MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Muốn "cứu" ngân hàng thì phải có dòng "tiền tươi thóc thật"

19-01-2017 - 16:06 PM | Tài chính - ngân hàng

Hiện một số ngân hàng đã cạn room cho nhà đầu tư nước ngoài trong khi đó hệ thống đang rất cần dòng tiền thật để tái cấu trúc.

Với bối cảnh hệ thống ngân hàng đang trong giai đoạn tái cơ cấu mạnh mẽ như hiện nay thì việc tăng tỷ lệ sở hữu cho nhà đầu tư nước ngoài (nới room cho khối ngoại) được nhiều người xem là một giải pháp thích hợp để gọi vốn “tiền tươi thóc thật”, dòng tiền bơm vào hệ thống nhằm nâng cao năng lực tài chính, thúc đẩy mở rộng quy mô, xử lý nợ xấu, tiếp thu công nghệ và kinh nghiệm quản trị tốt hơn.

Trao đổi với chúng tôi, lãnh đạo của một ngân hàng thương mại cổ phần cho biết việc nới room có thể theo lộ trình lên 30%, 35%, 40% và những mức khác nữa.

Vị lãnh đạo này cho biết thêm nới room để khuyến khích các nhà đầu tư ngoại tích cực tham gia là điều rất đáng xem xét và đáng làm. Nếu chúng ta có dòng tiền thật là điều vô cùng tốt trong giai đoạn tái cấu trúc của ngân hàng hiện nay. Tuy nhiên việc nới room cũng cần đi theo lộ trình bắt đầu nâng từ 30 lên 49% và sau đó là lên cao hơn.

Chuyên gia tài chính ngân hàng - TS. Nguyễn Trí Hiếu nhận định: "Nới room cho ngân hàng là điều cần thiết bởi nhiều ngân hàng hiện nay đối mặt với áp lực tăng vốn mà tự thân làm được rất khó, trong khi nguồn lực trong nước hạn chế. Có dòng vốn mới thì cần mạnh dạn tăng room lên 49% cho tất cả các NĐTNN".

Ông Hiếu chỉ ra điều này cũng hợp lý khi NHNN đã tuyên bố rõ ràng các nhóm nào tham gia mua cổ phần ngân hàng phải chứng minh được nguồn thu nhập hợp pháp, hợp lệ, phải dùng nguồn tiền thật, không được sử dụng vốn vay lòng vòng dưới bất cứ hình thức nào.

Theo Nghị định 60/2015/NĐ-CP của Chính phủ, hiện tỷ lệ sở hữu nhà đầu tư nước ngoài tại các ngân hàng Việt Nam ở mức 30%, trong đó một tổ chức không được sở hữu quá 20%.

Đứng ở góc độ giới đầu tư nước ngoài, với mức room này họ khó có tiếng nói chi phối trong Hội đồng quản trị. Vì vậy, họ cũng rất mong chờ Chính phủ sớm xem xét nới room.

Về phía các ngân hàng, hiện một số ngân hàng đã cạn room cho nhà đầu tư nước ngoài ví dụ như ABBank. Ngân hàng này đã bán cổ phần cho đối tác nước ngoài lên mức 30%; trong đó, MayBank nắm 20% và IFC nắm 10%. Tại Vietinbank, tổng sở hữu của khối ngoại hiện là 27,75% trong đó The Bank of Tokyo-Mitsubishi UFJ sở hữu 19,73%, hai đơn vị thuộc IFC giữ 8,02%.

Một số ngân hàng khác, tỷ lệ cổ phần nắm giữ của đối tác ngoại cũng đang ở mức tối đa 20% đối với nhà đầu tư tổ chức như HSBC tại Techcombank, Ngân hàng Société Générale tại SeABank, Commonwealth Bank tại VIB; BNP Paribas của Pháp tại OCB,…

Trước đó, đã có một vài ngân hàng đề xuất Chính phủ xem xét nới room ngoại và nếu cần thiết sẽ là ngân hàng thí điểm đầu tiên tăng sở hữu vốn ngoại.

Kim Tiền

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên