MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Mượn tiền từ “kho hàng” của môi giới để mua cổ phiếu, nhà đầu tư đã ăn trái đắng

Bị môi giới "tịch thu" luôn số tiền đặt cọc, nhà đầu tư H. đã gặp trái đắng khi sử dụng dịch vụ "chui" không được UBCK cho phép. Còn nữ môi giới, uy tín trong nghề hẳn cũng không còn.

Bấy lâu nay, khi nói đến “kho hàng” trong ngành chứng khoán, nhà đầu tư đều hiểu rằng đó là những đầu mối của nhân viên môi giới tại công ty chứng khoán, làm việc “ngoài vòng pháp luật” với hoạt động chính là cho khách hàng vay tiền để mua cổ phiếu hoặc cho vay chứng khoán để bán khống.

Hoạt động cho vay chứng khoán để bán khống được biết đến nhiều hơn vì đã có nhiều trường hợp bị khui ra và bị Ủy ban chứng khoán xử phạt, tiêu biểu nhất là những vụ việc tại CTCK Viễn Đông, CTCK Đại Nam, CTCK Tp.Hồ Chí Minh… xảy ra năm 2012.

Theo đó, nhân viên môi giới có tài khoản đứng tên mình, sẵn lượng cổ phiếu lớn và được ủy quyền bán một số cổ phiếu khác, tạo thành một kho hàng. Kho sẽ cho khách hàng vay chứng khoán để bán, với khoản đặt cọc và lãi suất nhất định (khoảng 1,15%/tuần). Khi đạt được thỏa thuận, nhân viên môi giới thực hiện bán chứng khoán trên tài khoản của mình theo lệnh của khách hàng, sau đó mua lại chứng khoán đó khi được yêu cầu. Dù bản chất là bán khống, nhưng việc mua hay bán chứng khoán đều thực hiện trên chính tài khoản của nhân viên môi giới.

Hoạt động cho vay tiền để mua cổ phiếu cũng giống như nghiệp vụ cho vay ký quỹ tại CTCK, nhưng thay vì tỷ lệ ký quỹ 50% như quy định của pháp luật, tại “kho”, khách hàng sẽ được vay với tỷ lệ ký quỹ chỉ 20% và lãi vay được tính trên toàn bộ số tiền dùng để mua cổ phiếu.

Với hình thức này, rủi ro dường như thuộc về “kho”, khi các hoạt động giao dịch được thực hiện bằng tài khoản của kho, mà các thỏa thuận giữa 2 bên không được xác lập giấy tờ và thường chỉ qua chat skype hay email.

Thế nhưng, khi vay tiền của kho để mua cổ phiếu, một nhóm nhà đầu tư dưới đây đã ăn phải trái đắng.

Anh T. và anh H. – nhà đầu tư tại Hà Nội mở tài khoản tại CTCK V., biết đến kho của môi giới nữ L.A tại CTCK này. Kho của L.A cho khách vay margin với tỷ lệ 2:8, tính lãi 0,05% trên 100% số tiền dùng để mua. Sau khi thỏa thuận, anh T. chuyển khoản tiền cọc của mình và anh H. cho môi giới L.A để thực hiện giao dịch.

Anh T. cho biết mình đã mượn kho để đầu tư nhiều cổ phiếu, trong đó có MTM – CTCP Mỏ và xuất nhập khẩu khoáng sản miền Trung. Đó thật sự là một lựa chọn sai lầm khi MTM bị tạm ngừng giao dịch. Không những thế, sau khi những dấu hiệu lừa đảo tại doanh nghiệp này bị phanh phui thì ngày trở lại sàn của MTM càng lúc càng xa.

Bị ngừng giao dịch đồng nghĩa với kẹt tiền do không bán được cổ phiếu. Theo lời anh T., sau khi bán nhóm cổ phiếu (bằng tài khoản của kho), môi giới L.A đã lấy toàn bộ tiền cọc (tương đương với 70% số tiền cọc mua MTM của anh thay vì 20% cọc như thỏa thuận) và nhập nhằng chiếm dụng 30% tiền từ cọc của anh H. (người không hề đầu tư MTM), nhưng được cho là nộp tiền cọc “hộ bạn” để bù vào giá trị cổ phiếu MTM mà tài khoản của chị đang bị kẹt.

Anh H. đòi kho phải trả lại mình số tiền đã đặt cọc vì mình không liên quan, nhưng môi giới L.A nhất quyết không trả khi số cổ phiếu MTM kia không biết đến khi nào mới bán được, và cho rằng không biết anh H. là ai, anh T. là người chuyển khoản cọc nên cứ “thu tạm” tiền đã.

“Tôi nói sẽ kiện lên Ủy ban chứng khoán, nhưng chị ấy nói rằng giữa chúng tôi không có chứng từ chuyển tiền nào hết.” - Anh H. kể lại.

Đại diện CTCK V. cũng phủ nhận hoàn toàn sự liên quan đến hoạt động tạo kho của môi giới dù trong năm trước, một môi giới tại CTCK này từng bị phạt vì hành vi tương tự. Có vẻ áp lực doanh số đã khiến cho các môi giới phải tung ra những dịch vụ vượt ra ngoài quy định của pháp luật để cung cấp cho khách hàng.

Cuộc đòi nợ giữa anh H. và chị L.A chưa rõ sẽ tiếp diễn ra sao, nhưng câu chuyện là một bài học khá là cay đắng cho những nhà đầu tư sử dụng dịch vụ chui không được Ủy ban chứng khoán cấp phép. Còn đối với nữ môi giới, uy tín trong nghề hẳn cũng không còn.

Hà Phương

Thời Đại

Trở lên trên