MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Mỹ sợ giám đốc tài chính Huawei bỏ trốn

09-12-2018 - 09:00 AM | Tài chính quốc tế

Bà Meng Wanzhou, giám đốc tài chính của tập đoàn Huawei (Trung Quốc), tiếp tục bị tạm giữ trong nhà tù Canada vào cuối tuần này, sau khi phiên tòa quyết định khả năng tại ngoại của bà hôm 7-12 được dời lại vào sáng 10-12 (giờ địa phương).

Trong phiên tòa, theo đài CBC (Canada), phía Mỹ tin rằng bà Meng đủ điều kiện tài chính và động cơ bỏ trốn khỏi Canada nếu được tại ngoại. Theo hồ sơ của Bộ Tư pháp Mỹ, nữ giám đốc 46 tuổi này "có không dưới 7 hộ chiếu do cả Trung Quốc và Hồng Kông cấp". Đã vậy, cha bà - người sáng lập Huawei Ren Zhengfei - được cho là người giàu thứ 83 thế giới với khối tài sản 3,2 tỉ USD.

Phía Mỹ đang muốn dẫn độ bà Meng sang nước này để đối mặt các cáo buộc "âm mưu lừa gạt nhiều tổ chức quốc tế", với mỗi cáo buộc có mức án tối đa là 30 năm tù. Cụ thể, theo ông John Gibb-Carsley, luật sư đại diện cho bộ trưởng tư pháp Canada, bà Meng bị Mỹ cáo buộc sử dụng một công ty con không chính thức ở Hồng Kông là Skycom để làm ăn với Iran từ năm 2009-2014, vi phạm các lệnh trừng phạt của Mỹ. Bà này cũng bị cho là nói dối ngân hàng - được xác định là HSBC (Anh) - về Skycom.

Mỹ sợ giám đốc tài chính Huawei bỏ trốn - Ảnh 1.

Phóng viên chờ đợi đưa tin bên ngoài Tòa án Tối cao tỉnh British Columbia – Canada hôm 7-12 Ảnh: CANADIAN PRESS

Tin tức bà Meng bị bắt ở Canada gây xôn xao toàn cầu hôm 5-12. Tuy nhiên, lệnh bắt bà được một tòa án ở New York - Mỹ ban hành hôm 22-8, theo ông Gibb-Carsley. Tiếp đó, phía Canada hôm 30-11 ra lệnh bắt giám đốc tài chính Huawei theo yêu cầu của Mỹ sau khi biết bà sẽ quá cảnh ở sân bay Vancouver vào ngày 1-12 trong hành trình từ Hồng Kông tới Mexico.

Ông Gibb-Carsley cho biết thêm bà Meng thường xuyên tới Mỹ trong các năm 2014, 2015, 2016. Tuy nhiên, sau khi Huawei biết chuyện đang bị Mỹ điều tra vào tháng 4-2017, bà Meng cùng nhiều lãnh đạo cấp cao của tập đoàn ngừng tới Mỹ, bất chấp việc bà có người con trai 16 tuổi đang học tại Boston. Đáp lại, luật sư của bà Meng cho rằng do Mỹ cấm sử dụng các sản phẩm Huawei trong các hợp đồng của chính phủ nên tập đoàn bỏ qua thị trường này.

Quy trình dẫn độ có thể kéo dài nhiều tuần hoặc nhiều tháng, tùy theo quy định của nước bắt giữ nghi phạm và nghi phạm có chống lại yêu cầu dẫn độ hay không. Trước mắt, Bộ Tư pháp Mỹ phải cung cấp chứng cứ cho tòa án Canada và đưa ra đề nghị dẫn độ đầy đủ trong vòng 60 ngày kể từ khi nghi phạm bị bắt, theo báo New York Times (Mỹ).

Theo Hải Ngọc

NLĐ

Trở lên trên