MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

NAFTA vắng Canada vì Trudeau sẽ quyết định như với TPP tại Đà Nẵng?

Hoa Kỳ và Mexico đã nhất trí về việc sửa đổi Hiệp định Thương mại Tự do Bắc Mỹ (NAFTA), gây áp lực buộc Canada đồng ý với các điều khoản mới về hoạt động thương mại với mặt hàng xe hơi và các quy định giải quyết tranh chấp để duy trì một phần của hiệp ước giữa ba bên.

NAFTA vắng Canada vì Trudeau sẽ quyết định như với TPP tại Đà Nẵng? - Ảnh 1.

Thỏa thuận chi tiết được tiết lộ ngày 27/8/2018. Trump đe dọa rằng ông vẫn có thể áp thuế nhập khẩu đối với xe hơi Canada nếu nước này không noi gương các quốc gia láng giềng. Trump cũng cho biết ông hy vọng Canada nhượng bộ trong việc bảo vệ các sản phẩm sữa của mình. "Tôi nghĩ với Canada, thẳng thắn mà nói, cách đơn giản nhất mà chúng ta có thể làm là đánh thuế xe của họ. Nó có thể kết thúc trong một ngày", Trump nói.  

Trump và đảng Cộng hòa tại Quốc hội Hoa Kỳ sẽ tái tranh cử vào tháng 11, ông muốn đảm bảo nông dân và các cử tri khác có việc làm đến từ hoạt động thương mại với Canada và Mexico khi thỏa thuận được ký kết. Tuy nhiên, nếu Trump chơi bài ngửa mà không thể đạt được một thỏa thuận với Canada, điều này sẽ gây rắc rối cho ông.  

Cả Quốc hội và Mexico đã nói rằng họ muốn một thỏa thuận ba bên, và một thỏa thuận song phương có thể sẽ phải đối mặt với sự phản đối trong Quốc hội. Với cuộc bầu cử trung hạn, Trump buộc phải đạt được thỏa thuận trước đó nếu không muốn mất một số lá phiếu của đảng Cộng Hòa.  

NAFTA vắng Canada vì Trudeau sẽ quyết định như với TPP tại Đà Nẵng? - Ảnh 2.

Trump đã thảo luận với Thủ tướng Canada Justin Trudeau ngày 27/8, cố vấn kinh tế của ông Larry Kudlow nói với các phóng viên. Thỏa thuận với Mexico sẽ "thiết lập lại" các cuộc đàm phán với Canada. Một số đảng viên Cộng hòa tại Quốc hội Mỹ đã gọi thỏa thuận này là một bước đi tích cực nhưng cũng khẳng định rằng họ muốn Canada phải là một phần của hiệp ước mới.

Nhà đàm phán thương mại hàng đầu của Canada đã họp bàn với các đối tác Mexico và Mỹ tại Washington ngày 28/8 với nỗ lực duy trì một phần của hiệp định thương mại ba bên Bắc Mỹ. Các quan chức Mỹ bày tỏ sự lạc quan một thỏa thuận có thể đạt được trong tuần này.

Một phát ngôn viên của Ngoại trưởng Canada, Chrystia Freeland - người đã đến Washington ngày 28 để chuẩn bị cho các cuộc đàm phán, cho biết Canada chỉ ký một thỏa thuận mới có lợi cho đất nước này.

Ngoại trưởng Canada, Chrystia Freeland tái tham gia các cuộc đàm phán sau một thời gian gián đoạn vài tuần khi Hoa Kỳ và Mexico đưa ra những thay đổi song phương trong việc đàm phán lại hiệp ước. Đây sẽ là một phép thử khó khăn thực sự dành cho Canada. Sau khi đứng bền lề những thỏa thuận song phương giữa Hoa Kỳ và Mexico, Canada giờ đây phải đối mặt với một loạt các yêu sách gây tranh cãi, đồng thời chịu sự đe dọa về thời hạn cuối cùng vào ngày 31/8.

Một trở ngại cho phía Canada là nỗ lực của Mỹ để loại bỏ cơ chế giải quyết tranh chấp của Chương 19 hiệp định - cản trở Hoa Kỳ theo đuổi các trường hợp chống bán phá giá và chống trợ cấp. Đại diện thương mại của Mỹ - Lighthizer cho biết rằng ngày 27/8, Mexico đã đồng ý loại bỏ cơ chế này. Các điểm bất lợi khác bao gồm quyền sở hữu trí tuệ, chẳng hạn như độc quyền dữ liệu 10 năm của Hoa Kỳ và Mexico đối với các nhà sản xuất thuốc sinh học và tăng thời hạn bảo vệ bản quyền từ 50 năm lên 75 năm, cao hơn tất cả các ngưỡng trước đây. "Sau khi bị gạt ra lề trong hơn 2 tháng qua, phía Canada sẽ phải chịu áp lực chấp nhận các điều khoản của Mỹ và Mexico để có thể tái gia nhập NAFTA", theo Reuters.

NAFTA vắng Canada vì Trudeau sẽ quyết định như với TPP tại Đà Nẵng? - Ảnh 3.


Hoa Kỳ và Mexico đã thỏa thuận với nhau về một số điều khoản mà Canada phản đối, khiến bà Freeland khó có thể giành được những nhượng bộ từ Đại diện Thương mại Mỹ Robert Lighthizer. Tuy nhiên, nếu Canada cuối cùng bị loại ra khỏi NAFTA, thỏa thuận của Trump với Mexico sẽ bị gián đoạn trong việc thúc đẩy hoạt động thương mại. Ví dụ, với ngành thương mại ô tô trên khắp Bắc Mỹ, nếu NAFTA không có Canada, Hoa Kỳ và Mexico sẽ buộc phải tái cơ  cấu triệt để các chuỗi cung ứng đó.

Vẫn lạc quan với tình hình trên, ngày 28/8, Bộ trưởng Tài chính Hoa Kỳ Steven Mnuchin nói với CNBC rằng ông tin rằng Hoa Kỳ có thể đạt được thỏa thuận thương mại với Canada trong tuần này. Mnuchin nói: "Thị trường Mỹ và thị trường Canada gắn kết rất chặt chẽ với nhau. Điều quan trọng là họ và chúng tôi đều cần có được thỏa thuận này". Cùng ngày, Ngoại trưởng Mexico Luis Videgaray nói với truyền hình Mexico rằng sẽ cố gắng đạt thỏa thuận ba bên: "Chúng tôi sẽ dành thời gian để đàm phán với Canada".

Nếu các cuộc đàm phán với Canada không được gói gọn trong ngày 31/8, Trump có kế hoạch thông báo cho Quốc hội rằng ông dự định ký một thỏa thuận với Mexico, nhưng sẽ mở cửa cho Canada tham gia. Trong khi đó, Chính phủ Mexico đã đồng thuận, vì Tổng thống Mexico Enrique Pena Nieto muốn ký thỏa thuận trước khi rời văn phòng vào cuối tháng 11, ngay cả khi trước đó họ nói rằng họ muốn một thỏa thuận ba bên.

Thông tin trên đã cải thiện tâm lý chấp nhận rủi ro trên thị trường tài chính, giảm nhu cầu lựa chọn đồng USD làm kênh trú ẩn an toàn. Các cuộc đàm phán giữa ba đối tác, có tổng cộng thương mại tương hỗ lên tới hơn 1,2 nghìn tỷ USD hàng năm, đã kéo dài hơn một năm, gây áp lực lên đồng peso Mexico và đồng đô la Canada. Cả hai đồng tiền tăng giá so với đô la Mỹ hôm thứ hai, nhưng đồng peso suy yếu vào thứ ba.

Tuy nhiên, lãnh đạo đảng Dân chủ Mỹ, ông Chuck Schumer, nói rằng một liên minh song phương Mỹ-Mexico đặt ra "mối quan tâm pháp lý nghiêm trọng" bởi vì cơ quan đàm phán NAFTA yêu cầu một thỏa thuận ba bên. Điều này có thể đòi hỏi một ngưỡng 60 phiếu bầu, ngưỡng khó khăn hơn nhiều, để phê chuẩn một thỏa thuận thương mại song phương giữa Mỹ và Mexico.

NAFTA vắng Canada vì Trudeau sẽ quyết định như với TPP tại Đà Nẵng? - Ảnh 4.

"Chúng tôi công nhận rằng có một khả năng đạt được thỏa thuận trước thứ Sáu, nhưng đây chỉ là một khả năng, bởi vì nó sẽ phải dựa vào việc liệu thỏa thuận cuối cùng có tốt đẹp cho Canada hay không. Không có thỏa thuận NAFTA còn tốt hơn một thỏa thuận NAFTA tồi", ông Trudeau nói trong một buổi họp báo hôm thứ Tư (29/8). Phát ngôn này của Thủ tướng Trudeau như một lời cảnh báo rằng, ông có thể thực hiện điều tương tự như đã làm với TPP-11 ở Đà Nẵng nếu như các thỏa thuận không có lợi cho người dân và đất nước Canada.

Thủ tướng Canada đã đưa ra nhận định trên trong bối cảnh triển vọng đạt được thỏa thuận NAFTA giữa 3 bên Mỹ, Canada và Mexico đang tăng cao, nhất là sau khi Washington và Mexico đã đạt được một thỏa thuận sơ bộ về vấn đề này.

Trong tuyên bố đưa ra ngày 29/8 trước khi đại diện Canada và Mỹ nối lại các cuộc thương lượng về NAFTA, nhà lãnh đạo Canada cho biết có khả năng Ottawa sẽ có được một "thỏa thuận tốt" trong ngày đàm phán này. Trong khi đó, Tổng thống Mỹ Donald Trump cũng có nhận định tương tự khi bày tỏ tin tưởng "cuộc đàm phán sẽ diễn ra tốt đẹp".

Điều khởi sắc nhất có thể nói về thỏa thuận này là bước đi táo bạo - một bước cho thấy chính quyền Trump đã sẵn sàng đàm phán các thỏa thuận thương mại mới chứ không chỉ sử dụng thuế quan để bảo vệ thị trường Mỹ. Nhưng những trở ngại phía trước vẫn còn rất lớn.

Nguyễn Thái Quỳnh Trang

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên