MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Năm 2018: Cục diện vốn hóa TTCK Việt Nam thay đổi, thanh khoản tăng mạnh

Hàng loạt các cổ phiếu lớn lên giao dịch trên thị trường chứng khoán đã khiến vốn hóa tiếp tục tăng mạnh bất chấp thị trường có một năm đi xuống về mặt điểm số.

VN-Index chốt phiên giao dịch cuối cùng của năm 2018 ở mức 892,54 điểm, giảm 91,7 điểm (-9,32%) so với cuối năm 2017. HNX-Index cũng giảm 12,63 điểm (-10,81%) xuống chỉ còn 104,23 điểm. UPCoM-Index có mức giảm khiêm tốn nhất là 3,79% xuống 52,83 điểm. Như vậy, cả ba chỉ số chính của thị trường chứng khoán Việt Nam đều tăng trưởng âm trong năm 2018. Đáng chú ý, nếu tính từ đỉnh lịch sử 1.204,33 điểm được thiết lập ngày 9/4/2018 thì VN-Index đã mất đến gần 26% và là một trong những TTCK có mức giảm từ đỉnh lớn thứ 9 thế giới.

Tuy các chỉ số đều tăng trưởng âm nhưng vốn hóa thị trường cổ phiếu Việt Nam vẫn tiếp tục tăng trưởng trên 2 con số. Tổng vốn hóa thị trường trong năm 2018 đạt hơn 3,96 triệu tỷ đồng, tăng 12,7% so với thời điểm cuối năm 2017. Trong đó, vốn hóa tại sàn HoSE vẫn là lớn nhất với 2,87 triệu tỷ đồng (tăng 10% so với 2017). Vốn hóa sàn UPCoM tiếp tục có sự tăng trưởng vượt bậc với 677.700 tỷ đồng (tăng 32% so với năm trước). Đáng chú ý, với việc thị trường lao dốc kể từ thời điểm tháng 4 và không có cổ phiếu nào đáng chú ý lên niêm yết nên vốn hóa sàn này đã giảm 13,8% xuống chỉ còn hơn 192.000 tỷ đồng.

Năm 2018: Cục diện vốn hóa TTCK Việt Nam thay đổi, thanh khoản tăng mạnh - Ảnh 1.

Vốn hóa ba sàn HoSE, HNX và UPCoM

2018 cũng là năm ghi nhận một kỷ lục về vốn hóa thị trường. Có thời điểm, vốn hóa thị trường chứng khoán (không bao gồm thị trường trái phiếu) tương đương 60,8% GDP và tương đương chỉ tiêu Chính phủ đặt ra vào năm 2020.

Việc vốn hóa thị trường chứng khoán vẫn tăng trưởng mạnh nhờ làn sóng các cổ phiếu lớn lên sàn giao dịch. Năm 2018, thị trường chứng khoán đón nhận hàng loạt cổ phiếu lớn niêm yết và giao dịch, làm thay đổi cục diện của Top10 vốn hóa các doanh nghiệp lớn nhất thị trường. Các cổ phiếu này có thể kể đến VHM của CTCP Vinhomes (HoSE), VGI của Tổng Công ty cổ phần Đầu tư Quốc tế Viettel (UPCoM), TCB của Ngân hàng TMCP Kỹ Thương Việt Nam (HoSE), HDB của Ngân hàng TMCP Phát triển TP HCM (HoSE) và TPB của Ngân hàng Thương mại cổ phần Tiên Phong (HoSE).

Cục diện vốn hóa ở sàn HoSE và UPCoM có sự thay đổi rõ rệt. Ở sàn HoSE, VHM lên giao dịch và chiếm ngay vị trí thứ hai về vốn hóa. Kết thúc phiên giao dịch cuối năm, vốn hóa của VHM đạt 245.800 tỷ đồng. Trong khi đó, cổ phiếu công ty mẹ của VHM là VIC đứng đầu về giá trị vốn hóa sàn HoSE và toàn thị trường với 304.160 tỷ đồng, tăng đến 49,2% so với 2017. Trong khi đó, VNM đã bị cả hai cổ phiếu họ 'Vin' vượt mặt và chỉ có vốn hóa đứng thứ ba thị trường với gần 209.000 tỷ đồng, giảm 31% so với cuối năm 2017. Một ‘tân binh’ khác của thị trường đó là TCB cũng đạt được mức vốn hóa 90.400 tỷ đồng, đứng thứ 8 sàn HoSE.

Năm 2018: Cục diện vốn hóa TTCK Việt Nam thay đổi, thanh khoản tăng mạnh - Ảnh 2.

10 cổ phiếu có vốn hóa lớn nhất sàn HoSE

Ở sàn UPCoM, trong số 10 cổ phiếu có vốn hóa lớn nhất thì có đến 6 cổ phiếu mới bắt đầu đăng ký giao dịch trong năm đó là VEA của Tổng Công ty Máy động lực và máy nông nghiệp Việt Nam – CTCP, BSR của Công ty Cổ phần Lọc Hóa dầu Bình Sơn, GVR của Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam, VGI của Tổng Công ty cổ phần Đầu tư Quốc tế Viettel, BCM của Tổng Công ty Đầu tư và phát triển Công nghiệp – CTCP và OIL của Tổng Công ty Dầu Việt Nam - Công ty TNHH MTV. Trong đó, VEA xếp thứ 3 sàn này với vốn hóa đạt 51.000 tỷ đồng. Cổ phiếu ACV của Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam – CTCP vẫn đứng đầu danh sách này nhưng vốn hóa đã giảm 19% so với năm 2017 và chỉ còn 192.300 tỷ đồng.

Năm 2018: Cục diện vốn hóa TTCK Việt Nam thay đổi, thanh khoản tăng mạnh - Ảnh 3.

10 cổ phiếu có vốn hóa lớn nhất sàn UPCoM

Trong khi đó, sàn HNX không ghi nhận cổ phiếu nào có vốn hóa lớn trong năm qua. ACB của Ngân hàng Thương mại Cổ phần Á Châu vẫn đứng đầu với vốn hóa khoảng 36.900 tỷ đồng, tăng nhẹ 1,5% so với 2017. Cổ phiếu VCS của Công ty cổ phần VICOSTONE dù đứng thứ hai về vốn hóa sàn này nhưng giảm đến 43% so với 2017 và đạt 10.600 tỷ đồng. Cái tên đáng chú ý nhất có thể kể đến DGC của Công ty Cổ phần Bột giặt và Hóa chất Đức Giang đã có vốn hóa tăng 202% từ 1.600 tỷ đồng lên thành gần 5.000 tỷ đồng.

Năm 2018: Cục diện vốn hóa TTCK Việt Nam thay đổi, thanh khoản tăng mạnh - Ảnh 4.

10 cổ phiếu có vốn hóa lớn nhất sàn HNX

Giá trị giao dịch tăng 29%

Nhờ vào sự bùng nổ của thị trường chứng khoán đầu năm cũng như hàng loạt thương vụ niêm yết đình đám của một số ‘ông lớn’ nên thanh khoản toàn thị trường đã được cải thiện đáng kể so với năm 2017. Tổng khối lượng giao dịch trên thị trường đạt hơn 67 tỷ cổ phiếu, tương ứng giá trị giao dịch đạt 1,63 triệu tỷ đồng. Trong đó, giá trị giao dịch khớp lệnh tăng 25,2% và đạt 1,3 triệu tỷ đồng, còn phương thức thỏa thuận tăng gần 47% và đạt 328.600 tỷ đồng.

Sàn HoSE vẫn thu hút được dòng tiền lớn nhất với khối lượng giao dịch đạt hơn 49,2 tỷ cổ phiếu, trị giá 1,34 triệu tỷ đồng, tăng 28,5% so với năm 2017.

Theo Bình An

NDH

Trở lên trên