MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Mỹ đòn điểm huyệt, Trung Quốc siết chặt, thách thức trụ cột của Việt Nam

Là một trong hai ngành hàng được kỳ vọng sẽ trụ cột tăng trưởng nông nghiệp năm nay, nhưng thế mạnh xuất khẩu thuỷ sản 9 tỷ USD lại đang có chiều hướng lao dốc. Nhiều nhóm hàng xuất khẩu như tôm, cá tra,... sụt giảm mạnh.

Xuất khẩu tôm, cá tra sụt giảm thê thảm

Cách đây không lâu, tại Hội nghị của ngành nông nghiệp, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Xuân Cường nhận định tốc độ tăng trưởng khu vực nông nghiệp 6 tháng đầu năm không cao như năm ngoái. Đây là điều tất yếu vì năm nay, nông nghiệp Việt chịu rất nhiều thách thức lớn.

Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cũng cho rằng, để hoàn thành mục tiêu xuất khẩu đạt 43 tỷ USD năm 2019, cần tập trung đẩy mạnh, phát triển nhanh hơn ở những ngành hàng Việt Nam còn nhiều dư địa. Trong đó, kỳ vọng đặt vào kinh tế lâm sản và thủy sản (gồm cả khai thác và nuôi trồng).

“Đây là 2 khu vực cứu cánh cho mục tiêu tăng trưởng cũng như mục tiêu xuất khẩu, do đó 6 tháng còn lại phải tập trung bứt phá nhanh hơn nữa”, ông Cường nhấn mạnh.

Mỹ đòn điểm huyệt, Trung Quốc siết chặt, thách thức trụ cột của Việt Nam - Ảnh 1.

Xuất khẩu tôm đang giảm đồng loạt ở các thị trường lớn


Theo thông tin từ Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), 6 tháng đầu năm nay, tôm Việt Nam xuất khẩu đạt 1,4 tỷ USD, giảm tới 12% so với cùng kỳ năm 2018. Trong đó, so với cùng kỳ 2018, xuất khẩu tôm chân trắng đạt gần 963 triệu USD, giảm 12%; tôm sú đạt gần 325 triệu USD, giảm 16%; tôm biển khác đạt gần 153 triệu USD, tăng 2%; tôm sú chế biến giảm mạnh nhất 36%.Dù được kỳ vọng, song những tháng gần đây, xuất khẩu thuỷ sản đang chững lại khi 6 tháng đầu năm giá trị xuất khẩu chỉ tăng 0,3% so với cùng kỳ. Đáng chú ý, nhiều nhóm hàng xuất khẩu chủ lực của ngành lại lao dốc, giảm đồng loạt ở các thị trường lớn.

Tại các thị trường lớn, EU ghi nhận sự sụt giảm mạnh nhất. Nửa đầu năm nay, xuất khẩu tôm Việt Nam sang thị trường này đạt 300,5 triệu USD, giảm gần 26% so với cùng kỳ năm 2018.

Lũy kế 6 tháng đầu năm nay, xuất khẩu tôm sang các thị trường chính đều giảm, trong đó xuất khẩu sang Nhật Bản, Mỹ, Trung Quốc giảm ít hơn nhờ tăng trưởng trong tháng 6.

Tương tự, với mặt hàng cá tra, VASEP cũng cho biết, 4 tháng liên tiếp (từ tháng 3 đến tháng 6 năm nay) giá trị xuất khẩu cá tra giảm 6-17,6% so với cùng kỳ năm 2018. Tính đến hết tháng 6, tổng giá trị xuất khẩu cá tra đạt 961,6 triệu USD, giảm 4,1% so với nửa đầu năm trước.

Đáng chú ý, với thị trường lớn là Mỹ, tính đến hết tháng 6, tổng giá trị xuất khẩu cá tra sang Mỹ chỉ đạt 141,9 triệu USD, giảm 27,9% so với cùng kỳ năm trước. Riêng tháng 6, giá trị xuất khẩu cá tra sang thị trường này giảm mạnh tới 40,8%.

Ở thị trường Trung Quốc - Hong Kong (Trung Quốc) cũng không mấy khả quan. Sáu tháng đầu năm nay, xuất khẩu cá tra sang thị trường Trung Quốc có chiều hướng tăng trưởng chậm hơn nhiều so với các năm trước. Tính đến hết tháng 6, tổng giá trị xuất khẩu cá tra sang thị trường này đạt 254,3 triệu USD, tăng 1,2%, chiếm 26,4% tổng giá trị xuất khẩu cá tra.

Đó là chưa kể, thị trường Trung Quốc đang siết chặt buôn bán tiểu ngạch khiến mặt hàng mực, tôm hùm tại một số địa phương đang trong tình trạng bế tắc đầu ra, giá theo đó cũng giảm mạnh.

Liệu có hoàn thành mục tiêu 10,5 tỷ xuất khẩu?

Xuất khẩu mang về 9 tỷ USD năm 2018, ngành thuỷ sản năm nay đặt mục tiêu đạt kim ngạch 10,5 tỷ USD. Song, thực trạng xuất khẩu sang các thị trường lớn đồng loạt sụt giảm mạnh ở những nhóm hàng chủ lực khiến nhiều chuyên gia nghi ngờ: liệu ngành này có hoàn thành mục tiêu và trở thành một trong hai ngành hàng “cứu cánh” cho tăng trưởng cũng như xuất khẩu của nông nghiệp như Bộ trưởng kỳ vọng?

Mỹ đòn điểm huyệt, Trung Quốc siết chặt, thách thức trụ cột của Việt Nam - Ảnh 2.
Xuất khẩu cá tra ở thị trường Mỹ, Trung Quốc cũng đang gặp khó khăn

Nhận định về ngành hàng cá tra từ nay đến hết năm, ông Dương Nghĩa Quốc - Chủ tịch Hiệp hội cá tra Việt Nam, cho rằng, tình hình không dễ dự báo. Để gỡ khó cho toàn ngành, hiệp hội đề nghị các cơ quan quản lý đẩy mạnh xúc tiến thương mại, tháo gỡ những vấn đề cụ thể. Ví dụ, xuất khẩu cá tra sang thị trường Mỹ, Trung Quốc, Brazil,... tắc ở điểm nào thì cơ quan quản lý cùng hỗ trợ doanh nghiệp giải quyết, đừng chỉ hô khẩu hiệu chung chung.

Trong khi đó, ông Trần Đình Luân - Phó tổng cục trưởng Tổng cục Thuỷ sản (Bộ NN-PTNT), lưu ý, cần tiếp tục đẩy mạnh mở rộng thị trường Trung Quốc theo hướng xuất khẩu chính ngạch, tạo cung cầu ổn định lâu dài. Hy vọng, nửa đầu năm Trung Quốc nhập nhiều cá tra đã tiêu thụ hết thì nửa cuối năm nhu cầu tăng lên, xuất khẩu cá tra sẽ được đẩy mạnh hơn.

Ngoài ra, xuất khẩu cá tra còn phải mở rộng sang các thị trường khác, đặc biệt là thị trường trong khối CPTPP và EVFTA.

Ở mặt hàng tôm, VASEP cũng đang đặt kỳ vọng vào những tháng cuối năm nay. Hiệp định EVFTA đã được ký kết vào 30/6. Theo cam kết, mặt hàng tôm sẽ khả quan hơn vì thuế nhập khẩu vào thị trường này sẽ giảm mạnh từ năm đầu tiên, sau đó giảm dần về 0% trong những năm tiếp theo.

Với những ưu đãi thuế quan và môi trường kinh doanh, các doanh nghiệp Việt sẽ có lợi thế hơn so với nhiều quốc gia cùng xuất khẩu tôm khác như Ấn Độ, Thái Lan trong nửa cuối năm nay.

Đặc biệt, tại cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung Quốc, Mỹ đã áp thuế 25% lên các mặt hàng thủy sản từ Trung Quốc, trong đó có tôm. Theo VASEP đây sẽ là cơ hội để Việt Nam đẩy mạnh xuất khẩu tôm vào thị trường Mỹ.

Ngoài ra, trong bối cảnh đồng NDT liên tục bị mất giá so với đồng USD đã tạo chênh lệch mất giá giữa đồng NDT so với VND, giá trị của VND so với NDT tăng lên. Do vậy, giá xuất khẩu tôm từ Việt Nam sang Trung Quốc sẽ cao hơn, làm giảm sức cạnh tranh về giá của tôm Việt Nam.

Theo Tâm An

Vietnamnet

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên