MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Nâng cao chỉ số cảm xúc EQ – cách rút ngắn con đường đến với thành công

13-04-2017 - 12:19 PM | Sống

Chỉ số trí tuệ cảm xúc EQ là khả năng thấu hiểu, nhận biết, đánh giá và kiểm soát cảm xúc của bản thân cũng như của người khác.

Trong số các yếu tố cốt lõi khác nhau làm nên tài năng và thành công nghề nghiệp, chỉ số cảm xúc EQ ngày càng chiếm một vị trí quan trọng. Hay nói một cách khác, khả năng thấu hiểu và quản lý cảm xúc của chính mình và người khác đang ngày càng trở nên cần thiết và là chìa khóa của thành công.

Theo thống kê, khoảng 58% các yếu tố dẫn đến thành công của bạn là nhờ EQ.

Trên thực tế, hàng nghìn công trình nghiên cứu đã chứng minh sức mạnh của chỉ số cảm xúc EQ đối với hiệu suất công việc, tiềm năng lãnh đạo và khả năng kinh doanh. Hơn nữa, tầm quan trọng của chỉ số cảm xúc EQ còn được nhấn mạnh có liên quan đến sự thành công của các mối quan hệ, sức khỏe tinh thần và sự hạnh phúc.

Đây là tin vui cho những người có chỉ số cảm xúc EQ cao. Vậy những người có EQ thấp làm thế nào để nâng cao kỹ năng giao tiếp và quản lý cảm xúc của mình?

EQ chủ yếu do di truyền, hình thành từ kinh nghiệm thời thơ ấu và khá ổn định theo thời gian. Điều này không có nghĩa là những nỗ lực hướng tới cải thiện trí thông minh cảm xúc là lãng phí thời gian.

Nếu bạn muốn biết làm cách nào để nâng cao chỉ số cảm xúc EQ của mình, hãy làm theo 5 bước quan trọng sau:

1. Biến sự tự lừa dối thành tự nhận thức bản thân

Chỉ số cảm xúc EQ bao gồm hai phần: nhận thức (cách chúng ta nhìn chính mình) và danh tiếng (cách những người khác nhìn chúng ta).

Đối với hầu hết mọi người, sự khác biệt lớn giữa nhận thức và danh tiếng có thể khiến họ bỏ qua những phản hồi và đóng góp.

Nhận thức là tìm ra cái nhìn thực tế về điểm mạnh và điểm yếu của bản thân và những điểm mạnh, điểm yếu đó như thế nào so với người khác. Ví dụ, hầu hết mọi người đều đánh giá EQ của họ cao, nhưng chỉ số ít trong đó mới được đánh giá là có trí thông minh cảm xúc cao.

Những phản hồi chính xác sẽ là công cụ giúp chúng ta tìm ra những điểm mù liên quan đến EQ, từ đó biến sự tự lừa dối thành sự tự nhận thức.

2. Nhìn nhận trên quan điểm của người khác

Không dễ dàng gì khi đứng trên quan điểm của người khác để nhìn nhận sự vật, sự việc, đặc biệt là khi chúng ta không có cách nào phân biệt rõ đâu là đúng, đâu là sai.

Hãy thử tiếp cận theo một cách khác, đó là đánh giá và thừa nhận những điểm mạnh, điểm yếu cũng như niềm tin của các thành viên trong nhóm. Các cuộc thảo luận nhóm ngắn gọn nhưng thường xuyên sẽ dẫn đến sự hiểu biết thấu đáo hơn giữa các thành viên và làm thế nào để thúc đẩy ảnh hưởng đến người khác.

3. Khen ngợi để giải quyết

Những người thành công trong sự nghiệp có khuynh hướng khen ngợi để giải quyết. Những người được khen ngợi sẽ thường hợp tác hơn, thân thiện, tin tưởng và không ích kỷ.

Việc chủ động, thường xuyên chia sẻ kiến thức và các nguồn lực mà không mong đợi nhận lại điều gì sẽ giúp cả bạn và đối phương cùng phát triển.

4. Kiểm soát nóng giận

Niềm đam mê và sự nhiệt tình mãnh liệt có thể dễ dàng vượt qua giới hạn và áp lực khiến bạn căng thẳng và tức giận. Không ai thích một đứa trẻ khóc lóc. Và trong giới kinh doanh, những người dễ dàng thất vọng hoặc nản chí khi gặp vấn đề phát sinh bất ngờ được cho là không xứng đáng.

Bạn hãy suy nghĩ về những tình huống có thể kích thích cảm giác giận dữ hoặc thất vọng của mình. Ví dụ, nếu bạn thức dậy với một loạt email phiền toái, đừng phản hồi ngay lập tức, hãy dành thời gian để bình tĩnh lại. Tương tự như vậy, nếu ai đó đưa ra bình luận khó chịu về bạn trong cuộc họp, hãy kiểm soát cảm xúc và bình tĩnh lại.

Bạn không thể ngay lập tức biến từ Woody Allen thành Đức Đạt Lai Lạt Ma, nhưng bạn có thể tránh những tình huống căng thẳng bằng cách tìm ra yếu tố gây ra nó. Điều này sẽ giúp bạn nhận thức được cảm xúc của mình và cả cảm xúc của người khác.

5. Hãy khiêm tốn

Đôi khi bạn có thể cảm thấy mình đang bị quản lý bởi một đứa trẻ 6 tuổi. Nhưng nếu bạn thường xuyên nghĩ “Tôi bị bao vây bởi những kẻ ngốc”, thì có thể hành vi tự tin của bạn sẽ bị coi là kiêu ngạo và không có khả năng nhận ra sai lầm.

Muốn thăng tiến trong một tổ chức đòi hỏi sự tự tin nhất định. Tuy nhiên, các nhà lãnh đạo vĩ đại lại là những người vô cùng khiêm tốn. Họ có sự cân bằng giữa sự quyết đoán và sự khiêm tốn, thể hiện khả năng tiếp nhận thông tin phản hồi và khả năng thừa nhận sai lầm của mình.

Khi gặp khó khăn, các thành viên trong nhóm mong đợi sự tự tin từ nhà lãnh đạo, nhưng cũng mong muốn nhận được sự hỗ trợ và giảng dạy khiêm tốn để cải thiện tình hình.

Khánh Hằng

HBR

Trở lên trên