MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Muốn thành công, bất cứ ai cũng có thể học những kỹ thuật nói chuyện này của "thánh chém bão" Jack Ma

22-04-2018 - 19:13 PM | Sống

Bạn sẽ không bao giờ nghe thấy Jack Ma đi sâu vào công nghệ của Alibaba, bởi ông đã từng nói mình không am hiểu về máy tính. Tuy nhiên, những bài phát biểu của Jack Ma lại luôn hấp dẫn đại chúng.

Khi xem lại những theo dõi về dữ liệu khán giả từ các video thuyết trình của các CEO công nghệ, tôi nhận thấy rằng không có một ai gây được sự chú ý nhiều như Jack Ma. Có thể bạn cho rằng lý do rõ ràng là Jack Ma giàu và nổi tiếng. Tuy nhiên, lý do không phải chỉ có thế. Có rất nhiều CEO công nghệ cũng giàu và nổi tiếng không kém, như Musk, Zuckerberg, Lei Jun,... Tuy nhiên chẳng những bài phát biểu của ai được nhiều người quan tâm như Jack Ma cả.

Sự thật là với những bài phát biểu trước công chúng, Jack Ma đã làm một số điều khác biêt so với những CEO khác trong ngành. Hầu hết các doanh nhân đều chưa đạt được trình độ nói chuyện như Jack Ma. Tuy nhiên, bạn vẫn có thể học được một số bài học từ cách Jack Ma nói chuyện trước công chúng.

1. Nói chậm và rõ ràng

Nếu bạn mới chỉ nghe Jack Ma nói chuyện bằng tiếng Anh, bạn có thể nghĩ rằng phong cách nói chậm, thận trọng với khoảng ngắt dài là do Jack phải sử dụng ngôn ngữ thứ hai.Tuy vậy, sự thật là ông sử dụng phong cách có chủ ý này ngay cả trong những bài phát biểu tiếng Trung của mình.

Mọi thứ về phong cách phát biểu của Jack Ma đều được "thiết kế" cẩn thận để tối đa hóa sự thấu hiểu của người nghe. Ông nói chậm để người nghe có thể theo dõi. Ông ngắt nghỉ ở những điểm nhấn để khán giả có thể thời gian xử lý và lưu giữ những gì ông nói. Jack Ma cũng thường sử dụng những từ ngữ đơn giản, tránh những ngôn ngữ công nghệ gây khó chịu như các CEO khác.

Kết quả là bất kể ai, kể cả những người không làm việc trong ngành công nghệ hay quan tâm đến các doanh nhân, đều có thể nghe mà hiểu bài phát biểu của Jack Ma. Bạn sẽ không bao giờ nghe thấy Jack đi sâu vào công nghệ của Alibaba, bởi ông đã từng nói mình không am hiểu về máy tính. Tuy nhiên, những bài phát biểu của ông lại luôn hấp dẫn đại chúng.

Nói theo một cách khác, cách Jack Ma làm là: Đơn giản hóa mọi thứ.

Muốn thành công, bất cứ ai cũng có thể học những kỹ thuật nói chuyện này của thánh chém bão Jack Ma - Ảnh 1.

2. Sử dụng từ lặp để nhấn mạnh

Một kỹ thuật hùng biện mà Jack Ma sử dụng là lặp đi lặp lại. Ví dụ, khi nói về vấn đề tuyển dụng, ông nói rằng những người tốt nhất là những người biết tự rèn luyện bản thân. Sau đó, trong câu tiếp theo, ông lặp lại ý này với một từ ngữ khác.

Việc lặp lại này chẳng phải lỗi. Đây là một kỹ thuật nói chuyện có chủ ý. Với việc lặp đi lặp lại một thông điệp với nhiều cách khác nhau, Jack đã nhấn mạnh được quan điểm của mình với khán giả, nhấn mạnh được tầm quan trọng và cho mọi người thời gian để "tiêu hóa" ý nghĩa.

Tuy nhiên, đừng quá lạm dụng kỹ thuật này. Bạn không thể lặp lại tất cả mọi thứ bạn nói để khiến người dùng chán nản. Bạn nên sử dụng kỹ thuật này để nhấn mạnh những điểm chính trong buổi nói chuyện để đảm bảo mọi người hiểu vấn đề trước khi chuyển sang chủ đề tiếp theo.

3. Hài hước

Một điểm khác bạn sẽ nhận thấy về phong cách nói chuyện của Jack Ma là hài hước. Ông thường thích đùa với những điểm yếu của chính mình như hiểu biết công nghệ kém hay không thực sự thông minh. Jack liên tục kể câu chuyện mình là người duy nhất trong nhóm bạn bị KFC và Sở cảnh sát địa phương từ chối tuyển dụng. Ông thậm chí còn gây trò cười với ngoại hình của mình.

Phong cách khiêm nhường của Jack rất hấp dẫn và giải trí. Nụ cười làm cho mọi người cảm thấy vui vẻ. Khi nghe Jack Ma kể những câu chuyện chê bai chính mình giúp người nghe cảm thấy gần gũi với ông hơn. Nó giúp ông trở thành một con người thực sự, gần gũi hơn chứ không phải là một tỷ phú thành công.

Dĩ nhiên, sự hài hước cũng là con dao hai lưỡi, chẳng doanh nhân nào muốn biến mình thành cuốn truyện tranh cả. Tuy nhiên việc gây cười bằng cách nhấn mạnh những sai lầm của bản thân sẽ giúp bạn kết nối khán giả nhanh chóng.

4. Sử dụng ngôn ngữ cơ thể

Một trong những điều đáng chú ý là Jack Ma vẫn là một diễn giả thuyết phục kể cả khi bạn tắt âm thanh video. Bạn hầu như sẽ không bao giờ nhìn thấy Jack đứng sau bục phát biểu. Ông luôn bước lên sân khấu với nhiều cử chỉ và điệu bộ khuôn mặt để nhấn mạnh lời nói của mình. Ngay cả khi ông bị "kẹt" trên một cái ghế trên sân khấu thì Jack vẫn luôn liên tục chỉ tay, vẫy chào, gật đầu,... Jack Ma dùng cử chỉ để củng cố những điều mình nói:

- Dùng tay để tự đếm những mục liệt kê khi ông liệt kê những gì mình không hiểu.

- Dùng cử chỉ vẫy tay để nhấn mạnh rằng mình không hiểu về tiếp thị.

- Dùng ngón tay chỉ lên xuống để nhấn mạnh một bài học đặc biệt quan trọng.

- Dùng một tay chạm ngực để chứng minh rằng mình đã học được bài học đó.

- Đưa tay ra, kéo họ về phía mình để thể hiện ý tưởng tuyển dụng.

- Nắm lấy một ngón tay để nhấn mạnh điểm quan trọng khác.

- Nheo mắt hoài nghi và nhấn mạnh việc phải đánh giá cẩn thận một ứng viên.

- Dùng cử chỉ vẫy tay lần nữa để nhấn mạnh điều gì đó ông nghĩ người nghe không nên làm.

- Xoay tròn bàn tay để gợi ý một công việc hay quy trình nào đó, sau đó kéo tay về phía mình để thể hiện đang được hưởng lợi từ nó.

Tất cả những cử chỉ trên đều diễn ra trong khoảng thời gian chưa đầy 2 phút. Bạn có thể so sánh với những bài phát biểu trong thời gian tương tự của Elon Musk. Hầu như anh ta chẳng làm gì với bàn tay của mình, có chăng chỉ là điều chỉnh tư thế khoanh tay mà thôi. Tuy cả hai người cùng nói những điều thú vị và quan trọng nhưng bài thuyết trình của Jack Ma hẫn dẫn hơn nhiều do ông biết cách sử dụng ngôn ngữ cơ thể để nhấn mạnh quan điểm của mình.

5. Sử dụng phép tương đương

Công nghệ phức tạp, kinh doanh cũng phức tạp chẳng kém. Có thể rất khó khăn cho các diễn giả ngành công nghệ có thể diễn giải một cách dễ hiểu các vấn đề như deep learning, điện toán đám mây hay đầu tư mạo hiểm. Công bằng mà nói thì Jack Ma thường tránh những vấn đề này bằng việc tập trung vào những bài học đơn giản. Ông cũng thường xuyên sử dụng những so sánh tương đương để khiến bài nói của mình dễ hiểu hơn.

Ví dụ, Jack Ma so sánh việc tuyển dụng một người quá giỏi với việc đưa động cơ Boeing vào chiếc máy cày. Sự tương đương này có 2 mục đích. Đầu tiên, nó đáng nhớ và vui nhộn. Hình ảnh chiếc máy cày có động cơ phản lực sẽ theo tâm trí khán giả kể cả sau khi bài diễn văn kết thúc. Điều này khiến họ dễ nhớ. Nhưng đây cũng là một cách tốt để giải thích ý nghĩa. Bởi, không phải ai cũng hiểu tuyển dụng một người quá giỏi lại là đều không tốt. Chẳng phải doanh nghiệp nào cũng muốn tuyển ứng viên tốt nhất sao? Nhưng chắc chắn moi người sẽ hiểu một động cơ phản lực thì hoàn toàn không phù hợp với chiếc máy cày.

Có lẽ đây là kỹ thuật mà Jack Ma thu thập được từ khi còn là giáo viên. Chúng cho phép bạn lấy những gì khán giả đã hiểu để giúp họ hiểu về chủ đề mới. Nếu học tập được Jack Ma, bạn sẽ có khả năng tìm ra sự so sánh độc đáo và thú vị, giúp bài phát biểu của bạn trở nên đáng nhớ hơn.

Muốn thành công, bất cứ ai cũng có thể học những kỹ thuật nói chuyện này của thánh chém bão Jack Ma - Ảnh 2.

6. Giữ quan điểm mạnh mẽ

Một điều khác nữa bạn có thể nhận thấy trong bài phát biểu là Jack Ma không hề dễ thương. Ông luôn giữ những thái độ mạnh mẽ với thái độ thẳng thừng.

Ví dụ, ông gọi những lời phàn nàn của người khác là "ngu xuẩn" và thậm chí chế nhạo họ. Điều này có vẻ hơi khắc nghiệt nhưng những tuyên bố trực tiếp và thẳng thắn thế này lại gây được sự chú ý.

Điều này có thể vẫn còn gây tranh cãi. Nhưng không thể phủ nhận rằng, kỹ thuật hùng biện của Jack Ma đã đưa ra những quan điểm mạnh mẽ để thuyết phục được các bên. Jack Ma rất rõ ràng rằng: Hãy làm điều này chứ đừng làm điều đó. Bạn sẽ chẳng bao giờ thấy ông đề xuất những lựa chọn thay thế hay tự phá những quan điểm của chính mình cả.

Dù cho đây không phải kỹ năng quan trọng nhất, nhưng khả năng nói trước công chúng của một doanh nhân vô cùng quan trọng. Khả năng nói rõ ràng, hấp dẫn sẽ giúp bạn thu hút nhà đầu tư, thuyết phục khách hàng hay chinh phục công chúng,... Vì vậy, hãy nhớ rằng, không một đám đông nào quá nhỏ để bạn học những kỹ thuật này cả.

Theo Mai Lâm

Nhịp sống kinh tế

Trở lên trên