MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Mục tiêu 1 triệu doanh nghiệp đến năm 2020 – liệu có khả thi?

Các chuyên gia khuyến cáo, bên cạnh phát triển số lượng, cần quan tâm nhiều hơn đến chất lượng doanh nghiệp.

Để tạo động lực quan trọng thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 35 về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp đến năm 2020 với mục tiêu là có 1 triệu doanh nghiệp hoạt động hiệu quả.


(Ảnh minh họa: tbck.vn)

(Ảnh minh họa: tbck.vn)

Theo đó, năm 2016, số doanh nghiệp thành lập mới đã đạt kỷ lục và xu hướng này vẫn tiếp tục trong những tháng đầu năm nay. Tuy nhiên, hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp trên thực tế không mấy lạc quan khi số doanh nghiệp giải thể, tạm ngừng hoạt động cũng tương đương với số doanh nghiệp thành lập mới. Điều này cũng cho thấy “sức khỏe” của khối doanh nghiệp vẫn còn không ít vấn đề.

Theo Cục Quản lý đăng ký kinh doanh, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tính chung 4 tháng đầu năm nay, cả nước có gần 39.600 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới với tổng vốn đăng ký gần 370 nghìn tỷ đồng. Tuy nhiên, tăng trưởng GDP quý 1 năm nay lại thấp nhất trong 3 năm gần đây.

Giải thích cho vấn đề này, ông Phạm Đình Thúy, Vụ trưởng Vụ Thống kê Công nghiệp, Tổng cục Thống kê cho biết, dù tăng mạnh về số lượng doanh nghiệp, nhưng đa phần trong số đó là doanh nghiệp vừa, nhỏ và siêu nhỏ (chiếm đến 89,7% tổng số doanh nghiệp thành lập mới) nên đóng góp của các doanh nghiệp này cho tăng trưởng kinh tế không nhiều.

Vốn cũng như điều kiện kỹ thuật của doanh nghiệp vừa và nhỏ rất lạc hậu. Do đó, hiệu quả kinh doanh chưa cao và ảnh hưởng đến lợi nhuận. Đây là thực trạng của nền kinh tế Việt Nam cũng như khối doanh nghiệp, trong khi khối doanh nghiệp đóng góp tới trên 60% vào GDP, và là xương sống, phản ánh sức khỏe của nền kinh tế, ông Thúy đánh giá.

Trong 4 tháng đầu năm nay, cả nước có hơn 15.900 doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động không đăng ký hoặc chờ giải thể và 4.057 doanh nghiệp giải thể, tăng mạnh so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, chủ yếu là những doanh nghiệp có quy mô vốn dưới 10 tỷ đồng. Điều này cho thấy, cộng đồng doanh nghiệp vẫn phải đối mặt với nhiều khó khăn

Theo ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, số lượng doanh nghiệp “từ giã” thị trường vẫn còn cao chứng tỏ việc tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp chưa được như kỳ vọng.

Có đến gần 60% doanh nghiệp không phát sinh thuế thu nhập doanh nghiệp. Điều đó cho thấy là các doanh nghiệp Việt Nam vẫn chưa thực sự cải thiện được hiệu quả hoạt động của mình, ông Lộc lưu ý.

Theo các chuyên gia kinh tế, mục tiêu 1 triệu doanh nghiệp đến năm 2020 vẫn còn nhiều rào cản, không chỉ do “sức khỏe” nội tại của khối doanh nghiệp, nhất là khối doanh nghiệp nhỏ và vừa, mà còn do chất lượng khởi nghiệp ở Việt Nam còn nhiều hạn chế, một số nơi các doanh nghiệp khởi nghiệp còn gặp khó về thủ tục…

Báo cáo chỉ số khởi nghiệp toàn cầu (GEM) 2015-2016 cho thấy, trong 12 chỉ số về hệ sinh thái khởi nghiệp, không chỉ số nào của Việt Nam được đánh giá tốt hơn 3 nước Philippin, Malaysia, Thái Lan và có tới 8 chỉ số Việt Nam kém hơn các nước này.

Ông Nguyễn Hòa Bình, Chủ tịch HĐQT Công ty Peacesoft cho biết, chính sách của Việt Nam liên tục thay đổi và môi trường kinh doanh, các quy định pháp lý nhiều khi thiếu thống nhất, kém minh bạch nên đặt doanh nghiệp và nhà đầu tư vào nhiều rủi ro.

Trong buổi tổng kết về tình hình triển khai thực hiện Nghị quyết 35 sau một năm triển khai cho thấy, mặc dù đã có nỗ lực trong hỗ trợ doanh nghiệp, song việc chuyển động ở một số bộ, ngành, địa phương còn chậm. Một số bộ, ngành vì lợi ích cục bộ, chưa thực sự thay đổi về nhận thức, cơ chế chính sách phục vụ và hỗ trợ doanh nghiệp. Một số bộ, cơ quan ngang bộ chưa tích cực, chủ động trong việc triển khai xây dựng các đề án về cải cách hành chính theo sự phân công của Thủ tướng Chính phủ…

Ông Nguyễn Hữu Lương, Phó Giám đốc Trung Tâm hỗ trợ Doanh nghiệp nhỏ và vừa Hà Nội cho rằng, mục tiêu 1 triệu doanh nghiệp hoạt động hiệu quả vào năm 2020 là không dễ, nếu quyết tâm không đủ lớn, cộng với sự ủng hộ tổng lực của các cấp bộ, ngành, địa phương để tạo lập một môi trường kinh doanh tốt, khơi dậy được cuộc “cách mạng khởi nghiệp” tại Việt Nam.

Với những nỗ lực của Chính phủ trong việc hỗ trợ phát triển doanh nghiệp thời gian qua, đặc biệt, với quyết tâm xây dựng Chính phủ kiến tạo phát triển và hành động, mục tiêu có 1 triệu doanh nghiệp kinh doanh hiệu quả đến năm 2020 có thể đạt được. Tuy nhiên, các chuyên gia khuyến cáo, bên cạnh phát triển số lượng, cần quan tâm nhiều hơn đến chất lượng doanh nghiệp. Cần tạo môi trường kinh doanh tốt để doanh nghiệp bước vào thương trường bền vững./.

Theo Cẩm Tú

VOV

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên