tỷ lệ ăn chia là 55/45 (CGV hưởng 55%). Trong khi phim Việt Nam do các doanh nghiệp trong nước phát hành tại hệ thống CGV, tỷ lệ vẫn là 45/55. Nghĩa là nhà phát hành chỉ được hưởng 45%, CGV hưởng 55% doanh thu chiếu phim trong tuần đầu tiên, tỷ lệ hạ dần theo tuần.


Platinum, Galaxy hay BHD tỏ ra khá chậm trong việc mở rộng số cụm rạp của mình

Platinum, Galaxy hay BHD tỏ ra khá chậm trong việc mở rộng số cụm rạp của mình

Do số lượng rạp của CGV quá lớn (hiện chiếm 40% tổng số rạp phim trong cả nước) nên các doanh nghiệp điện ảnh trong nước không còn cách nào khác là phải chịu sự áp đặt của CGV. Nếu không đồng ý tỷ lệ này thì phim của họ sẽ không được chiếu trên 40% số rạp, có nghĩa sẽ mất 40% doanh thu.

Đơn khiếu nại khẳng định, tỷ lệ này chưa từng xảy ra trên thế giới khi hệ thống rạp chiếu phim lại nhận được lớn hơn nhà sản xuất và phát hành - những người bỏ chi phí lớn, không chỉ cho sản xuất phim mà còn cho marketing và phát hành phim.

Kiến Khang

Trí Thức Trẻ

Trở lên trên