MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Ai sẽ bị ảnh hưởng nhiều nhất bởi giá dầu tăng nhanh hiện nay?

26-02-2012 - 11:06 AM |

Các nhà phân tích đang bày tỏ nhiều quan điểm về giá dầu trong tương lai và những tác động của nó sau đợt tăng mạnh gần đây.

Giá dầu đã bị đẩy lên mức cao của gần 10 tháng, với dầu Brent hiện trên 125 USD/thùng và dầu WTI sát 110 USD/thùng vì những lo ngại về tình hình chính trị của Iran cùng các biện pháp trừng phạt của phương Tây lên Tehran.

Johannes Benigi, giám đốc của JBC Energy nhận xét, ngay cả khi mọi người (Iran và phương Tây) xích lại gần nhau hơn thì giá dầu vẫn chịu áp lực bởi nguồn cung không đủ cho nhu cầu. “Hiện tại chúng ta có đủ cung , nhưng trong quý 3 hoặc quý 4, tình hình sẽ ngược lại nếu không có Iran”.

Cũng theo ông, cung dầu thắt chặt sẽ tác động lớn nhất lên các thị trường mới nổi nghèo năng lượng, vì chi phí phục vụ phát triển kinh tế sẽ tăng lên.

Frederic Neumann, đứng đầu bộ phận nghiên cứu kinh tế châu Á thuộc ngân hàng HSBC cũng cho rằng, nếu giá dầu tiếp tục tăng thì công cuộc hồi phục kinh tế ở Mỹ và châu Âu sẽ bị tác động, nhưng ảnh hưởng nặng nhất có lẽ là các nước khu vực châu Á.

Theo dữ liệu của HSBC, châu Á hiện là những khách hàng tiêu thụ dầu nhiều nhất, chiếm tới 32% tổng nhu cầu dầu thế giới, trong khi đó Bắc Mỹ chiếm 26% và châu Âu là 17%.

Giá dầu cao sẽ khiến cho tăng trưởng kinh tế ở các nước châu Á bị kìm hãm và đó là nỗi lo lớn nhất, hơn cả lạm phát. “Nếu giá dầu lên 140 USD/thùng trong năm nay, thì có nghĩa so theo năm mức tăng là 30%. Với mức này, các chính phủ có thể kiểm soát được lạm phát, trong khi không thể điều khiển được hoạt động xuất khẩu”, Neumann nói.

Cũng theo chuyên gia này, nếu giá dầu có mức tăng tới 90% như năm 2008 thì thế giới mới phải ra sức chống chọi với lạm phát.

Ông Newmann cho biết thêm, tỷ lệ tác động của giá dầu mỏ lên GDP ở các thị trường đang nổi châu Á chiếm đến 7%, trong khi ở Mỹ là 5%, cho thấy châu Á sẽ dễ bị tổn thương bởi giá dầu cao hơn. 

Michael Darda, kinh tế trưởng của MKM Partners LP lại có quan điểm rằng nguồn cung thắt chặt do căng thẳng với Iran là mối đe dọa cực lớn với kinh tế Mỹ. "Cú sốc về nguồn cung là vô cùng tiêu cực vì nó sẽ đẩy tăng giá và làm cho nhu cầu bị kìm hãm, kết quả là kinh tế sẽ tăng trưởng yếu đi".

Darda cho biết thêm, dù kinh tế Mỹ gần đây xuất hiện nhiều dấu hiệu tích cực, đặc biệt trên thị trường lao động, nhưng điều đó cũng chưa nói lên điều gì bởi sự hồi phục còn rất mong manh. Mỹ hiện đứng số 1 thế giới về tiêu thụ dầu mỏ.

Ở khía cạnh của thị trường chứng khoán, giá dầu cao thường tốt cho cổ phiếu của các công ty năng lượng, nhưng theo Jens Zimmerman, chuyên gia phân tích của ngân hàng tư nhân ABN Amro, điều này sẽ khó xảy ra trong bối cảnh hiện nay. “Biến động giá liên quan tới Iran và tình hình Hy Lạp có thể đảo ngược, vì thế hiện không phải là môi trường để ngành năng lượng có thể phát triển. Độ biến động của giá dầu tăng lên còn khiến cho các khoản thu nhập giảm và tiếp đến là nguồn vốn có thể bị rút bớt”, ông nói.

Minh Vân

hangnt

CNBC, Bloomberg

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên